Ô tô bị cây đổ trúng, bên nhận trông giữ phải có trách nhiệm bồi thường

ANTD.VN - Hỏi: Tôi thường gửi ô tô qua đêm ở bãi trông giữ quen biết, nên không lấy vé. Mới đây, tình cờ 1 cây cổ thụ trồng trên hè đường bị bật gốc, đè trúng gây hư hỏng xe ô tô. Khi đặt vấn đề bồi thường, chủ bãi trông giữ nại lý do xe của tôi không có vé, nên không chịu trách nhiệm; và cho rằng đó là lỗi của công ty cây xanh. Xin hỏi luật sư liệu tôi có thể đòi hỏi quyền lợi của mình được không, trong trường hợp có, hoặc không lấy vé trông giữ? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn, hỗ trợ? Nguyễn Thị Lý (Phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

(Ảnh minh họa)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 116 - Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự thì “giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự”. Như vậy việc gửi xe là giao dịch dân sự, thể hiện qua vé, lời nói, cử chỉ giao nhận... 

Tại Điều 554 - Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, bên giữ nhận tài sản phải bảo quản và trả lại chính tài sản đó khi hết thời hạn hợp đồng. Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp không phải trả. Vậy bạn cần làm rõ và xác định việc bạn gửi xe tại bãi trông xe mà bạn quen biết nên không lấy vé đã diễn ra như thế nào.

Đó là lần đầu tiên bạn gửi xe theo kiểu như vậy thì khi gửi người trông giữ xe có biết và nhận thức được việc bạn đưa xe vào bãi xe của họ hay không. Trường hợp bạn thường xuyên gửi xe vào bãi của người quen mà không lấy vé nhưng vẫn thanh toán tiền trông giữ xe đầy đủ, bạn cũng cần làm rõ việc giao nhận xe được thực hiện ra sao.

Nếu việc gửi xe được thực hiện mà các bên đều có ý chí hướng tới thực hiện một giao dịch như thông lệ đã thực hiện hoặc các bên biết, hiểu rõ hành vi thực hiện giao dịch trông giữ tài sản thì theo quy định tại Điều 557 - Bộ luật Dân sự, bên giữ tài sản phải có các nghĩa vụ là bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận; chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi; phải thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó. Cuối cùng là bên nhận giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản trừ trường hợp bất khả kháng.

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Từ những quy định nêu trên có thể thấy, việc xe của bạn bị cây cổ thụ trồng trên hè đường bị bật gốc, đè trúng gây hư hỏng xe ô tô thì trách nhiệm trước tiên thuộc về bên trông giữ xe. Nếu xe của bạn có mua bảo hiểm thì bạn yêu cầu phía bảo hiểm bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho bạn theo hợp đồng. Sau đó, bên bảo hiểm có quyền yêu cầu bên trông xe bồi thường lại.

Tuy nhiên trong trường hợp của bạn cũng cần xác định việc cây cổ thụ bị bật gốc là nguyên nhân do đâu và có phải là trường hợp bất khả kháng hay không để làm căn cứ khi giải quyết giữa các bên.