Lật lại vụ án Trần Văn Vót:

Những tình tiết "đắt" chứng minh tội phạm

ANTD.VN - Trước ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như đề nghị xem xét lại vụ án của một số Đại biểu Quốc hội và đặc biệt là trước số phận của một con người, mới đây 3 ngành nội chính đã chính thức đưa ra thông tin kết luận vụ án liên quan đến ông Trần Văn Vót. đây là kết quả sau hơn 1 năm lần rà lại từng tình tiết của vụ án.    

Ông Trần Văn Vót  trong trại cải tạo

Cuộc xô xát gần 24 năm trước

Theo kết quả xác minh của 3 ngành nội chính (Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao), HTX nông nghiệp Nhân Phúc, thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Nam Hà, nay là tỉnh Hà Nam vốn được sáp nhập từ 2 HTX là Thanh Nga và Nhân Phúc. Quá trình sáp nhập, UBND xã Phú Phúc đã quyết định “cắt” 168 mẫu ruộng (vốn do Nhân Phúc canh tác) cho bên Thanh Nga sản xuất.

Vì lý do đó mà người dân của Thanh Nga và Nhân Phúc thường xuyên tranh chấp, xô xát, phá hoại hoa màu của nhau. Đỉnh điểm là ngày 23-1-1992, 7 người của Nhân Phúc bị đánh trọng thương, trong đó có ông Trần Văn Vót (SN 1949, khi đó là Bí thư chi bộ 4 Lý Nội, Nhân Phúc) và ông Trần Ngọc Thông.

Sau khi bị đánh gãy tay, ông Vót gặp Nguyễn Ngọc Viên (Nhân Phúc) dặn nếu hai bên xô xát nữa thì đến nhà Nguyễn Thế Mưu lấy quả lựu đạn đưa cho Vót. Ông Vót còn cảnh báo người đồng đội cũ (ở Huyện đội Lý Nhân) là: “Về địa phương thì cứ làm nhưng tôi khuyên ông nếu chỗ nào đông người xô xát thì không nên có mặt”…

Mối thù tức giữa Thanh Nga và Nhân Phúc âm ỉ cho đến ngày 29-11-1992 thì bùng phát thành ẩu đả. Chiều cùng ngày, người dân Nhân Phúc làm đất ở cánh đồng gần nơi tranh chấp thì Trần Văn Cự đánh kẻng, hô hào bên Thanh Nga mang ngô ra gieo.

Nghe tiếng bên kia đánh kẻng báo động và có người chạy về báo tin bị cướp đất nên Trần Văn Bình (Nhân Phúc) liền dùng loa phóng thanh kêu gọi xã viên đổ ra đồng. Bình chỉ huy thanh niên Nhân Phúc dàn hàng ngang để bắt người Thanh Nga và ra lệnh đập vỡ cống nước, lấy gạch ném đối phương.

Cuộc ném đá vào nhau kéo dài cả tiếng đồng hồ bất chấp lực lượng chức năng của huyện có mặt. Cùng thời điểm, ông Trần Văn Vót mang theo quả lựu đạn tới khu vực xô xát. Tại đây, Vót và một số đối tượng hô hào, kích động người Nhân Phúc. Khoảng 15h cùng ngày, thấy Trần Ngọc Thanh (SN 1974) hùa vào đám đông Nhân Phúc, ông Vót bảo Thanh cầm quả lựu đạn ném.

Sẵn mối thù vì bố đẻ là ông Thông từng bị đánh trọng thương nên Thanh đồng ý ngay. Đúng lúc đó, Viên mang lựu đạn khác tới nhưng Vót ra hiệu không cần nữa. Sau khi được Vót hướng dẫn, Thanh đã nhanh chóng thực hiện. Tuy nhiên, do mất bình tĩnh nên lựu đạn phát nổ trúng vào nhóm Nhân Phúc đang chạy lên. Hậu quả, anh Trần Văn Việt chết và 21 người bị thương.

