Phá đường dây vận chuyển tiền giả quy mô lớn

(ANTĐ) - “Tiền mệnh giá 100.000 đồng khi đem ra lưu thông thường ít bị “soi” hơn so với các loại mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng. Chính vì vậy, lợi nhuận có thể không bằng các loại mệnh giá kia, nhưng tiền 100.000 đồng giả thường bán được nhanh”, đó là một phần lời khai của Vi Văn Danh, 29 tuổi, trú ở xã Cao Lâu, Cao Lộc, Lạng Sơn, kẻ cầm đầu đường dây buôn tiền giả vừa bị các lực lượng Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ (Báo ANTĐ đã đưa tin).

Phá đường dây vận chuyển tiền giả quy mô lớn

(ANTĐ) - “Tiền mệnh giá 100.000 đồng khi đem ra lưu thông thường ít bị “soi” hơn so với các loại mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng. Chính vì vậy, lợi nhuận có thể không bằng các loại mệnh giá kia, nhưng tiền 100.000 đồng giả thường bán được nhanh”, đó là một phần lời khai của Vi Văn Danh, 29 tuổi, trú ở xã Cao Lâu, Cao Lộc, Lạng Sơn, kẻ cầm đầu đường dây buôn tiền giả vừa bị các lực lượng Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ (Báo ANTĐ đã đưa tin).

Chiều 11-12, Trung tá Trần Đức Nha - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, trên cơ sở các tài liệu, vật chứng thu giữ, CQĐT Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam về hành vi tàng trữ, tiêu thụ tiền giả đối với các đối tượng Vi Văn Danh; Vũ Thị Kim Dung, 33 tuổi, nhà ở phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng và Ngô Văn Cảnh, 32 tuổi, trú ở tổ 16, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai.

Như Báo ANTĐ thông tin, ngày 7-12, tại một khách sạn trên phố Lê Văn Hưu, đường dây buôn bán tiền giả trên đã bị Công an phường Ngô Thì Nhậm phối hợp cùng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ bắt giữ. Vũ Thị Kim Dung bị bắt quả tang khi đang giao cho Ngô Văn Cảnh 299,7 triệu đồng tiền giả đều có mệnh giá 100.000 đồng.

Ngay sau đó, Vi Văn Danh đã bị bắt tiếp khi đang ở Bến xe phía Nam để đón xe khách về Lạng Sơn. Khai thác, đấu tranh 3 đối tượng trên, cơ quan công an làm rõ, Vi Văn Danh là kẻ trực tiếp tìm nguồn tiền giả, mua trên biên giới và đưa về Hà Nội tiêu thụ. Cứ 100 triệu đồng tiền giả, Danh phải bỏ vốn “đầu tư” 28 triệu đồng tiền thật.

Mang về đến Hà Nội, Danh bán lại cho “bạn gái” Vũ Thị Kim Dung 40 triệu đồng tiền thật lấy 100 triệu đồng tiền giả. Đến tay Cảnh, số tiền bán tăng thêm 5 triệu, là 45 triệu tiền thật “ăn” 100 triệu tiền giả. Chính vì mức kinh doanh siêu lợi nhuận này mà Vi Văn Danh đã làm liều, ôm 300 triệu đồng tiền giả về bán.

Số tiền giả bị phát hiện trên được coi là lớn nhất từ trước tới nay, bởi thông thường, tội phạm buôn tiền giả chỉ dám “kinh doanh” vài chục đến hơn trăm triệu đồng, để tránh bị phát hiện, cũng như sẽ được hưởng… án nhẹ hơn nếu bị bắt. Một điểm khác biệt ở đường dây buôn tiền giả do Vi Văn Danh cầm đầu, là chỉ “chơi” loại mệnh giá 100.000 đồng; với lý giải mệnh giá này khi mang lưu thông ít bị người dân chú ý hơn so với tiền 200.000 đồng và 500.000 đồng.

Lời khai của các đối tượng cho thấy, sau khi Vi Văn Danh chuyển tiền giả từ Lạng Sơn về Hà Nội thường cất giấu ở nhà Ngô Văn Cảnh để chờ cơ hội và tìm đầu mối tiêu thụ. Để tránh bị phát hiện, chúng thường tiêu thụ ở khu vực bến xe, các địa bàn giáp ranh quận, huyện và các phố buôn bán sầm uất với thủ đoạn: Cảnh sẽ đi trước để gặp khách hàng, kiểm tra tiền và xác định xem có nhu cầu thật hay không. Nếu đúng, y sẽ đưa tiền mẫu rồi thỏa thuận giá cả. Sau khi kiểm tra đúng là khách “xịn”, Cảnh sẽ gọi điện thoại cho Dung đem tiền đến.

Một tình tiết khôi hài xoay quanh số tiền giả mà cơ quan công an thu giữ của các đối tượng. Đó là khi bị bắt, số tiền giả cơ quan công an tìm thấy trong người Dung và Cảnh là 299,7 triệu đồng. Các đối tượng khai, cọc tiền mà Danh chuyển cho có đủ 300 triệu đồng, nhưng “dân” buôn tiền giả thường có “tục lệ” mỗi chuyến hàng phải vứt đi 3 tờ tiền để… lấy may. Thế nhưng thực tế, ngay cả khi đã làm đúng “tục lệ” này, 3 đối tượng buôn tiền giả vẫn bị bắt.                      

   Minh Hà