Những thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao

ANTĐ - Có lẽ chưa khi nào tội phạm sử dụng mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội lại nhiều như hiện nay. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, thì các thủ đoạn của tội phạm lại càng đa dạng và tinh vi hơn; thâm nhập vào đời sống dân sinh để lừa đảo dưới mọi hình thức - chiêu trò - mánh khóe trên tất cả bình diện. Từ “ông chú Viettel”; giả danh lực lượng chức năng gọi điện thoại kiểm tra tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền; hack facebook để nhờ mua thẻ cào; lừa tin nhắn trúng thưởng, nợ cước điện thoại… Chưa hết, thông qua mạng Internet, tội phạm còn quảng cáo, mua bán hàng cấm; nhận làm giả các loại giấy tờ miễn sao thu được lợi nhuận bất chính với phương châm chỉ cần lừa được 1 người/100 người đã là thành công. Chính vì vậy, lực lượng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước những chiêu trò mới của tội phạm. 

Nạn nhân liên tiếp "dính bẫy"

Đến nay sau khi lực lượng chức năng đấu tranh làm rõ, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet mới thấy muôn mặt các thủ đoạn của đối tượng tội phạm lợi dụng công nghệ cao xuất hiện ở Việt Nam dưới những biến thể khác nhau. Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, đầu tháng 5-2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã đưa ra thông báo về tình trạng tội phạm công nghệ cao đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân nhẹ dạ cả tin.

Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện qua Internet vào các thuê bao của các bị hại ở trong nước để thông báo tới bị hại với nội dung đang nợ cước điện thoại, hoặc số tài khoản ngân hàng của bị hại bị kẻ xấu chiếm đoạt để dùng vào mục đích xấu. Đồng thời với thông báo trên, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ tiền vào một tài khoản khác sau đó sẽ chiếm đoạt.

Đầu tháng 4-2015, Công an TP Hà Nội đã nhận được 13 đơn trình báo của bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 3 tỉ đồng. Điển hình là ngày 15-4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của 1 nạn nhân có hộ khẩu thường trú tại quận Hà Đông với nội dung bị một đối tượng gọi vào số máy bàn của gia đình thông báo về việc nợ cước điện thoại với số tiền hơn 8 triệu đồng. Đối tượng này sau đó đã yêu cầu chị ấn tiếp phím 0 để gặp cơ quan công an.

 Nạn nhân tin lời làm theo thì bị một đối tượng khác tự xưng là Công an tỉnh Tây Ninh cho biết số tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị các đối tượng xấu đánh cắp và yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản khác, sau 1 đến 2 ngày sẽ chuyển trả lại. Ngay sau đó, nạn nhân đã ra ngân hàng rút 400 triệu đồng và chuyển vào số tài khoản của đối tượng. Tuy nhiên sau nhiều ngày không thấy tiền được chuyển trả, nạn nhân đã làm đơn gửi cơ quan công an.

Cũng với thủ đoạn trên, ngày 5-5 một nạn nhân khác có hộ khẩu tại quận Đống Đa đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới 240 triệu đồng… Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi khi dùng Internet thông qua phương thức VOIP - thông tin được truyền tải là mã hóa của âm thanh để gọi điện nhằm tránh sự truy xét của cơ quan công an. Đồng thời sau khi tiền của nạn nhân chuyển vào tài khoản thì các đối tượng sẽ lập tức rút toàn bộ tiền. 

Bẫy lừa mới trên Facebook

Mới đây, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội xác minh một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với thủ đoạn mới: Đối tượng gây án là người nước ngoài thường sử dụng Facebook để làm quen các phụ nữ đơn thân. Sau nhiều tháng trò chuyện, đối tượng đề nghị tặng cho bị hại những đồ vật có giá trị như tiền, dây chuyền, ĐTDĐ qua chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam.

Sau đó, chúng cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan, cơ quan thuế, sân bay hoặc công ty chuyển phát nhanh gọi điện cho bị hại thông báo lô hàng chuyển từ nước ngoài về đang bị tạm giữ. Nếu muốn nhận lại, bị hại phải nộp các khoản tiền chuyển phát nhanh, tiền thuế các tài khoản do chúng cung cấp. Đầu tháng 4-2015, chị Nguyễn Thị T., ở Hai Bà Trưng, TP Hà Nội được một người đàn ông giới thiệu tên là Larry Smith, sinh ra tại New Mexico, Mỹ, hiện đang sống với con trai ở Scotland làm quen trên mạng xã hội Facebook.

Sau một thời gian trò chuyện và trở thân thiết, ngày 10-4, Smith cho biết sẽ tặng chị Nguyễn Thị T. một món quà. Sau đó 1 ngày, qua Facebook Smith gửi hình ảnh hóa đơn và thùng quà gồm đồng hồ đeo tay, dây chuyền, nhẫn kim cương, nước hoa, máy ảnh, máy tính bảng, máy nghe nhạc… và 250.000 USD. Ngày 14-4, chị Nguyễn Thị T. nhận được cuộc gọi từ của một người lạ tự xưng là nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM thông báo rằng gói hàng gửi từ Scotland đang bị giữ, đề nghị nộp 23 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để trả phí vận chuyển quà. Khi chị Nguyễn Thị T. làm theo hướng dẫn thì nhân viên sân bay tiếp tục thông báo thùng quà của chị chứa một lượng lớn ngoại tệ, phải nộp thêm 84 triệu đồng tiền thuế. Nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại đã đến cơ quan công an trình báo. 

