Những kẻ lừa đảo “chạy dự án” hầu tòa

(ANTĐ) - Lợi dụng chương trình viện trợ không hoàn lại (ODA) của Chính phủ Nhật Bản đối với các dự án quy mô nhỏ về giáo dục, y tế, giao thông nông thôn tại Việt Nam, Lê Quang Bách cùng Nguyễn Thị Hồng đã đến các địa phương lừa “chạy dự án” chiếm đoạt tiền.

Những kẻ lừa đảo “chạy dự án” hầu tòa

(ANTĐ) - Lợi dụng chương trình viện trợ không hoàn lại (ODA) của Chính phủ Nhật Bản đối với các dự án quy mô nhỏ về giáo dục, y tế, giao thông nông thôn tại Việt Nam, Lê Quang Bách cùng Nguyễn Thị Hồng đã đến các địa phương lừa “chạy dự án” chiếm đoạt tiền.

Bị cáo Bách tại phiên tòa
Bị cáo Bách tại phiên tòa

Mặc dù không có chức năng cũng như không được Đại sứ quán Nhật Bản ủy quyền nhưng Lê Quang Bách (SN 1959, trú tại xóm 4, xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) và Nguyễn Thị Hồng (SN 1958, trú tại số nhà 36, ngách 25/43 phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đã tự lập ra các giấy tờ giả mạo đến các địa phương của 11 tỉnh, thành như: Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang... hướng dẫn làm hồ sơ xin tài trợ vốn dự án ODA để lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Bách và Hồng liên tục “tổ chức” đoàn thẩm định do Bách làm “trưởng đoàn” đến các địa phương. Khi làm việc, Bách trực tiếp tiến hành trao đổi, phỏng vấn các địa phương về nhu cầu xin cấp vốn, lập biên bản thẩm định. Bách tự đặt ra mức thu phí như: phí lưu chuyển hồ sơ, dịch thuật, phí bảo lãnh từ 11 đến 13 triệu đồng/dự án đối với các đơn vị có nhu cầu xin dự án. Để tạo niềm tin Bách đã đưa các văn bản giả mạo danh nghĩa Đại sứ quán Nhật Bản như thông báo đồng ý tiếp nhận tài trợ, quyết định chỉ định thầu, thư báo...

Tại phiên tòa, Bách và Hồng khai nhận: Do quen Phạm Văn Vui - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Việt Anh tại Hà Nội, Bách đã sử dụng văn phòng của công ty này làm nơi tiếp các địa phương đến xin dự án. Bách và Hồng đã thực hiện hành vi lừa đảo đối với nhiều bị hại, điển hình như ông Đỗ Đình Đạm - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Nam Định (trú tại 17/491, phường Trần Nhân Tông, TP Nam Định).

Bách cam kết sẽ xin vốn ODA cho công trình xây dựng trường Tiểu học xã Hải Phong, (huyện Hải Hậu) và trường THCS Giao Xuân (huyện Giao Thủy). Ông Đạm đã tự ứng cho Bách hơn 134 triệu đồng để xin chỉ định thầu. Ngoài ra, tại UBND xã Giao Xuân, khi tiến hành thẩm định Bách còn thu của ông Nguyễn Văn Khuyến - Chủ tịch UBND 13 triệu đồng.

Tương tự, tại Hà Tĩnh thông qua bà Nguyễn Thị Tợi, ông Nguyễn Hữu Khuyên là Giám đốc Công ty TNHH Quảng Đại (đều trú tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) đã nhờ Bách xin dự án cho 2 xã Thanh Lộc và Hộ Độ (thuộc huyện Lộc Hà). Theo yêu cầu của Bách, ông Khuyên đã phải nộp 72 triệu đồng tiền tạm ứng cho 2 xã trên.

Với thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi và bài bản, Bách và Hồng đã lừa được nhiều bị hại. Tuy nhiên, hành vi trên của Bách và Hồng đã bị phát giác và cơ quan công tố cáo buộc vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra, gia đình Bách đã tự nộp lại 360 triệu đồng và Hồng nộp 20 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả cho các bị hại. Đối với các đối tượng khác liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra xét thấy không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự nên không đề cập xử lý.

Trong hai ngày 6 và 7-7-2009, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử hai bị cáo Bách và Hồng về tội danh trên. Chiều 7-7, HĐXX nghỉ nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào 14h chiều nay 8-7.

 Thanh Quang