Nhận diện "bẫy" lừa qua điện thoại và những khuyến cáo "sống còn" của cơ quan Công an

ANTD.VN - Có những nạn nhân đã mất vài tỷ đồng vì “bẫy” lừa đảo qua điện thoại của tội phạm. Không ít người vì cả tin xen lẫn sợ hãi trước “chiêu trò” của chúng, để rồi toàn bộ số tiền dành dụm được bỗng dưng biến mất…

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Loại tội phạm này rất tinh vi, chúng hoạt động có đường dây và thường “tấn công” nạn nhân dồn dập, khiến nạn nhân không kịp xoay trở.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, đại diện phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – CATP Hà Nội cho biết, nhóm tội phạm này thường giả danh là nhân viên bưu điện, gọi điện đến số máy cố định của các gia đình, thông báo về việc nợ cước bưu điện, hoặc nợ thẻ tín dụng của ngân hàng. Khi khách hàng phản hồi không biết, hoặc không liên quan, chúng sẽ vờ nối máy cho một đối tượng khác, giả danh là cán bộ điều tra.

Tội phạm "tấn công" liên tiếp qua điện thoại để nạn nhân không đủ bình tĩnh, sáng suốt suy xét vấn đề và dễ dàng trở thành "con mồi" của chúng

Chúng sẽ dẫn dắt các nạn nhân vào một vụ án liên quan đến việc rửa tiền, hoặc đường dây mua bán ma túy, khiến nạn nhân hoang mang, lo sợ, từ đó không còn đủ tỉnh táo để suy xét vấn đề. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn làm giả “Quyết định khởi tố”, hoặc Lệnh bắt giữ, để nạn nhân sợ hãi kêu oan. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu những người này chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để kiểm tra, nhưng thực chất là để rút sạch tiền của nạn nhân.

Mới đây, nhiều người đã bị mắc lừa bởi một ứng dụng giả danh mang tên “Bộ Công an”. Ứng dụng này được tội phạm yêu cầu các nạn nhân cài đặt vào máy, thực chất là để đọc được các tin nhắn đến thông qua một thiết bị công nghệ khác. Từ đó, chúng “đánh cắp” mã OTP và thực hiện các lệnh chuyển tiền.

Người dân tuyệt đối không được chuyển tiền vào bất cứ tài khoản nào theo yêu cầu của đối tượng

Để khuyến cáo người dân trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm, cơ quan chức năng đưa ra một vài cảnh báo cũng như cách nhận diện tội phạm giả danh công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thứ nhất, cơ quan Công an không bao giờ tổ chức ghi lời khai qua điện thoại. Việc ghi lời khai phải tiến hành trực tiếp giữa cán bộ điều tra và những người liên quan, được lập biên bản theo quy định của Bộ Luật TTHS.

Thứ hai, cơ quan Công an, Tòa án không bao giờ gửi các lệnh bắt, lệnh tạm giam hay các văn bản hoạt động tố tụng qua điện thoại, tin nhắn hay các ứng dụng/phần mềm giả mạo. Các trường hợp bắt người đều phải tiến hành tại nơi ở/ nơi làm việc của đối tượng và có chính quyền địa phương chứng kiến.

Thứ ba, cơ quan Công an Không bao giờ  yêu cầu những người liên quan chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân vì bất kỳ mục đích gì. Các hoạt động tạm giữ, thu giữ tiền, đồ vật, tài sản phải được làm việc trực tiếp và lập thành biên bản theo trình tự Bộ luật TTHS.

Thứ tư, cơ quan Công an không có bất kỳ ứng dụng/ phần mềm điện thoại nào lấy danh nghĩa phục vụ hoạt động điều tra.

Do vậy, khi trao đổi qua điện thoại, thấy có các dấu hiệu trên, người dân cần ngay lập tức báo cho cơ quan công an để kịp thời nắm được vụ việc, tổ chức điều tra, xác minh.

Ứng dụng giả danh "Bộ Công an" mà các đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt mục đích để chúng dễ dàng đọc được mã OTP để thực hiện các thao tác chuyển tiền. Do vậy, người dân cần cảnh giác, không làm theo yêu cầu cài đặt bất cứ ứng dụng nào qua các đường link chúng gửi tới và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất

Cơ quan công an cũng đưa ra cách xử lý tình huống khi gặp phải:

Một là, khi đối tượng thông báo nợ cước điện thoại hoặc nợ thẻ tín dụng/ Đối tượng nói tài khoản Ngân hàng có liên quan đến đường dây rửa tiền, ma túy... Đề nghị gửi thông báo cước/ giấy mời về địa chỉ nhà riêng, và không nghe máy tiếp, lập tức hỏi ý kiến người thân trong gia đình hoặc những người hiểu về luật pháp. Lưu ý không cung cấp bất kỳ thông tin gì, nếu là nhân viên bưu điện/ ngân hàng thật sẽ có thông tin.

Hai là, đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để xác minh, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại. Trong trường hợp này, đề nghị tuyệt đối không được chuyển tiền. Nếu là Công an và để phục vụ quá trình điều tra sẽ phối hợp với ngân hàng để phong tỏa tài khoản.

Ba là, đối tượng yêu cầu không được nói chuyện với người thân để giữ bí mật điều tra; hay để không ảnh hưởng uy tín, danh dự… Thực chất điều này nhằm uy hiếp tinh thần người bị hại, không để người bị hại hỏi những người tỉnh táo có kinh nghiệm. Do vậy, trong tình huống này cần tắt điện thoại và hỏi ý kiến người thân gần nhất.

Bốn là, khi ra ngân hàng chuyển tiền, các đối tượng thường yêu cầu bị hại mở điện thoại liên tục. Mục đích để theo dõi bị hại và không để bị hại có thời gian nói chuyện người thân. Đề nghị người dân trong trường hợp này cần dừng cuộc trò chuyện và hỏi ý kiến người thân.

Năm là, khi ra ngân hàng chuyển tiền, các đối tượng gọi điện thường yêu cầu bị hại không nói nội dung sự việc đang trao đổi với nhân viên ngân hàng và hướng dẫn bị hại lấy lý do khác để chuyển tiền. Trong trường hợp này, khi nhân viên ngân hàng nghi ngờ cần nói đúng sự thật để được lời khuyên đúng đắn.

Sáu là, đối tượng cung cấp thông tin cá nhân: số tài khoản ngân hàng, số CMND, địa chỉ… Đề nghị người dân tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào.

Bảy là, không cài đặt bất cứ một ứng dụng nào thông qua các đường link mà các đối tượng gửi tới.

Đây là những tình huống và cách xử lý, giúp người dân thoát khỏi “bẫy” lừa đảo của tội phạm qua điện thoại. Hy vọng mỗi người dân cần tỉnh tảo trước thủ đoạn tinh vi của tội phạm, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.