Nỗi đau sau những vụ trọng án từ nguyên nhân xã hội

ANTĐ -Mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo về các vụ án mạng do nguyên nhân xã hội và bạo lực gia đình nhưng thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng vẫn liên tiếp xảy ra các vụ trọng án đau lòng mà hung thủ và nạn nhân đều là người trong một nhà. 

Một gia đình hạnh phúc nhưng chỉ vì mâu thuẫn cá nhân bỗng "tan đàn, xẻ nghé", những người thân trong gia đình sát hại nhau, chồng giết vợ, vợ giết chồng, con giết cha, cha giết con để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đó là những đứa con phải bơ vơ không nơi nương tựa, cha chết mẹ đi tù.

Điển hình như một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng vừa mới xảy ra tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông khiến nhiều người không khỏi đau xót. Theo đó chiều ngày 18-8-2013 chỉ vì nghi ngờ chồng ngoại tình, trong lúc cãi vã, Phạm Thị Trang (22 tuổi), trú tại tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức đã dùng dao đâm 25 nhát vào ngực người chồng của mình là anh Đỗ Kiên Cường (26 tuổi) khiến anh Kiên chết ngay sau đó.

Giá như người vợ biết suy xét đúng sai, trước sau và nghĩ đến những người xung quanh, nhất là những đưa con thơ dại thì chắc hẳn sẽ không để xảy kết cục đáng buồn. Chỉ trong phút chốc, những đứa con thơ trở thành trẻ mồ côi, bơ vơ trước cảnh bố chết, mẹ ngồi tù, đau lòng hơn Trang giết chồng khi đang mang thai đứa con thứ 2 được 5 tháng. Giờ đây không biết số phận của những đứa con của Trang không biết ra sao, không biết nương tựa vào đâu. Đó cũng là nỗi lo lớn nhất của ông Đỗ Văn Duyên (60 tuổi, bố của anh Cường).

Hoàng, đối tượng giết bố đẻ xảy ra cuối năm 2012 tại huyện Cư Jút

Ông Duyên nghẹn ngào cho biết: “Giống như thường ngày, hôm đó là 15 giờ 30 ngày 18-8, tôi đang ở nhà bên cạnh thì nghe hai vợ chồng chúng nó to tiếng với nhau. Cứ nghĩ chúng nó chỉ cãi nhau bình thường rồi thôi, bởi mọi ngày chúng nó vẫn hay cãi nhau nhưng không đến mức nghiêm trọng, chứ ai ngờ. Khi  tôi chạy sang thì thấy thằng Cường nằm giữa nền nhà, máu chảy lênh láng, con dao Thái Lan vẫn còn cắm sâu ở giữa lồng ngực. Còn con Trang thì vừa mới chạy xe ra khỏi nhà. Quá hoảng hốt, tôi vội  chạy sang kêu cứu hàng xóm  nhưng đã quá muộn….".

Mặc dù ở sát bên cạnh nhưng vì sức khỏe yếu, lại bị bệnh lãng tai nên ông Duyên cũng không nắm rõ tường tận về những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống giữa hai vợ chồng. Thường  ngày, Trang là người lầm lỳ ít nói, rất ít khi mang chuyện của hai người sang tâm sự với bố mẹ chồng…. Bản thân vợ chồng ông bà Duyên cũng chưa bao giờ nặng lời hay làm mất lòng đến con dâu.

Tiếp xúc với chúng tôi tại trại tạm giam công an tỉnh Đắk Nông, Trang nghẹn ngào trong nước mắt cho biết: Năm 2010 Trang và Cường kết hôn và sống với nhau rất hạnh phúc. Cường lái xe taxi còn Trang ở nhà bán vé số. Hàng ngày sau những lúc đi làm về nhà, Cường vẫn chở mẹ con Trang đi dạo chơi, mua sắm, cuộc sống của hai người cứ thế êm đềm trôi qua.

"Thế nhưng niềm hạnh phúc đó kéo dài không được bao lâu vào đầu năm 2013, lúc đó em vừa mới mang thai đứa con thứ hai chưa đầy ba tháng. Nhiều lần em bắt gặp trong điện thoại di động của anh ấy nhiều tin nhắn có nội dung mùi mẫn với một người con gái khác. Có lần không chịu đựng được, em đã chủ động nhắn tin và gọi điện cho cô gái đó thì bị anh ấy đánh đập, đe dọa. Cũng kể từ ngày có bồ, anh ấy luôn tỏ thái độ hắt hủi vợ con, chẳng hề quan tâm gì đến gia đình...", Trang kể. Sự việc tưởng chừng chỉ có vậy nên hai vợ chồng Trang cũng thường xuyên lời qua tiếng lại, nhưng rồi lại làm lành ngay sau đó. Cho đến một hôm, Cường lạnh lùng yêu cầu Trang đi siêu âm xem là con trai hay con gái, nếu là con gái thì phải đi bỏ nó đi, không thì tự lo lấy một mình, thì mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm.

