Những người tiếp tay cho bố cháu bé ở Nghệ An rất có thể phải vào tù

ANTD.VN - Dư luận xã hội hiện vẫn tiếp tục quan tâm đến vụ việc bố cháu bé ở Nghệ An tố cáo con mình bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, sự việc đã bất ngờ chuyển sang một hướng khác khi cơ quan chức năng xác định đó chỉ là bịa đặt.

Xung quanh vụ việc này, phóng viên Báo ANTĐ đã cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

PV: Vừa qua, báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội tại buổi làm việc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định, không có việc cháu N.B.T. (6 tuổi, trú ở TP Vinh, Nghệ An) bị xâm hại tình dục như đơn tố cáo của cha cháu bé. Luật sư cho biết, cảm nghĩ của mình về vụ việc cháu bé ở Nghệ An, đặc biệt là trong bối cảnh dư luận hiện nay?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Tại thời điểm khi bắt đầu có thông tin về việc cháu bé 6 tuổi N.B.T bị xâm hại được lan truyền trên mạng xã hội, dư luận, trong đó có tôi, đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vụ việc này.

Qua lời kể của bố cháu bé, mọi người cảm thấy vô cùng xót xa, thương cảm cháu bé cũng như phẫn nộ trước hành vi của những người mà bố cháu bé tố cáo. Tôi thấy có nhiều người ngỏ ý giúp đỡ cháu bé cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng thời yêu cầu các cơ quan pháp luật nhanh chóng điều tra xác minh và trừng trị người phạm tội.

Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh.

Thông tin trên được lan truyền trong bối cảnh có nhiều vụ án xâm hại trẻ em xảy ra gần đây, cộng với cách kể lại câu chuyện khá chi tiết, tỉ mỉ của bố cháu bé  đã khiến nhiều người bỏ qua những chi tiết bất thường trong câu chuyện và gần như ngay lập tức tin rằng nội dung tố cáo là đúng sự thật. Thậm chí, cả một số cơ quan báo chí cũng tin vào điều đó. Chính điều này đã góp phần tạo ra những áp lực cho các cơ quan pháp luật của tỉnh Nghệ An.

PV: Nếu nội dung đơn tố cáo là sai sự thật và cha cháu bé, tức anh Nguyễn Thanh Trung (SN 1993, trú tại phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) cố tình “thêu dệt” ra câu chuyện đau lòng này thì tính chất, mức độ của việc làm đó như thế nào, hậu quả về mặt pháp lý ra sao?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Sau khi vào cuộc để điều tra xác minh nội dung tố cáo của Nguyễn Thanh Trung, bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình, Cơ quan công an Nghệ An đã chứng minh việc Trung tố cáo là sai sự thật và cho đến nay, bản thân Trung đã thừa nhận điều này. Nghĩa là không có sự việc xâm hại cháu N.B.T.

Hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền là hành vi vu khống. Đối chiếu với quy định của pháp luật, Nguyễn Thanh Trung đã có dấu hiệu phạm tội này. Hành vi của Trung có thể sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 156 - Bộ luật hình sự. Điều luật quy định như sau:

Theo đó, Điều 156. Tội vu khống xác định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Và phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:”Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”

PV: Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, ngoài cha đẻ cháu bé, một số người cũng đã giúp sức cho anh Trung trong việc loan truyền những thông tin sai sự thật gây tổn hại đến trẻ em và gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Theo luật sư, những người này có bị xem xét trách nhiệm gì không?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Những người giúp sức Nguyễn Thanh Trung để bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi vu khống với vai trò đồng phạm.

Tuy nhiên nếu quá trình điều tra xác định hành vi của họ chưa đến mức phải xử lý hình sự, họ vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo điểm g, khoản 3, Điều 66 - Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013.

Cụ thể là “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:... Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”

PV: Luật sư có lời khuyên hay khuyến cáo gì đối với mọi người trước những thông tin hay vụ việc, vụ án lan truyền trên mạng xã hội khi chưa được cơ quan chức năng xác nhận hoặc phát ngôn chính thức?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Như đã trả lời ở trên, việc tố cáo vào thời điểm ban đầu đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận. Số lượng người chia sẻ thông tin tố cáo (mà sau này chính là nội dung vu khống) đặt biệt lớn. Trong số đó có những người có mong muốn sớm tìm lại công bằng cho cháu bé, và cũng có nhiều người chỉ có mục đích câu like, câu view. Sự lan truyền nhanh chóng thông tin cháu bé bị xâm hại đã tạo nên sự hoang mang, lo lắng cho người dân.

Qua vụ việc này nói riêng và nhiều vụ việc khác nói chung, có thể thấy rằng tình trạng đưa tin thất thiệt, chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng lên facebook, lên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Nhiều khi người đưa thông tin hoặc chia sẻ thông tin ban đầu không hình dung được những hậu quả xã hội, hậu quả pháp lý nặng nề mà họ phải gánh chịu nên cứ làm bừa chỉ với mục đích phù phiếm là câu like, câu view.

Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng truy tìm, xử lý thì lúc đó họ mới hối hận, nhưng đã quá muộn. Vì vậy, người sử dụng cần hết sức thận trọng khi đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ đã tự đặt mình vào tình trạng pháp lý xấu, có nguy cơ bị áp dụng các chế tài xử lý bất cứ lúc nào.

Cảm ơn luật sư!