Người đàn bà ác ý và hành vi giết người chưa đạt

ANTD.VN - Chị Nguyễn Thị T (SN 1988) thường bán đồ ăn sáng ở trong khu phố. Bà Đỗ Lan H (SN 1963) là họ hàng của chị T cũng bán hàng ăn sáng gần đó nhưng ế ẩm hơn. Một buổi sáng, sau khi chị T dọn hàng, lợi dụng vắng người bà H đã dùng một gói thuốc đổ vào nồi nước dùng của chị T rồi bỏ đi. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Tuy nhiên hành động của bà H đã bị camera an ninh của một gia đình gần đó ghi lại. Khi chị T trở về, thấy nồi nước dùng nổi nhiều bọt lạ bất thường, có mùi hôi nên sinh nghi và nhờ gia đình có gắn camera kiểm tra giúp. Khi phát giác được hành vi của bà H, chị T ra cơ quan công an trình báo. 

Qua hình ảnh trích xuất từ camera, công an đã mời bà H đến làm việc. Bà H khai nhận đã bỏ 2g thuốc chuột vào nồi nước dùng. Theo bà H, bà và gia đình chị T có mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai. Trước đây chị T phụ bán bún cho bà H, nhưng gần 1 tháng trước lúc xảy ra vụ việc, chị T không qua bán nữa mà mở quán bán riêng. Bực tức vì những điều đó nên bà H đã mua gói thuốc chuột rồi lựa thời cơ ra tay với mục đích phá không cho chị T bán hàng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu nước dùng có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, là chất kịch độc thuộc nhóm 1 gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng.

Vấn đề đặt ra là, hành vi này của bà Đỗ Lan H đã cấu thành tội giết người chưa?

Ý kiến bạn đọc

Không có ý thức giết người, hậu quả chưa xảy ra

Theo tôi, nguyên nhân vụ việc bắt đầu từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai giữa bà Đỗ Lan H và gia đình chị Nguyễn Thị T và sau đó là việc chị T bỏ làm cho bà H để ra mở quán riêng. Vì vậy, hành vi bà H dùng 2g thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước dùng của chị T không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và chỉ nhằm phá không cho chị T bán hàng. Tôi cho rằng bà H không có ý thức giết người mà chỉ muốn “dằn mặt” đối với chị T. Hơn nữa, thực tế sự việc bị phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra. Do đó, hành vi của bà H theo tôi không cấu thành tội giết người. Vì vậy chỉ nên xử phạt hành chính đối với hành vi của bà Đỗ Lan H.  

Nguyễn Hồng Hà (Hai Bà Trưng - Hà Nội)

Đã cấu thành tội giết người

Trong vụ việc này có thể thấy bà Đỗ Lan H đã dùng thủ đoạn bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước dùng của chị Nguyễn Thị T. Đây là hành vi trái pháp luật có thể dẫn tới hậu quả chết người, bởi khi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước dùng, người bỏ phải biết là có hậu quả chết người nếu có người ăn phải. Việc không có người ăn là do may mắn bị phát hiện sớm, hậu quả không xảy ra là nằm ngoài ý muốn của người thực hiện hành vi đầu độc.

Như vậy, dù bà H không muốn, nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Về mặt chủ quan, bà H đã thực hiện hết các hành vi như mua thuốc, lén bỏ vào nồi với mục đích là cố ý. Như vậy, hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi nước dùng của bà H đã cấu thành tội Giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Thậm chí hình phạt cho bà H còn phải tăng nặng do bà H biết chị T sẽ sử dụng nồi nước dùng này để bán cho nhiều người và đây là “phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.

Đinh Quốc Bình (Lý Nhân - Hà Nam)

Phạm tội chưa đạt 

Khi bỏ thuốc chuột vào nồi nước dùng thì theo tôi bà Đỗ Lan H hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm không chỉ cho chị T mà còn với những khách hàng ăn tại đây. Hành vi của bà H là cố ý gián tiếp thực hiện hành vi nguy hiểm, còn hậu quả có xảy ra hay không, xảy ra với ai thì bỏ mặc, nhưng bà H hoàn toàn ý thức được. Hành vi của bà H cho thấy, bà đã cố ý bỏ thuốc chuột vào nồi nước dùng và nếu chị T không phát hiện thông qua biểu hiện bất thường, qua camera, thì những khách hàng của chị T có thể đã là nạn nhân.