Đối tượng Phạm Thị Trang

Một thời gian sau, khi Trang đã nguôi ngoai thì Cường lại viết đơn yêu cầu li dị. Quá uất hận vì bị chồng phụ bạc, có lần Trang đã đi đến một số cửa hiệu tìm mua thuốc ngủ về cho chồng uống nhằm mục đích cắt “của quý” nhưng không có chỗ nào bán loại thuốc đó. Trang lại nghĩ rằng, nếu mình hành động như thế thì chắc chắn Cường sẽ chẳng để yên cho mình, thậm chí còn làm liên lụy đến cả gia đình nên Trang đã từ bỏ ý định đó và quyết định viết đơn ly hôn. Ngày 18-8, sau khi đi làm về, giữa Trang và Cường lại xảy ra mâu thuẫn.

“Lúc đó em giống như bị lên cơn điên, không biết mình phải làm gì, đang làm gì… Thấy Cường đi vào trong phòng nằm ngủ, em vơ vội con dao trên bàn rồi xông vào đâm tới tấp vào Cường, cho đến khi anh ấy gục xuống, sau đó em lên công an đầu thú…” Trang kể lại.\

Vụ án trên là một trong số những vụ án mạng đau lòng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mà nguyên nhân chủ yếu cũng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái với nhau.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lộc – Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đắk Nông thì thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra hàng chục vụ án mạng do nguyên nhân xã hội, chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 15 vụ án mạng do nguyên nhân xã hội, trong đó có 2 vụ chồng giết vợ, 1 vụ vợ giết chồng, 1 vụ con giết bố, 1 vụ bố giết con.. Đặc biệt trước đó, từ ngày 1 đến ngày 3-11-2012 trên địa bàn huyện Cư Jút và Đắk Mil liên tiếp xảy ra 2 vụ án mạng con giết cha và cha giết con mà nguyên nhân cũng xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống không được giải quyết dứt điểm.

Phiên tòa xét xử vụ vợ cấu kết với người làm thuê giết chồng ở huyện Đắk G’long

Những vụ án mạng xảy ra ngay chính trong một gia đình đã phần nào phản ánh vấn đề xã hội đang khá nhức nhối hiện nay, đó là mâu thuẫn gia đình. Khi mâu thuẫn gia đình không thể dung hòa sẽ để lại nhiều hệ lụy. Chỉ vì một phút nông nổi, không kiềm chế được bản thân, những người thân trong gia đình bỗng trở thành sát nhân sát hại ngay cả những người ruột thịt, máu mủ của mình.

Sau khi án mạng xảy ra, hình ảnh mà họ phải đối diện không gì khác ngoài vòng lao lý, là sự ra đi vĩnh viễn của người vợ, người chồng, người cha, người con, là nước mắt buồn thương của những người thân khi phải gồng mình chứng kiến cảnh gia đình tan nát, người thì chết, người đi tù. Không chỉ kẻ gây ra tội ác phải gánh chịu tội lỗi và hình phạt do hành vi tội ác của mình gây ra bằng hình phạt của tòa án pháp luật và tòa án lương tâm mà nỗi đau còn để lại dai dẳng cho người ở lại. Đó là những người người con mất cha, mất mẹ, cha mẹ phải vào tù không nơi nương tựa.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Lộc, để ngăn chặn và đẩy lùi những hậu quả trên, trước hết đòi hỏi người làm chồng, làm cha, người làm vợ, làm mẹ trong gia đình cần phải nâng cao trách nhiệm của mình. Muốn tạo dựng một gia đình hạnh phúc thì mỗi cá nhân phải tự vun xới, bồi đắp những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp, ban, ngành liên quan cần nâng cao tuyên truyền pháp luật đến mỗi người dân tạo môi trường lành mạnh, vững chắc cho gia đình phát triển theo đúng nghĩa, nhất là việc trang bị kiến thức về kỹ năng sống, cách giải quyết mâu thuẫn nảy sinh.