Nhập máy y tế cũ, đổ tại đối tác gửi… nhầm

ANTĐ - Buôn lậu bị phát giác, Hồng Anh lập tức cầu cứu đối tác gửi thư điện tử cáo lỗi với nội dung gửi nhầm hàng. Tuy nhiên, hành động “chữa cháy” ấy không được các cơ quan bảo vệ pháp luật chấp nhận.

Nhập máy y tế cũ, đổ tại đối tác gửi… nhầm  ảnh 1

Bị cáo Phạm Hồng Anh tại phiên tòa

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, Phạm Hồng Anh (SN 1973, trú ở phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội “Buôn lậu”, theo khoản 2, Điều 153-BLHS. Thời điểm bị bắt, Phạm Hồng Anh là Giám đốc Công ty Thương mại và kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A, trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội (gọi tắt là Công ty A.N.N.A).

Quá trình xét xử làm rõ, công ty của Phạm Hồng Anh được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế từ năm 2007 đến năm 2013. Cuối năm 2013, với tư cách Giám đốc Công ty A.N.N.A, Hồng Anh ký hợp đồng ủy thác với một doanh nghiệp để nhập khẩu 1 máy phân tích sinh hóa hiệu Hitachi 917, thiết bị chuyên dụng trong khám chữa bệnh. Theo thỏa thuận, Công ty A.N.N.A có trách nhiệm nhập khẩu máy sinh hóa mới 100% và phải “nguyên đai, nguyên kiện”.

Ký được hợp đồng với đối tác, Hồng Anh nhanh chóng liên hệ và đặt mua 1 máy sinh hóa với nhãn hiệu nêu trên từ Công ty Fameco của nước Pháp. Trong quá trình thương thảo và đặt mua thiết bị y tế từ doanh nghiệp nước ngoài, Giám đốc Công ty A.N.N.A  biết rõ hãng Hitachi đã ngừng sản xuất máy phân tích sinh hóa từ năm 2009 và chiếc máy Hitachi 917 là hàng đã qua sử dụng. Tuy nhiên khi xin phép cơ quan chức năng, công ty của Hồng Anh vẫn cam kết sẽ nhập khẩu máy sinh hóa mới 100% và được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2013.

Nhận được thông báo hàng đã về đến sân bay Nội Bài, ngày 12-12-2013, Hồng Anh nhờ nhân viên của một doanh nghiệp mở tờ khai điện tử nhập khẩu máy phân tích sinh hóa. Hồ sơ hải quan nhập khẩu hoàn tất, ngày 18-12-2013, khi chiếc máy được đưa đến khu vực kiểm hóa tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện. Qua kiểm hóa thực tế và đối chiếu với tờ khai hải quan, cơ quan chống buôn lậu nhận thấy các thông số trên chiếc máy mà Công ty A.N.N.A nhập khẩu không trùng khớp với các thông tin trong hồ sơ thông quan. 

Tại giai đoạn điều tra, cơ quan công an đã trưng cầu giám định đối với chiếc máy sinh hóa Hitachi 917 bị thu giữ. Kết quả cho thấy, chiếc máy này đã qua sử dụng, hiện chỉ còn lại 80% giá trị. Về giá trị tài sản buôn lậu, hội đồng định giá xác định là gần 400 triệu đồng. Sau khi hàng bị tạm giữ và nhận thấy nguy cơ phải đối mặt với tội “Buôn lậu”, Hồng Anh tức tốc nhờ Công ty Fameco “giải cứu” bằng một thư điện tử. Theo đó, ngày 19-12-2013, cơ quan chức năng nhận được thông báo từ doanh nghiệp ở Pháp với nội dung: Công ty Fameco đã gửi nhầm hàng là chiếc máy sinh hóa Hitachi 917 cho Công ty thiết bị Y tế của Phạm Hồng Anh. 

 Tương tự ở giai đoạn điều tra, tại phiên tòa, bị cáo Hồng Anh tiếp tục trình bày là Công ty Fameco đã có sự nhầm lẫn trong việc mua bán và chuyển trả hàng hóa và thực tế bị cáo không buôn lậu. Thế nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, đặc biệt là các quy định về nhập khẩu hàng hóa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định, những lời nại ra của bị cáo là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, ngày 7-6-2007 của Chính phủ thì: “Việc gửi nhầm hàng phải được thông báo bằng văn bản với cơ quan hải quan vào trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa”. Trên cơ sở đó, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Hồng Anh 24 tháng tù giam, theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử.