Muốn đòi đất "thừa", phải chứng minh được quyền lợi của mình bị xâm phạm

ANTD.VN - Hỏi: Mới đây, tôi bị người hàng xóm kiện ra tòa đòi đất (hoặc tiền) với lý do đất nhà tôi thừa ra 3,6m2 so với diện tích mua thực tế. Trong khi ấy, những hộ gia đình khác cũng mua đất của nhà anh này và cả diện tích đất còn lại của nhà họ không thiếu so với “sổ đỏ”. Xin hỏi luật sư, khi tòa đưa vụ án ra xét xử thì UBND quận (nơi đất tranh chấp) có bắt buộc phải tham gia tố tụng không? Và liệu gia đình tôi có phải trả lại đất hoặc số tiền tương ứng cho gia đình hàng xóm không? Hoàng Đại Nghĩa (Hà Nội)

Muốn đòi đất "thừa", phải chứng minh được quyền lợi của mình bị xâm phạm ảnh 1Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được gắn liền với diện tích xác định theo số liệu đo đạc

Trả lời: 

Nội dung câu hỏi của bạn còn thiếu một số thông tin như việc bạn mua đất của họ trước khi cấp “sổ đỏ”, hay đã cấp “sổ đỏ” rồi thì mới mua và lý do dư thừa 3,6 m2 là như thế nào… Do vậy câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau.

Theo tôi, trong trường hợp này bạn mua đất của họ khi còn chưa được cấp “sổ đỏ” nên khi bạn được cấp sổ thì diện tích tăng so với “sổ đỏ” là 3,6m2 vì nếu mua khi họ đã cấp sổ rồi thì việc mua bán hay chuyển nhượng phải thực hiện đo đạc lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất để tách thửa theo quy định. Hơn nữa, khi lập hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng công chứng thì các thông tin về ô thửa, số tờ bản đồ, vị trí, thông tin nguồn gốc đất phải thể hiện rõ ràng và diện tích đất cũng phải cụ thể bao nhiêu m2.

Còn trường hợp bạn mua đất xong, sau đó bạn được cấp “sổ đỏ” thì khi mua bán, các bên thực hiện có lập hợp đồng chuyển nhượng hay không, có thể hiện vị trí, tứ cận liền kề của thửa đất hay không và thời điểm các bên nhận chuyển nhượng đất… Bởi khi bạn được cấp giấy chứng nhận thì bạn phải có giấy tờ chứng minh việc bạn nhận chuyển nhượng của họ, quá trình lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất sẽ có xác nhận của các hộ liền kề thể hiện sự không có tranh chấp và khi diện tích dư thừa thì bạn phải nộp tiền theo quy định.

Trong trường hợp của bạn thì chủ cũ lại không thiếu đất so với “sổ đỏ” nên khi họ khởi kiện ra tòa, họ phải chứng minh quyền lợi của họ đã bị xâm phạm. Mặt khác, việc dư thừa diện tích đất của gia đình bạn cũng sẽ được làm rõ lý do, nguyên nhân để xác định bạn có phải thanh toán trả cho chủ cũ hay phải nộp tiền cho Nhà nước, theo quy định tại khoản 5, Điều 98 - Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó,  khoản 5, Điều 98 - Luật Đất đai 2013 quy định: “Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này”.

Nội dung thứ hai mà bạn quan tâm là khi tòa án đưa vụ việc ra xét xử thì UBND quận (nơi đất tranh chấp) có bắt buộc phải tham gia tố tụng không? Về nội dung này, theo chúng tôi, việc xác định UBND quận có bắt buộc phải tham gia tố tụng hay không còn phụ thuộc vào nội dung khởi kiện của người khởi kiện. Nếu người khởi kiện khởi kiện hành chính yêu cầu hủy “sổ đỏ” của gia đình bạn hay yêu cầu giải quyết tranh chấp đất giữa hai gia đình thì UBND quận sẽ phải tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Chủ tịch UBND quận là người đại diện tham gia tố tụng.