Nguyên TGĐ Vinashinlines nhận tội, Giang Kim Đạt nói bị oan

ANTD.VN - Khác với phiên tòa trước, tại phần thẩm vấn ở phiên phúc thẩm, cựu TGĐ Vinashinlines tỏ ra thành khẩn, trong khi bị cáo từng là thuộc cấp của Liêm vẫn rũ tội.

260,5 tỷ đồng bị “đánh cắp” thế nào?

Quá trình giải quyết vụ án cho thấy, từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Trần Văn Liêm với tư cách TGĐ Vinashinlines đã chỉ đạo Giang Kim Đạt (khi đó là Quyền trưởng Phòng kinh doanh) trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với doanh nghiệp môi giới để mua 3  tàu vận tải phục vụ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo chỉ đạo của Liêm, quá trình đàm phán, Đạt phải yêu cầu bên bán tàu trích lại số tiền từ 1% đến 5,7% trên tổng giá trị hợp đồng ký kết. Trong số tiền “hoa hồng” ấy, Đạt và Liêm đồng ý để công ty môi giới tàu biển được phép giữ lại 10%, theo từng hợp đồng cụ thể.

Đối với Trần Văn Khương (khi đó là Kế toán trưởng của Vinashinlines) thì có trách nhiệm làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền cho các bên liên quan. Và số tiền “rút ruột” được, Liêm chỉ đạo Khương để ngoài sổ sách kế toán, rồi chia nhau chiếm hưởng cá nhân.

Bị cáo Giang Kim Đạt

Từ sự phân công đó, ngày 27-7-2006, Liêm ký biên bản thỏa thuận mua tàu Vinashinlines Summer của nước Panama với giá 6,25 triệu USD, thông qua công ty môi giới tàu biển Marvin Shipping LTD và nhận lại 2% của số tiền mua tàu.

Vụ mua bán tàu biển hoàn tất, ngày 19-9-2006, doanh nghiệp môi giới tàu biển chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) hơn 119.739 USD. Cuối năm 2006, Liêm lập tờ trình do Khương ký “nháy” gửi Tập đoàn Vinashin đề nghị duyệt quyết toán vốn đầu tư mua sắm tàu biển Vinashinlines Summer.

Cũng vào khoảng thời gian trên, Liêm ký hợp đồng mua tàu biển thứ hai tên Vinashin Island của Croatia với giá hơn 5,9 triệu USD. Trong đó, Đạt thỏa thuận với Công ty Marvin Shipping LTD đề nghị bên bán tàu trích lại 3,75% giá trị hợp đồng.

Và cũng như lần trước, sau khi “cắt” lại 10%, ngày 5-10-2006, công ty môi giới tàu biển chuyển vào tài khoản của bị cáo Hiển hơn 192.700 USD, tương đương hơn 3 tỷ đồng. Kế đến, bộ ba ở Vinashinlines có văn bản đề nghị duyệt quyết toán đầu tư tàu biển Vinashin Island lên Tập đoàn Vinashin.

Tương tự, tháng 3-2007, Liêm ký hợp đồng mua tàu biển thứ ba mang tên Vinashin Phoenix với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp. Qua đó, Đạt cùng đồng phạm tiếp tục “rút ruột” gần 6,5 tỷ đồng của Nhà nước, thông qua tài khoản của bị cáo Hiển.

Bên cạnh đó, bộ ba tại Vinashinlines còn không ngừng “rút ruột” tiền Nhà nước bằng thủ đoạn gửi giá cước trong việc cho thuê mướn tàu biển. Cụ thể, sau khi mua tàu Vinashinlines Summer, Liêm ký hợp đồng cho một công ty nước ngoài thuê (giá thuê tính theo chuyến) với tổng số tiền hơn 1.210.000 USD.

Thực hiện hợp đồng, ngày 21-12-2006, doanh nghiệp thuê tàu biển của Vinashinlines đã chuyển thêm hơn 54.000 USD (tương đương hơn 870 triệu đồng) vào tài khoản của bị cáo Hiển.

Cơ quan tố tụng xác định, bằng mánh khóe gửi giá cước trong quá trình cho thuê tàu biển, từ năm 2006 đến 2008, Liêm cùng 2 thuộc cấp đã chiếm đoạt hơn 15,2 triệu USD (tương đương hơn 249 tỷ đồng), thông qua hàng chục hợp đồng thuê mướn tài sản.

