Nhân viên y tế có phải giữ bí mật thông tin người nhiễm dịch bệnh nCoV?

ANTD.VN -Liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra nhiều người dân tỏ ra lo lắng về dịch bệnh này, đồng thời đặt câu hỏi: Nhân viên y tế có phải giữ bí mật thông tin người bệnh, tại khu vực cửa khẩu những đối tượng nào sẽ bị kiểm dịch y tế?

Quy định về giữ bí mật thông tin người bệnh

Theo điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Trong đó, các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm bệnh bại liệt, bệnh cúm A-H5N1, bệnh dịch hạch, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút... và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, Điều 8 Luật này quy định, nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Bệnh nhân nhiễm dịch bệnh đang được điều trị rất tích cực

Ngoài ra, việc cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… cũng bị nghiêm cấm.

Đặc biệt, Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm  còn nêu rõ, thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh truyền nhiễm theo quy định, tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh; giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Người bệnh có các trách nhiệm khai báo trung thực diễn biến bệnh, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Ai bị kiểm dịch y tế ở cửa khẩu?

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định, khi có bệnh truyền nhiễm (bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm), cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Điều 35, tại các cửa khẩu phải thực hiện kiểm dịch y tế biên giới với bốn nhóm đối tượng: Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam; Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam.

Việc kiểm tra y tế bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan y tế và kiểm tra thực tế, trong đó kiểm tra thực tế được tiến hành khi đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Khi kiểm tra y tế và phát hiện trường hợp có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ quan chức năng cần xử lý y tế.

Nếu nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải, hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hoá có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh. Người không thực hiện yêu cầu sẽ bị cưỡng chế để cách ly.