Bất ngờ kêu oan cả 4 tội danh 

Cũng theo nhận định của các cơ quan nội chính, đây là vụ án phức tạp,  không chỉ vì số người tham gia xô xát đông mà nó khiến cho mâu thuẫn giữa Thanh Nga và Nhân Phúc càng khó hóa giải. Chính vì thế,  khi vụ án xảy ra, cơ quan tố tụng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Trần Văn Cự về hành vi giết người bởi ngay sau đó, ông này trốn khỏi địa phương.

Trở lại những diễn biến của vụ án, khi những người bên Nhân Phúc bị thương, cả Thanh và Vót cùng tham gia sơ cứu các nạn nhân. Trong lúc cơ quan chức năng điều tra theo hướng Cự là đối tượng gây ra vụ giết người thì Thanh nhiều lần đến nhà Vót tỏ thái độ lo sợ. Trấn an người ném lựu đạn, Vót khuyên Thanh giữ bí mật, hứa hẹn sẽ lo liệu về mặt kinh tế, đồng thời đe dọa sẽ giết chết nếu sự thật bị bại lộ.

Tiếp đến, Vót động viên Thanh đi bộ đội để tránh sự điều tra. Ngày 7-2-1993, Thanh nhập ngũ. Nhưng chỉ 6 ngày sau, thanh niên này đã tự thú về hành vi ném lựu đạn khiến anh Việt chết và hàng chục người bị thương.

Cuối tháng 2-1994, TAND tỉnh Nam Hà quyết định tuyên phạt Trần Văn Vót tù chung thân về tội “Giết người”, 10 năm tù tội “Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội”, 2 năm tù tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và 3 năm tù tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Cùng với đó, Trần Ngọc Thanh bị xử phạt 15 năm tù về tội “Giết người”. 26 người khác liên quan cũng phải lĩnh án với những tội danh tương ứng. Bản án phúc thẩm vào tháng 8-1994, TAND Tối cao tiếp tục giữ nguyên hình phạt tù chung thân và chỉ thay đổi một tội danh đối với ông Vót và 15 năm tù với Thanh. 

Ở cả 2 cấp tòa, ông Vót chỉ kêu oan về tội “Giết người” với khẳng định không đưa lựu đạn cho Thanh. Thế nhưng đến những năm gần đây, người này lại bất ngờ kêu oan về cả 4 tội danh bị áp dụng. Đối với Thanh, quá trình giải quyết vụ án tại tòa đều thành khẩn nhận tội và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.

Vậy nhưng, sau khi thụ án xong vào năm 2004, anh này cũng lại có đơn kêu oan. Trước đó, bố Trần Văn Vót, bố mẹ Trần Ngọc Thanh liên tiếp có đơn gửi tới nhiều cơ quan trung ương và cho rằng vụ án không được giải quyết khách quan. Tương tự, cụ Trần Văn Điền (bố anh Việt) cũng cho rằng người gây ra cái chết đối với anh Việt không phải là ông Vót và Thanh. 

Thẩm tra, rà soát kỹ từng chứng cứ 

Sau những lần VKSND Tối cao, TAND Tối cao trả lời các khiếu nại, kêu oan ở vụ án ông Vót một cách độc lập vào năm 2000 và 2007 thì tại cuộc họp ngày 31-7-2015, 3 ngành Nội chính Trung ương quyết định thành lập Tổ chuyên viên liên ngành (Tổ liên ngành) nghiên cứu lại vụ án, đồng thời xác minh mọi vấn đề liên quan với nguyên tắc độc lập và phải thật khách quan.

Trước hết đối với các tình tiết quan trọng của vụ án, theo Tổ liên ngành thì quả lựu đạn đưa cho Thanh có nguồn gốc từ việc trong thời gian công tác tại BCH quân sự huyện Lý Nhân, ông Vót được cử đi thu hồi nhưng lại không giao nộp về đơn vị.

