Nhóm người hám lợi tiếp tay cho tên tội phạm "ngoại" chuyên đe dọa tống tiền

ANTD.VN - Biết rõ đối tượng người Trung Quốc cần tài khoản ở Việt Nam để đe dọa, lừa gạt những người nhẹ dạ, nhưng Quân và đồng phạm vẫn tích cực giúp sức…

Từ kết quả điều tra, TAND TP Hà Nội vừa tiến hành phiên xét xử sơ thẩm đối với Ma Thiếu Quân (SN 1973, trú ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174-BLHS năm 2015.

Liên quan đến vụ án, Vương Quang Đằng (SN 1990), Hoàng Thị Luyến (SN 1979), Tô Văn Báo (SN 1993) và Lộc Thị Loan (SN 1986), đều trú ở huyện Văn Lãng, Lạng Săn cùng bị đưa ra xem xét về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa, nội dung vụ án được làm rõ, cuối tháng 6-2016, Ma Thiếu Quân và các bị cáo nêu trên được một đối tượng người Trung Quốc tên Hoàng Chấn Lâm (chưa rõ lai lịch) rủ tham gia kiếm tiền bằng cách dùng chứng minh thư nhân dân mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền.

Ma Thiếu Quân (giữa) cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Theo thỏa thuận của đối tượng người Trung Quốc, cứ khi nào tài khoản thông báo có tiền thì Quân và đồng bọn lập tức rút ra và chuyển lại cho người của Lâm. Mỗi ngày, mỗi người trong nhóm Quân sẽ được trả công 600.000 đồng. Kẻ giấu mặt người Trung Quốc nói với Quân rằng càng rủ được nhiều người tham gia càng tốt.

Thống nhất kế hoạch tiếp tay cho nhóm tội phạm người nước ngoài, Quân nhanh chóng rủ Tô Văn Báo, Vương Quang Đăng, Hoàng Thị Luyến và Lộc Thị Loan Loan tham gia. Các bị cáo sau đó đã dùng chứng minh nhân dân của bản thân để mở hàng loạt tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

Có được những tài khoản để nhận tiền, Lâm lập tức kết nối và chỉ đạo nhóm tội phạm ở nhánh khác chuyên gọi điện giả danh cơ quan công an hoặc viện kiểm sát để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người. 

Đơn cử là một ngày đầu tháng 6-2016, bà Nguyễn Thị H (ở Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên Tổng đài điện thoại của VNPT. Qua nói chuyện nhân viên tổng đài điện thoại tự xưng thông báo cho bà H biết gia đình bà đang nợ cước điện thoại với số tiền rất lớn.

Khi bà H trả lời là không hề nợ cước điện thoại thì nhân viên tổng đài điện thoại tự xưng kia liền nối máy cho bà nói chuyện với một người khác tự xưng là Trung úy công an và Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Ninh.

Những người nói chuyện tiếp theo cho người phụ nữ này biết là bà H đang liên quan đến một vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Nhận thấy bị hại lo lắng, nhóm người giấu mặt liền “lệnh” cho bà H phải chuyển ngay toàn bộ số tiền tiết kiệm của bà sang tài khoản của lãnh đạo Công an tên là Tô Văn Báo.

Tưởng thật và muốn hợp tác với cơ quan chức năng, bà H tức tốc ra ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 839 triệu đồng vào số tài khoản được chỉ dẫn… Cùng thời điểm thấy tài khoản thông báo có tiền, Báo đến ngân hàng rút ra và đổi sang tiền Nhân dân tệ, rồi đưa lại cho người của Lâm. 

Tương tự, một trường hợp khác là bà Vương Kiều V (ở TP HCM) cũng nhận được cuộc điện thoại lạ vào một ngày trung tuần tháng 6-2016. Khi các đối tượng tự xưng là công an TP Hà Nội, bà V cũng thật thà khai là đang có 10 quyển sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng với số tổng tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

“Thôi miên” bị hại này, những tên tội phạm giấu mặt liền yêu cầu bà V phải hợp tác để làm rõ một đường dây tội phạm bằng cách chuyển toàn bộ số tiền 2,4 tỷ đồng tài khoản của Công an TP Hà Nội để kiểm tra. Để bà V yên tâm, bọn chúng cho biết, nếu không liên quan thì trong 24h sẽ được trả lại tiền. Còn nếu không chuyển, thì lập tức bị bắt giữ khẩn cấp để điều tra.

Bán tín bán nghi nhưng vì bị đe dọa nên bà V đã nhanh chóng chuyển hơn 1,6 tỷ đồng vào tài khoản theo chỉ dẫn của kẻ giả danh điều tra viên. Sau khi chuyển khoản tiền trên, bà V tiếp tục nhận được cuộc điện thoại của người xưng là Vương Quang Đằng (cán bộ Công an TP Hà Nội) yêu cầu bà rút tiền và chuyển 650 triệu đồng nữa vào tài khoản của đối tượng. 

Quá trình điều tra triệt phá vụ án có yếu tố nước ngoài này, cơ quan công an làm rõ chỉ trong tháng 6 và 7 - 2016, đối tượng người Trung Quốc và đồng bọn đã gây ra 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng bằng thủ đoạn nêu trên. Trong đó, Quân được hưởng lợi 24 triệu đồng, Đằng 10,2 triệu đồng, Báo 14,4 triệu đồng, Luyến 1,8 triệu đồng và Loan 4,8 triệu đồng. 

Đối với Hoàng Chấn Lâm cùng các đối  tượng liên quan, do chưa xác minh được lai lịch, nhân thân nên các cơ quan tố tụng quyết định tách rút tài liệu để tiếp tục điều tra và xử lý sau. 

Sau hơn nửa ngày xét xử, xét thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì đã tiếp tay cho các đối tượng người nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà đi đến quyết định tuyên phạt Ma Thiếu Quân 12 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.

Các bị cáo còn lại là Vương Quang Đằng, Hoàng Thị Luyến, Tô Văn Báo và Lộc Thị Loan lần lượt bị tuyên phạt từ 6 năm tù đến 8 năm tù, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.