Như vậy, hành vi của bà H là cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Do sự việc được phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội giết người, mà nó chỉ là tình tiết đánh giá hành vi phạm tội chưa đạt. 

 Đoàn Việt Hùng (Sơn Động - Bắc Giang)

Bình luận của luật sư

Đối với ý kiến cho rằng ý thức của bà Đỗ Lan H không muốn giết người và hậu quả chưa xảy ra. Theo chúng tôi quan điểm này là chưa phù hợp, bởi lẽ pháp luật bắt buộc bà H phải nhận thấy trước hành vi của mình có thể gây chết người. Bà Đỗ Lan H là người có năng lực hành vi đầy đủ, đủ để nhận thức được thuốc chuột là một loại chất kịch độc (loại thuốc kịch độc thuộc nhóm 1), hành vi cho thuốc chuột vào nồi nước dùng như vậy sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người ăn.

Đồng thời, đây được xác định là công cụ, phương tiện có tính năng làm chết nhiều người, là một trong những tình tiết định khung tặng nặng được quy định tại điểm l, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự (giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người). Xét về lý luận, mặt chủ quan của tội Giết người bao gồm các dấu hiệu như lỗi, động cơ, mục đích... trong đó phần lỗi là dấu hiệu rất quan trọng để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội.

Lỗi của tội Giết người là lỗi cố ý (có thể cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Đối chiếu với vụ việc trên, giữa bà H và chị T đã phát sinh mâu thuẫn, xích mích, vì nguyên nhân đó mà bà H đã có hành vi cho thuốc chuột vào nồi nước dùng của chị T. Vấn đề đặt ra là, cần phải xác định lỗi của bà H là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp.

Theo quy định của pháp luật, đối với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Về mặt lý trí, người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Còn về mặt ý chí, sự lựa chọn hành vi phạm tội là sự lựa chọn duy nhất, chủ thể lựa chọn hành vi phạm tội vì chủ thể mong muốn hành vi đó.

Đối với lỗi cố ý gián tiếp, người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Về mặt lý trí, người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Về mặt ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, tức hậu quả xảy ra không phù hợp với mục đích phạm tội. Tuy nhiên để thực hiện mục đích này, người phạm tội để mặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra

Trong vụ việc này, để xác định ý thức chủ quan của bà H không chỉ căn cứ vào lời khai. Bởi vì, khi chưa gây ra hậu quả chết người thì bao giờ người có hành vi cũng chối là mình không có chủ ý giết người. Vì vậy, cần phải căn cứ vào các dấu hiệu khác để đánh giá ý thức chủ quan của bà H. Có thể thấy, xuất phát từ động cơ thù ghét, mâu thuẫn cá nhân với chị T nên bà H đã lén đổ gói 2g thuốc diệt chuột vào nồi nước dùng của chị T. Cho dù bà H khai rằng chỉ nhằm phá hoại, không cho chị T bán hàng, nhưng không vì thế mà cho rằng bà H không có mong muốn cho khách ăn bún của chị T, bởi khách hàng làm sao mà biết được trong bát bún có thuốc chuột mà không ăn.

Muốn phá chuyện làm ăn của chị T thì chí ít bà H cũng phải mong muốn có khách ăn bún có thuốc diệt chuột. Nếu bà H bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước dùng mà không mong muốn cho khách hàng ăn bún của chị T thì việc bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước dùng sẽ vô nghĩa. Chưa có ai ăn bún của chị T là ngoài ý muốn của bà H. Vì vậy, không thể cho rằng hành vi của bà H chỉ là hành vi cố ý gián tiếp.

Ở đây chỉ có thể kết luận: Về ý thức của bà H là mong muốn có người ăn bún của chị T. Còn việc ai ăn, có bị chết hay không bà H không quan tâm. Chết cũng mặc mà không chết cũng mặc, miễn  chị T không bán được hàng là thỏa mãn sự mong muốn của bà T rồi. Do đó, phải coi hành vi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước dùng là lỗi cố ý trực tiếp.

Có thể thấy, hành vi bỏ thuốc độc vào đồ ăn, thức uống là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của một người mà là nhiều người. Do đó hành vi của bà Đỗ Lan H là hành vi phạm tội Giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. 

Luật sư Phạm Thái Sơn Văn phòng luật sư Sơn Phạm