Điều này đã được Tổ liên ngành lật lại sổ sách giao nhận vũ khí tại địa phương cũng như làm việc trực tiếp với cán bộ quân sự có trách nhiệm thời điểm đó. Ngoài ra, tháng 10-1992, ông Vót mượn của Nguyễn Thế Mưu 1 quả lựu đạn và đến ngày 7-7-1993 thì vợ ông này giao nộp cho cơ quan chức năng. 

Về lời khai của nhân chứng Trần Văn Đạt, Tổ liên ngành xác định, thời điểm Nhân Phúc và Thanh Nga xô xát, anh này và Thanh cùng nhau ra hiện trường. Anh Đạt thấy ông Vót đưa cho Thanh một vật gì đó. Khi nhóm Nhân Phúc đuổi nhóm Thanh Nga, cũng chính anh Đạt nhìn thấy Thanh ném vật gì về phía trước và liền đó là tiếng nổ.

Đối với thương tích của các nạn nhân, cơ quan Nội chính Trung ương nhận thấy, kết luận giám định chỉ rõ hầu hết đều bị mảnh lựu đạn găm vào người từ phía sau. Quả lựu đạn Thanh ném là loại lựu đạn do Việt Nam sản xuất và tương thích với quả lựu đạn ông Vót được cử đi thu giữ.

Đối với lời khai cho rằng thời điểm quả lựu đạn phát nổ, ông Vót không có mặt ở khu vực xô xát là không đúng. Bởi bản thân ông Vót thừa nhận trong cả 2 phiên tòa là có mặt tại hiện trường. 

Về những lời khai của Thanh, trong đơn khiếu nại, kêu oan, bố mẹ anh này cho rằng con họ bị ép cung, nhục hình. Tuy nhiên, làm việc với đơn vị quân đội nơi Thanh nhập ngũ, Tổ liên ngành ghi nhận ngày 12-2-1993, thấy tân binh này biểu hiện tâm lý không bình thường nên chỉ huy đơn vị hỏi han thì nhận được những lời tự thú về việc từng ném lựu đạn khiến nhiều người ở quê bị thương, vì thế rất ân hận.

Những lời tự thú ấy, sau đó được báo cáo lên cấp đại đội, tiểu đoàn rồi Thanh được bàn giao cho CAH Lý Nhân. Lúc đó, CQĐT vẫn điều tra theo hướng Trần Văn Cự là thủ phạm ném lựu đạn. Về sau, Thanh cũng đều tự nguyện khai báo. Do đó, không có căn cứ cho thấy, đồng phạm của ông Vót bị ép cung hay nhục hình. 

Về những thông tin phát sinh gần đây là anh Nguyễn Mạnh Hòa, Trần Ngọc Chương (Nhân Phúc) chụp được ảnh Cự ném lựu đạn và quả lựu đạn ấy lăn trên mặt đất chừng 30cm mới phát nổ. Kết quả làm việc với anh Hòa, anh Chương lại cho thấy, các anh này không có máy ảnh và cũng không nhìn thấy ai ném lựu đạn.

Còn kết quả giám định cho thấy lựu đạn gây chết người đã phát nổ khi chưa kịp rơi xuống đất. Theo anh Hòa, việc anh nói là chụp được ảnh ném lựu đạn chỉ nhằm để mọi người yên tâm.

Đặc biệt, ngay sau khi vụ án xảy ra, cơ quan chức năng liên tục kêu gọi người dân cung cấp mọi thông tin liên quan đến vụ án trên loa truyền thanh địa phương, song không một ai đề cập đến những thông tin nêu trên.

Và những thông tin này chỉ được “xới lên” trong thời gian gần đây… Trên cơ sở này, ngày 19-10 vừa qua, các ngành Nội chính Trung ương đã chính thức thông tin, đồng thời khẳng định ông Trần Văn Vót không bị oan.