Những cuộc điện thoại "ma" hét ra tiền tỷ

ANTD.VN - Thủ đoạn giả danh công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát của các đối tượng lừa đảo để gọi điện thoại dọa dẫm, yêu cầu người dân chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng nào đó, dù là không mới song trong thời gian qua vẫn có khá nhiều nạn nhân “dính bẫy”...

Giả danh công an gọi điện thoại lừa tiền

Khoảng 9h ngày 29-7, chuông điện thoại nhà bà Nguyễn Thị Hoa, ở phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bỗng nhiên réo vang. Cầm điện thoại lên nghe, ở đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ tự giới thiệu với bà Hoa mình là Công an. Người phụ nữ mạo danh này nói đang điều tra một vụ án rút tiền tại ngân hàng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, có liên quan đến một người đàn ông tên Dũng với số tiền 3 tỷ đồng. Qua điều tra, vụ án lại liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy. Đối tượng dọa bà Hoa có liên quan đến vụ án và yêu cầu người phụ nữ này phải chuyển vào tài khoản của đối tượng một số tiền để phục vụ cho quá trình điều tra vụ án.

Đang hoảng hốt chẳng biết thực hư ra sao, bà Hoa tiếp tục bị đối tượng dọa nếu không chuyển tiền vào tài khoản thì khi vụ án có vấn đề gì, bà Hoa phải chịu trách nhiệm. Số tiền bà Hoa chuyển vào tài khoản đó nếu sau khi “cơ quan công an” kiểm tra không vấn đề gì, sẽ chuyển trả lại bà Hoa. Để tăng cấp độ cho màn kịch dọa dẫm, “nữ công an” này nói có cấp trên của cô ta đang ngồi cạnh và chuyển điện thoại để bà Hoa nói chuyện.

Hai đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc liên kết với nhau giả danh Công an, cán bộ tòa án gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị lực lượng công an bắt giữ

Đối tượng nam giới tự nhận là cấp trên của “nữ công an” và tiếp tục màn dọa dẫm bà Hoa. Bị các đối tượng dọa dẫm nào là tiền liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền, tòa án, toàn những loại tội ghê gớm, bà Hoa đầu óc mụ mẫm đi ra ngân hàng chuyển hai lần với số tiền hơn 2 trăm triệu đồng cho các đối tượng. Khi chuyển tiền xong, bà Hoa thông báo cho các đối tượng biết. Các đối tượng này nói bà Hoa phải giữ bí mật, không được nói cho bất cứ ai, kể cả công an, con cháu sự việc. Đến khoảng 20h cùng ngày, bà Hoa nghĩ lại toàn bộ sự việc, nghi ngờ bị lừa mới đến CAP Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trình báo thì đã muộn. Toàn bộ số tiền bà Hoa chuyển cho các đối tượng, đã bị chúng rút sạch khỏi tài khoản và cao chạy xa bay.

Trước đó, ngày 1-4, bà Hoàng Thị Vui nhận được điện thoại của một người lạ gọi đến tự giới thiệu là Hằng, làm việc ở Công an tỉnh Đà Nẵng. Đối tượng dọa bà Vui có liên quan đến một vụ mua bán trái phép chất ma túy mà cơ quan công an đang điều tra và yêu cầu bà Vui phải chuyển tiền vào tài khoản do Hằng cung cấp, để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Khi “cơ quan công an” chứng minh xong sẽ chuyển trả lại cho bà Vui số tiền đó.

Chẳng biết các đối tượng dọa dẫm thêm như thế nào song bà Vui hoảng sợ chạy thẳng ra ngân hàng chuyển vào 2 số tài khoản đối tượng cung cấp số tiền 1,9 tỷ đồng. Sau khi tiền chuyển tiền xong, bà Vui thấy có sự vô lý của câu chuyện trên và giật mình khi biết mình đã bị lừa. Toàn bộ số tiền gần 2 tỷ đồng của bà Vui chuyển đi, đã bị đối tượng rút sạch không còn một đồng.

Cảnh giác với những lời dọa dẫm

Qua tìm hiểu của PV, thủ đoạn giả danh công an, cơ quan tòa án... gọi điện thoại đến dọa dẫm người dân của các đối tượng diễn ra khắp nơi. Bên cạnh nhiều người bị lừa đảo, mất số tiền rất lớn thì vẫn có những người dân do nắm bắt được thủ đoạn của các đối tượng, nên đã không bị mắc bẫy. Mới đây nhất, vào đầu tháng 8-2019, ông Phạm Tân, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khi đang ở nhà cũng bị một đối tượng gọi điện thoại vào máy điện thoại bàn và tự nhận là Công an TP HCM.

