Ngày mai, 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ hầu tòa

ANTD.VN - Sau thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, ngày mai (12-11),TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại địa phương này.

Theo đó, thông tin từ TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan xét xử này đã hoàn thành cơ sở vật chất, phòng xử án để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử sơ thẩm với các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại tỉnh Phú Thọ. Phiên xử dự kiến sẽ khai mạc vào lúc 7h30' ngày 12-11-2018, tại trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ.

Tại phiên tòa, Phan Sào Nam (SN 1979) - cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần VTC online); Nguyễn Văn Dương (SN 1975) - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC; Phan Văn Vĩnh (SN 1955) - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa (SN 1958) - cựu Cục trưởng C50 cùng 88 bị cáo liên quan lần lượt bị truy tố về các tội: “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Phòng xử án đặc biệt được TAND tỉnh Phú Thọ thiết kế để phục vụ cho phiên tòa ngày mai.

Cơ quan tố tụng xác định, đây là vụ án có tính chất phức tạp và lượng bị cáo rất đông. Do đó, TAND tỉnh Phú Thọ đã phải thiết kế, xây dựng gấp 1 phòng xét xử khoảng 1.000m2, lợp mái tôn, ngay tại sân trụ sở tòa án. Phòng xử án đặc biệt này được bố trí khoảng 120 băng ghế để phục vụ hàng trăm người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, không vì thế mà phòng xét xử Phan Sào Nam cùng hơn 90 bị cáo liên quan thiếu sự tôn nghiêm. Phương án đảm bảo an ninh, trật tự cũng được đặc biệt coi trọng. Hiện tại, ngoài những người tiến hành tố tụng, các bị cáo và luật sư,  HĐXX sơ thẩm cũng đã triệu tập 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên tham gia giải quyết vụ án.

Để kịp thời thông tin tới dư luận xã hội, TAND tỉnh Phú Thọ đã bố trí khu vực dành riêng cho báo chí tác nghiệp bằng căn phòng chừng 50m2 với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết trong tác nghiệp báo chí. Ngoài ra, hệ thống loa phóng thanh cũng được lắp đặt xung quanh khu vực xét xử vụ án.  

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, Chủ tọa phiên tòa xét xử Phan Sào nam và các bị cáo liên quan là Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương và Thẩm phán thứ 2 là ông Đỗ Ngọc Tuấn. Thẩm phán được phân công ở vai trò dự khuyết là ông Tạ Văn Thành. Ghi biên bản phiên xét xử là 4 thư ký tòa án, trong đó có 2 thư ký chính thức và 2 thư ký dự khuyết.

Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ thực hành quyền công tố tại phiên xử có 4 kiểm sát viên, gồm cả chính thức và dự khuyết. Ngay trước ngày phiên xử sơ thẩm diễn ra có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia tố tụng. Trong đó, Phan Sào Nam có 3 luật sư bào chữa và Nguyễn Văn Dương có 5 luật sư bào chữa.

Cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án cho thấy, vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”; "Đánh bạc"; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao thực hiện.

Trong khi ấy, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn và được Nhà nước giao nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm nhưng lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen, các bị cáo thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Bằng cách thức này, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm đã lôi kéo được hơn 42.950.800 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Qua đó, các bị cáo thu lời bất chính hơn 9.700 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.