Những con “sâu” trong ngành ngân hàng

(ANTĐ) - Chỉ chiếm số lượng 6 trong số 63 vụ án kinh tế “nổi” trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2008 đến nay, nhưng thiệt hại về kinh tế mà các đối tượng gây ra đối với các ngân hàng lên đến nhiều tỷ đồng.

Những con “sâu” trong ngành ngân hàng

(ANTĐ) - Chỉ chiếm số lượng 6 trong số 63 vụ án kinh tế “nổi” trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2008 đến nay, nhưng thiệt hại về kinh tế mà các đối tượng gây ra đối với các ngân hàng lên đến nhiều tỷ đồng.

Đối tượng và tang vật vụ án liên quanđến các ngân hàng

Đối tượng và tang vật vụ án liên quanđến các ngân hàng

Đầu tiên là vụ Nguyễn Hoàng Tuân (SN 1977), nhà ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Bách Khoa. Vì mê cờ bạc, Tuân đã tìm cách rút hơn 4 tỷ đồng của ngân hàng bằng cách “trộm” mật khẩu máy tính của một đồng nghiệp.

Sau đó, Tuân đã làm lệnh chuyển tiền từ tài khoản của một khách hàng gửi tiền sang tài khoản của anh ta. Ngoài việc lấy trộm mật khẩu, Tuân còn giả mạo chữ ký của đồng nghiệp để thực hiện ý đồ của mình. Số tiền lấy được, Tuân “đốt” vào lô - đề và trả nợ.

Một cán bộ ngân hàng khác dính vòng lao lý là Hoàng Văn Luận (SN 1977), nhà ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa. Trước khi bị bắt về hành vi tham ô tài sản, Hoàng Văn Luận là tổ trưởng tổ Kế toán - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Sài Đồng. Thậm chí, Luận còn nằm trong diện cơ cấu để đề bạt kế toán trưởng. Lời khai của Luận tại CQĐT cho thấy, mục đích tham ô tiền của anh ta để sử dụng vào việc đánh bạc.

Từ cuối năm 2006 đến khi bị bắt, Luận đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để rút khoảng 7 tỷ đồng mang đi cá độ bóng đá. Trung bình mỗi trận, Luận “độ” từ 300 điểm đến 800 điểm, mỗi điểm tương đương với 1 triệu đồng. Đa số các lần cá cược Luận đều thua, trong đó trận thua nhiều nhất lên đến 800 triệu đồng.

Ngoài hành vi tham ô, tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm số lượng đối tượng bị khởi tố bị can nhiều nhất trong những vụ án ngân hàng “nổi” từ năm 2008 đến nay. Và đây cũng là nhóm đối tượng gây ra sự thất thoát lớn nhất. Đơn cử như vụ nhóm cán bộ của Ngân hàng Đông Đô và Ngân hàng Ngoại thương - chi nhánh Thành Công, cấu kết với đối tượng bên ngoài, làm giả sổ tiết kiệm để chiếm đoạt số tiền nhiều tỷ đồng.

Vụ Lê Hoài Phương (SN 1980), làm việc tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; đã giả mạo chữ ký của khách hàng gửi tiền để rút tiền trái phép trong một thời gian dài… Một vụ án thời sự và gây “sốc” đối với nhiều người xảy ra mới đây là vụ Lê Quang Hưng, 32 tuổi, nguyên cán bộ Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt.

Lợi dụng vị trí của mình, Hưng đã chào bán lượng cổ phần lớn được 11 tỷ đồng và 250.000 USD. Khi biết tin ngân hàng trên chưa được phép thành lập, những người giao tiền cho Hưng đã đến tìm, thì chỉ nhận được thái độ lảng tránh. Quá trình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Quang Hưng, bị can này thừa nhận không có khả năng khắc phục số tiền trên.

“Năm 2009, tội phạm kinh tế và các vi phạm về kinh tế tiếp tục tăng; tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn phổ biến”, đó là nhận định, dự báo tình hình của lực lượng CSKT CATP Hà Nội. Hoàn thiện hệ thống pháp quy, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý, đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng yếu tố “con người”… đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra với các ngân hàng, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra.

Hà Minh