Đối tượng bịa ra câu chuyện ông Tân đang liên quan đến một vụ án ma túy, rửa tiền, tội phạm quốc tế tày đình và muốn chứng minh bản thân trong sạch, ông Tân phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để kiểm tra. Nhằm tăng kịch tích, mức độ cho câu chuyện dọa dẫm này, các đối tượng liên tục chuyển máy cho nhau, kẻ tự nhận là cán bộ tòa án, người nhận là công an, thậm chí cấp trên của những người này và tung hứng màn kịch dọa dẫm. Tuy nhiên, do nắm được các thủ đoạn của đối tượng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, ông Tân đã “đánh võng” lại câu chuyện với các đối tượng để kéo dài thời gian, rồi trình báo cơ quan Công an. Sau một hồi lâu không dọa nổi ông Tân, các đối tượng đã vội vã dập máy điện thoại, khi biết gặp phải “đối thủ” quá nhiều kinh nghiệm.

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Hoàn Kiếm cho biết: Những trường hợp như bà Hoa hay bà Vui trong vụ án trên khá nhiều, còn những người có kiến thức, thông tin, cảnh giác như ông Tân lại rất ít. Trong những năm qua, đơn vị tiếp nhận khá nhiều đơn trình báo của công dân bị các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an, cán bộ tòa án, kiểm sát... lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Thủ đoạn của chúng thường tự xưng là cán bộ của các cơ quan tư pháp, hành pháp, công an, dọa người dân có liên quan đến những vụ án buôn lậu ma túy, rửa tiền, giết người...

Công an Hà Nội kịp thời phong tỏa tài khoản, bắt giữ các đối tượng trong ổ nhóm giả danh công an, cán bộ tòa án gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân

Khi người dân còn đang hoang mang không biết thực hư câu chuyện thì chúng có thể chuyển máy cho đối tượng ngồi bên cạnh giả danh là cán bộ tòa án, người có chức vụ cao hơn để tạo niềm tin cho bị hại. Dù câu chuyện chúng có bịa đặt như thế nào, thì cuối cùng vẫn chốt lại là yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng do chúng định sẵn. Chỉ cần người dân mất cảnh giác chuyển tiền vào, các đối tượng sẽ rút ngay và cơ hội để người bị hại tìm lại được tài sản rất mong manh.

Qua tìm hiểu của PV, với những vụ án các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an, cán bộ tòa án... dọa người dân chuyển tiền, khi người dân thực hiện yêu cầu của chúng thì việc lấy lại tài sản cho bị hại vô cùng khó khăn. Trên thực tế, CAQ Cầu Giấy hay CAQ Hoàn Kiếm đã từng bắt giữ, phong tỏa được tài sản, đối tượng gây án, nhưng đó là khi người dân kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng. Nhiều đối tượng khi yêu cầu người dân chuyển tiền, chúng đã ngồi sẵn ở ngân hàng và chỉ cần tài khoản chúng nổi tiền thì sẽ rút ra ngay và cao chạy xa bay.

“Mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, không nghe và tin vào những câu chuyện các đối tượng bịa đặt nhằm rung dọa, yêu cầu người dân phải chuyển tiền. Thời điểm các đối tượng gọi điện thường là trong khung giờ hành chính, khi những người dân hầu hết là các ông, bà cao tuổi ở nhà một mình, con cháu đi làm, mất cảnh giác. Hiện nay, nhiều người dân có con, em đang đi du học ở nước ngoài cũng bị các đối tượng bịa chuyện con em họ đang liên quan đến những vụ án ma túy... để tăng sức ép buộc người dân phải chuyển tiền vào tài khoản.

Các đối tượng ở Việt Nam còn liên kết với người Trung Quốc và những người nước ngoài khác để lừa đảo. Đối với những nạn nhân là người trẻ tuổi hơn, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn cướp mất quyền làm chủ tài khoản, mạng xã hội để lừa đảo những người thân, bạn bè của chủ tài khoản. Do vậy, điều quan trọng là tuyệt đối không chuyển tiền dù dưới bất cứ hình thức nào” - Trung tá Tống Đăng Công khuyến cáo.