Ngăn chặn những vụ đương sự đe dọa, hành hung luật sư

ANTĐ - Báo ANTĐ số ra ngày 13-10  đăng văn bản do Đoàn Luật sư Hà Nội gửi Ban Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm những đối tượng coi thường pháp luật, đã có hành vi hành hung luật sư Nguyễn Thanh Sơn, gây thương tích. Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

- PV: Sự việc tương tự đã từng xảy ra chưa, thưa ông?

- Luật sư Nguyễn Chiến: Vụ việc luật sư Nguyễn Thanh Sơn bị các đối tượng trong vụ án hành hung ngay tại cổng trụ sở TAND quận Hoàn Kiếm không phải là trường hợp hi hữu mà thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ đương sự hành hung luật sư ngay tại phiên tòa hay chặn đường đe dọa, hành hung. Có thể kể đến vụ tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa bà Trần Thị Y, nguyên đơn với ông Phan Quốc Th và bà Nguyễn Bích Th là đồng bị đơn. Tại phiên tòa, trong lúc luật sư đang phát biểu ý kiến thì phía dưới tòa, bà Th liên tục dùng nhiều lời lẽ xúc phạm luật sư. Khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng để chiều xét xử tiếp, bà Th đã xông lên bàn luật sư cởi guốc đập vào mặt luật sư. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là vụ luật sư Trần Hồng Lĩnh - Trưởng Văn phòng Luật sư Lĩnh Chính Thắng (Hải Phòng) bị tạt axít hết sức nghiêm trọng. 

- Theo ông, trong những hoàn cảnh trên, các luật sư phải  làm gì để tự bảo vệ mình?

 - Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ luật sư tham gia tố tụng. Vì vậy, hoạt động hành nghề của luật sư hết sức nguy hiểm, nhất là tham gia bào chữa, bảo vệ những vụ án phức tạp, nhiều đương sự. Nghề nghiệp luật sư là bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng xã hội nên luôn phải đối mặt với sự nguy hiểm. Để tự bảo vệ bản thân, luật sư cần có những kỹ năng cần thiết trong quá trình tham gia tố tụng. Đối những vụ án phức tạp, luật sư cần kiến nghị cơ quan tố tụng yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp tham gia bảo vệ, giữ gìn trật tự phiên tòa. 

- Ông có thể cho biết những quy định pháp luật hiện hành trong việc bảo vệ các luật sư khi đang làm nhiệm vụ và hướng xử lý đối với các đối tượng gây rối?

 - Điều đáng buồn là hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể việc bảo vệ các luật sư khi đang tác nghiệp. Tuy nhiên, nếu hành vi của các đối tượng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể phạt hành chính về những hành vi gây rối hoặc làm mất trật tự tại phiên tòa. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng hành vi có thể khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích” … theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Trước các vụ việc này, Đoàn Luật sư Hà Nội đã có những việc làm cụ thể nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các luật sư?

-  Đoàn luật sư TP Hà Nội đã thành lập một Ban bảo vệ quyền lợi luật sư để phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi cho luật sư là thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội. Trong các vụ việc xâm phạm, hành hung đối với luật sư, chúng tôi đều khẩn trương có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các đối tượng để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung đối với những đối tượng có hành vi tương tự.

 - Xin cảm ơn ông!