Tổng cộng, với 2 hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Liêm, Đạt và Khương đã “đút túi” hơn 15.974.000 USD, ứng với 260,5 tỷ đồng. Trong đó, cựu TGĐ Vinashinlines chiếm hưởng hơn 3,1 tỷ đồng; Trần Văn Khương chiếm hưởng 110.000 USD và Giang Kim Đạt trục lợi hơn 255, 6 tỷ đồng.

Giang Kim Đạt nói bố khai không đúng

Bị thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm, Trần Văn Liêm tỏ ra thành khẩn nhận tội, khác hẳn với phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 2-2017. Tuy nhiên, nguyên TGĐ Vinashinlines cho rằng không hề chỉ đạo Giang Kim Đạt làm bậy và chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Tiếp đến, bị cáo Liêm khai việc mua tàu biển triển khai tới toàn công ty nhưng chỉ có Đạt có mối. “Đạt mua 8 tàu, trong đó 3 tàu và hưởng tiền “hoa hồng” bao nhiêu thì bị cáo không biết. Tất cả đều chỉ mình Đạt làm, phải đến khi có Kết luận điều tra thì bị cáo mới biết” – nguyên TGĐ Vinashinlines trình bày.

Nguyên TGĐ Vinashinlines Trần Văn Liêm

Về số tiền 150.000 USD, bị cáo Liêm khai Đạt đưa với lý do đối tác làm quà cho công ty và đó là tiền của công ty nhưng bị cáo mắc sai lầm khi đưa cho kế toán trưởng một phần và giữ lại một phần sử dụng riêng. Người trong công ty không biết nguồn tiền này từ đâu.

Đối với các tài sản là ô tô và căn hộ ở TP. HCM được xác định là dùng tiền tham ô để mua sắm, Liêm khai không chỉ đạo Đạt mua sắm mà tự bị cáo và người thân đứng ra mua, theo sự giới thiệu của bị cáo Hiển. Và đó đều là tiền tiết kiệm của gia đình bị cáo.

Khai báo trước tòa, cựu TGĐ Vinashinlines thừa nhận hành vi sử dụng tiền công ty là sai trái và có tội nhưng không chỉ đạo bị cáo Đạt làm bậy. “Hiện gia đình bị cáo đã khắc phục hết hậu quả. Vì thế bị cáo mong HĐXX xem xét lại mức án cho bị cáo” – Trần Văn Liêm trình bày.

Trái ngược với cấp trên một thời, bị tòa thẩm vấn, Giang Kim Đạt một lần nữa phủ nhận tội “Tham ô tài sản” mà bản án sơ thẩm đã quy kết cũng như lời khai tại giai đoạn điều tra. Đạt cho rằng số tiền hàng trăm tỷ đồng gửi cho bố là do bị cáo kiếm được nhờ việc môi giới mua bán tàu biển.

Trước lời những lời chối tội đó, vị chủ tọa phiên tòa buộc phải công bố lời khai của Đạt tại cơ quan điều tra: "Việc quyết định mua tàu, Liêm thường gọi Đạt lên phòng chỉ đạo, yêu cầu phải thỏa thuận với phía nước ngoài để được hưởng 1-2% giá trị mua tàu hoặc gửi giá tàu…”

Nghe vị chủ tọa công bố lời khai của mình, Giang Kim Đạt biện bạch: "Bị cáo có khai thế, nhưng là lời khai không đúng sự thật. Sở dĩ bị cáo phải khai như vậy là do bị ép buộc”.

Chủ tọa phiên tòa tiếp tục công bố lời khai của bị cáo Hiển tại cơ quan điều tra với nội dung số tiền mà Đạt được hưởng, thực tế là tiền thuộc Vinashinlines. Đạt nhờ bố mở tài khoản vì thu nhập này là bất hợp pháp nên phải che giấu...".

Đáp lại những lời công bố bút lục tại giai đoạn điều tra của HĐXX, Giang Kim Đạt quả quyết: "Bố bị cáo khai không đúng sự thật". Phiên xử phúc thẩm Giang Kim Đạt cùng đồng phạm hiện vẫn đang tiếp tục ở phần thẩm vấn.