Nạn trộm xe ô tô: Do chủ quan, thiếu phòng ngừa

ANTĐ - Về lý thuyết, việc lấy trộm ô tô khó hơn nhiều so với trộm xe máy. Ngay cả công đoạn tiêu thụ ô tô trộm cắp cũng “vất vả” hơn nên điều này đã và đang gây tâm lý chủ quan, thiếu phòng ngừa đối với các chủ xe ô tô.


Mất do thiếu cảnh giác

Theo thống kê của Phòng CSHS CATP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ mất trộm “xế hộp” và duy nhất 1 vụ trong đó, lực lượng chức năng tìm ra thủ phạm.

Tội phạm chỉ có thể hoạt động, gây án dựa trên sơ hở, mất cảnh giác của chủ tài sản. “Nguyên lý” đơn giản này nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng cảnh giác. Vụ trộm xe Lacetti, tài sản của một nữ công dân tên Thanh, xảy ra ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, mới đây là một ví dụ. Khu đô thị có bãi để xe ô tô nhưng chị Thanh lại “thích” đỗ xe ngay dưới chân nhà chung cư. Xe không người trông giữ, đường nội bộ khu chung cư không có hệ thống chiếu sáng, thế là mất xe. Cũng may cho chị Thanh, trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó, CAQ Long Biên truy xét “nóng”, bắt được “ô tô tặc” đang mang chiếc Lacetti lên Thái Nguyên tìm người mua. Tên gian khai nhận, nhiều lần đi qua khu vực này, phát hiện chiếc ô tô thường xuyên không có người trông giữ, nên đã lấy trộm. Bằng công cụ tự tạo, y đã vô hiệu hóa khóa cửa và khóa điện của chiếc Lacetti trong vòng chưa đầy 5 phút.

Trong các lý do mất xe ô tô, phổ biến nhất là nguyên nhân các chủ xe để ở nơi không có người trông giữ. Trước vụ chiếc Lacetti “bay hơi” ở khu đô thị Việt Hưng, trên địa bàn quận Ba Đình xảy ra vụ trộm xe Mitsubishi Jolie với tình huống, thủ đoạn tương tự. Đối tượng trộm xe tên Trung, từng là giáo viên dạy lái xe. Trung cư trú tại nhà A6 Giảng Võ. Y phát hiện tại bãi đất trống gần nhà, cứ từ tối đến sáng hôm sau lại có chiếc Mitsubishi Jolie đỗ không có người trông giữ. Trung chọn thời điểm thích hợp, dùng…gạch đập vỡ cửa kính ghế phụ rồi vào bên trong xe. Y còn gặp may vì chủ xe Mitsubishi Jolie để cả chìa khóa phụ trong xe.

Trong 5 vụ mất trộm xe ô tô xảy ra thời gian qua, có những vụ, đối tượng không chủ mưu lấy trộm ô tô, nhưng vì thấy việc trộm xe dễ quá, nên đối tượng đã ra tay. Tình huống này xảy ra trong vụ mất trộm xe ở gia đình ông Nguyễn Quý Thường, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, một ngày cuối tháng 8 vừa qua. Tìm đến nhà ông Thường mới hiểu vì sao chủ nhà lại mất cảnh giác đến vậy. Ngoài cùng là lớp cửa sắt kiên cố, phía trong là bộ cửa gỗ, loại gỗ quý trông chắc nịch. Giữa hai khoang cửa này là khoảng sân, nơi đỗ 2 chiếc ô tô, trong đó có chiếc  Mercedes C250 trị giá bạc tỷ. Yên tâm với hệ thống cửa nhà mình, gia đình ông Thường thường cắm chìa khóa điện trong ô tô. Bọn gian đã lần được sơ hở và theo lối cửa bếp để vào nhà ông Thường. Chủ ý ban đầu của chúng là “xơi” chiếc máy tính xách tay HP và những đồ đạc có giá trị. Nhưng khi phát hiện thấy “con” Mercedes C250  vẫn cắm chìa khóa, chúng tiện thể lấy luôn.

Khó với người ngay, dễ với kẻ gian

“So với chiếc xe máy có khóa cổ, khóa càng bằng ổ khóa “thửa”, chiếc ô tô có nguy cơ dễ bị mất cắp hơn nhiều. Nhất là tâm lý của nhiều chủ xe còn bất cẩn như hiện nay”, trinh sát phòng CSHS CATP Hà Nội đánh giá.

Lý giải về sự xuất hiện và có dấu hiệu gia tăng của tội phạm trộm cắp ô tô, có thể thấy hiện đã hình thành những đường dây tiêu thụ xe ô tô gian khá chuyên nghiệp. Mỗi xe trộm cắp được, chúng đưa ra tỉnh ngoài tiêu thụ. Lẽ dĩ nhiên, chiếc xe gian trước khi lưu hành sẽ được “phù phép” vỏ ngoài, từ màu sơn đến đặc điểm của xe, nhằm tránh bị chủ xe hay lực lượng chức năng truy tìm, phát giác. Sau khi thay đổi được hình thức của xe, các đối tượng sẽ tìm cách làm hồ sơ giả cho chiếc xe gian, trên cơ sở đục lại số khung, số máy, đăng ký. Thủ đoạn này đã từng bị phát hiện, qua chuyên án khám phá đường dây buôn lậu xe ô tô mà công an Hà Nội thực hiện cách đây không lâu.

Nguồn tiêu thụ xe ô tô gian thứ hai, là bán xe cho các xưởng cơ khí. Vì không có giấy tờ nên xe gian thường được bán với giá rất rẻ. Như vụ mất trộm xe Lacetti ở khu đô thị Việt Hưng, “chiếc” xe đời 2009 trị giá trên 300 triệu đồng suýt bị tên trộm đem lên Thái Nguyên bán cho một xưởng cơ khí với giá 70 triệu đồng. Tại đây, chiếc xe sẽ bị mổ xẻ- theo đúng nghĩa đen- tháo hết phụ tùng và đem bán lẻ. Và chỉ riêng bộ máy của xe đã đủ giúp chủ xưởng cơ khí thu hồi vốn.

“Để xe ở nơi có người trông giữ”, đó là khuyến cáo đơn giản nhưng thiết thực và rất dễ thực hiện mà cơ quan chức năng đưa ra đối với các chủ xe ô tô. Bởi chỉ có như vậy, người dân mới không đứng trước nguy cơ bị mất tài sản và tội phạm cũng hết “đất’ để hoạt động.