Vẫn với thủ đoạn tương tự, chị Phạm Thị M D., ở Đắk Lắk cũng bị một đối tượng nước ngoài tự xưng là David Jackson lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Quá trình làm quen trên Facebook, Viber, biết bị hại sống đơn thân, Jackson nói sẽ sang Việt Nam cưới chị D. rồi đưa về Anh sinh sống. Sau đó, Jackson nói rằng đã mua vé máy bay sang Việt Nam, chuyến bay SQ176 của Hãng hàng không Singapore Airline, hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 11h40. Đến 11h44 phút, chị D. được một người phụ nữ tự xưng nhân viên nhập cảnh Sân bay Nội Bài thông báo đang tạm giữ David Jackson với lý do mang một lượng lớn ngoại tệ vào Việt Nam mà không khai báo.

Để giải quyết vụ việc, nhân viên nhập cảnh sân bay đề nghị chị D. chuyển 15.500 USD vào một tài khoản ngân hàng. Khi bị hại thông báo đã làm theo hướng dẫn, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị D. chuyển thêm 45.000 USD. Đến sân bay xác minh, chị D. mới giật mình nhận ra mình đã trở thành bị hại của nhóm tội phạm chuyên lừa đảo qua Viber, Facebook…

Không thiếu thủ đoạn lừa đảo nào

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang ngày càng phát triển với các thủ đoạn đa dạng, tinh vi hơn. Đa phần người dân bị lừa đảo là do lòng tham và sự thiếu hiểu biết. Từ việc nạp thẻ mua hồ sơ để nhận giải xe máy hoặc tiền mặt; đến chiêu trò hack nạp thẻ điện thoại di động; tống tiền qua điện thoại; gần đây trên mạng Internet đã xuất hiện 1 nhóm đối tượng chuyên lập các website, kho ứng dụng cho điện thoại di động, máy tính bảng có nội dung khiêu dâm.

Từ đó chúng phát tán link trên các mạng xã hội nhằm lừa người sử dụng click vào để chiếm đoạt tiền của họ. Sau khi được cảnh báo, các nội dung khiêu dâm bị xóa bỏ trên các kho ứng dụng, tội phạm lại biến thể sang các trò lừa đảo mới như việc tạo ra các trò chơi với hình dạng bên ngoài bình thường có tiêu đề rất “hot” để câu khách song tiềm ẩn bên trong lại chứa các “mã độc” có khả năng gửi tin nhắn về tổng đài để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người sử dụng. Nguy hiểm hơn, có những “mã độc” có thể đánh cắp được các dữ liệu như ảnh, video, danh bạ, tin nhắn, thông tin về tài khoản Facebook, E-mail, tài khoản ngân hàng… 

Với thủ đoạn từ đơn giản đến phức tạp, chỉ cần lừa được 1 người/100 người thì đã thành công của bọn tội phạm công nghệ cao. Chính vì vậy, để thu lợi bất chính, loại tội phạm này còn lợi dụng Internet, thông qua các mạng xã hội để quảng cáo, giao dịch mua - bán các loại giấy tờ giả. Giữa tháng 4-2015, Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây làm giả giấy khám sức khỏe (GKSK) và mua bán giấy xuất - nhập viện của 1 số bệnh viện lớn tại Hà Nội.

 5 đối tượng bị bắt là Vũ Văn Đề (SN 1991), ở quận Thanh Xuân; Dương Văn Mạnh (SN 1991), ở quận Thanh Xuân; Nguyễn Thị Thương (SN 1991), ở quận Hoàn Kiếm và Đặng Thị Tuyết (SN 1995); Đinh Quang Tùng (SN 1991) cùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khai nhận đã làm giả GKSK bằng thủ đoạn photocopy GKSK của Bệnh viện Giao thông Vận tải, làm giả con dấu khắc tên bác sĩ, con dấu bệnh viện rồi rao bán trên mạng xã hội Facebook. Khách nào có nhu cầu đặt mua giấy khám sức khỏe sẽ liên hệ giao dịch trực tiếp với Vũ Văn Đề qua số ĐTDĐ được đăng trên Facebook. Thấy số lượng khách “đặt mua” lớn, Dương Văn Mạnh lại mua lại số giấy tờ giả do Vũ Văn Đề sản xuất, lập trang Facebook “Giấy khám sức khỏe”, đăng số điện thoại cá nhân lên rao bán GKSK, giấy ra viện...

Ngày 28-4, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội bắt khẩn cấp Bùi Thị Thu Hà (24 tuổi) và Đinh Thế Nam (22 tuổi), hiện đang thuê trọ và chung sống với nhau như vợ chồng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cặp vợ chồng “hờ” Hà - Nam làm giả các loại giấy ra viện, giấy chứng nhận điều trị, sổ khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để rao bán trên Facebook… 

Internet, cũng như các mạng xã hội như Facebook, Twitter… là một mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm công nghệ cao, sử dụng khả năng công nghệ thông tin để kiếm lợi bất chính. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này ngày một đa dạng và tinh vi, đòi hỏi người sử dụng Internet và mạng xã hội cần tăng cường cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình.

 Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông cần hết sức chú ý khi làm quen, kết bạn trên mạng cũng như các hoạt động chuyển tiền, tránh trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ; cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác.

Đối với thủ đoạn giả danh bạn bè, người thân để nạp thẻ điện thoại, người dùng cần có biện pháp kiểm tra, xác thực thông tin. Trước các tin tức giật gân, có tính chất khiêu dâm, bạo lực, có biểu hiện thất thiệt để câu view trên mạng Internet và mạng xã hội, người dùng tuyệt đối không truy cập vào xem. Trong trường hợp lỡ tay truy cập vào đường link, cần nhanh chóng thay đổi mật khẩu của trang cá nhân để tránh mất tài khoản…