Ngăn chặn "xã hội đen" hoành hành (2): Giăng bẫy tín dụng

ANTD.VN - Hoạt động cho vay, thế chấp, cầm cố tài sản dưới hình thức “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Kéo theo đó là các dịch vụ đòi nợ thuê từ các băng, nhóm, gây mất an ninh trật tự.

 “Bắt cóc” gây áp lực đòi nợ

Trên một số tuyến đường ở TP. Phan Thiết và các xã, thị trấn của huyện, thị xã hiện không khó phát hiện những tờ rơi quảng cáo, được dán trên các cột đèn, trụ điện, với nội dung cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng... với thủ tục đơn giản, nhanh gọn không cần thế chấp, thậm chí người giới thiệu sẽ được hoa hồng. Ẩn phía sau những tờ rơi quảng cáo này là hoạt động giao dịch ngầm của “tín dụng đen”.

Đặc điểm “tín dụng đen” với thủ tục cho vay đơn giản, đôi khi chỉ “thế thân”, nên đã có nhiều người mắc “bẫy”. Sau khi làm hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất được quy định. Hợp đồng này có chữ ký của người vay tiền, nhưng nhóm cho vay giữ hợp đồng chứ không đưa cho người vay.

Mặt khác, sau khi vay tiền xong, họ cho nhân viên đến thu tiền lãi đến hạn, khi người vay có tiền đi trả vốn  nhân viên tìm mọi thủ đoạn không cho người vay gặp chủ cho vay để trả vốn, nhằm kéo dài thời gian trả lãi, điều này làm cho người vay không thể thoát… nợ.

Tờ rơi “tín dụng đen” dán khắp nơi để chào mời người vay

Hiện nay, ở tỉnh ta đã nhen nhóm xuất hiện nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động dưới hình thức tín dụng đen nói trên, đòi nợ thuê và thao túng đấu giá tài sản như chúng tôi đề cập ở bài viết trước. Đặc biệt, các nhóm đối tượng này thường là người ngoài tỉnh đến Bình Thuận hoạt động. Cách đây không lâu, 1 vụ bắt người đòi nợ theo kiểu xã hội đen đã xảy ra trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Khoảng 19 giờ, ngày 20/5/2018, khi Nguyễn Huy Tuấn (37 tuổi, phường Phú Tài) đang chở vợ và con đi xe máy trên đường Lê Duẩn, thuộc khu phố 5, phường Phú Trinh bị nhóm người khống chế bắt bỏ lên ô tô 7 chỗ chở đi. Sau khi vào cuộc điều tra, công an xác định đối tượng bắt giữ Tuấn khống chế chở đi là Đặng Văn Thừa (SN 1985, trú tại ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng 3 người khác.

Nhóm của Thừa đã dùng dây vải bịt mắt, trói tay Tuấn bỏ lên xe. Khi đến khu vực bờ kè phường Hàm Tiến, khi nhóm này đang ăn uống và nhốt Tuấn trên xe, Tuấn tự mở dây trói và điều khiển xe ô tô bỏ chạy đến Công an phường Mũi Né cầu cứu và trình báo sự việc. Nguyên nhân trước đó, Tuấn vay mượn một đối tượng tên Nguyễn Hoài Tuấn số tiền 300 triệu đồng. Đến tháng 11/2017, Tuấn hết khả năng trả nợ, nên Nguyễn Hoài Tuấn đã nhờ Thừa đi đòi nợ giúp.

 Xử lý nghiêm...

Hoạt động “tín dụng đen” là nguyên nhân nảy sinh các băng nhóm, đối tượng đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, gây mất an ninh trật tự xã hội. Để đòi được nợ, các đối tượng gặp con nợ để tính cả gốc lẫn lãi, với số tiền cao gấp nhiều lần so với nợ gốc và bắt con nợ ký nhận, hẹn ngày trả nợ hoặc nhận hợp đồng đòi nợ từ người khác, tỷ lệ ăn chia có khi lên đến 40 - 50%.

Nếu như “con nợ” không trả tiền, các đối tượng sẽ đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách gặp gỡ hoặc nhắn tin qua điện thoại gây tâm lý hoang mang, lo lắng, buộc con nợ phải nhanh chóng trả tiền. Nhiều trường hợp “con nợ” bị các đối tượng đòi nợ thuê gây thương tích, bắt ép nạn nhân bán nhà, cầm cố tài sản hoặc làm hợp đồng mua bán tài sản giá rẻ để trả nợ. Thậm chí, nhiều người bị các đối tượng đòi nợ gây áp lực, khủng hoảng tinh thần dẫn đến hành vi tự tử.

>> Ngăn chặn "xã hội đen" hoành hành (1): "Thao túng" đấu giá tài sản

Để triệt xóa tín dụng đen và các băng nhóm xã hội đen, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo và các địa phương, ngành công an đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh. Trong đó xây dựng kế hoạch  phòng ngừa, đấu tranh, tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi để cảnh giác và vận động nhân dân không nên tham gia loại hình vay vốn này.

Lực lượng công an phối hợp với các ban ngành, mặt trận, đoàn thể bóc gỡ các tờ quảng cáo trên các tường rào, trụ điện, nơi công cộng, nhất là các quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Đồng thời công an các địa phương nắm tình hình, chủ động phát hiện hoạt động của đối tượng cho vay nặng lãi để xử nghiêm theo quy định pháp luật. Bên cạnh sự đấu tranh của cơ quan chức năng, người dân cần cảnh giác và thận trọng không dính vào tín dụng đen hoạt động theo kiểu xã hội đen.

Thượng tá Ung Chiêu Thành, Phó Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết: các đối tượng cho vay nặng lãi đa phần là băng nhóm tội phạm liên tỉnh, nhất là phía Bắc vào. Khi có mặt tại Bình Thuận, đã nhận thấy nhu cầu vay vốn của người dân cao, thiếu cảnh giác nên trong thời gian gần đây hoạt động khá rầm rộ. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân các thủ đoạn, chúng tôi sẽ chủ động nắm tình hình, rà soát ở các huyện, thị, xã, phường nơi các băng nhóm tội phạm này đang cư trú, kinh doanh và hoạt động. Từ đó tham mưu cho các lực lượng chức năng bám sát để xử lý, đồng thời kiên quyết triệt phá các băng nhóm, nhất là các đối tượng cầm đầu để răn đe. Hiện nay, Công an tỉnh đã khởi tố một số vụ án liên quan đến tín dụng đen về hành vi “cố ý gây thương tích”, “bắt giữ người trái pháp luật”...