Mượn điện thoại mang đi cầm cố có phạm tội không?

ANTD.VN - Trần Đình K (SN 1984) gặp Nguyễn Quang H (SN 1981) và Đinh Quốc B (SN 1997). H rủ K đi uống cà phê. Trong khi ngồi uống nước, H có hỏi mượn điện thoại di động iPhone 8 (trị giá khoảng 10 triệu đồng) của K để nhắn tin và vào Facebook. Sau đó, H có nói với K về việc vừa xích mích với bạn gái tên là T. Do T chơi và ở với bạn của K nên K bảo lát nữa sẽ đi cùng H đến gặp T nói chuyện. Một lúc sau, 3 người đến chỗ bạn gái của H, lúc này K vẫn cầm điện thoại của H chưa trả lại. 

Tại đây, H đi vào trong nói chuyện với bạn gái, còn K và B đứng ở ngoài. Khoảng 5 phút sau, K đưa 50.000 đồng và điện thoại của H cho B bảo B đi mua thẻ điện thoại để nạp. B vừa đi thì K cũng đi bộ về nhà bảo bạn chở đi chơi. Trên đường đi gặp B, K bảo B đưa điện thoại của H cho mình. K cầm điện thoại định bán nhưng không bán được nên cầm cố điện thoại lấy 2 triệu đồng. Nguyễn Quang H khi phát hiện không thấy K đâu đã gọi điện nhưng không được nên trình báo công an. Sau khi nhận được đơn trình báo, Công an tổ chức xác minh và đã thu giữ tại cửa hàng điện thoại chiếc điện thoại của H. Sáng hôm sau, K đến cửa hàng để chuộc máy nhưng không được do đã bị Công an thu giữ. 

Vấn đề đặt ra là hành vi của Trần Đình K trong trường hợp này có phạm tội hay không?

Mượn điện thoại mang đi cầm cố có phạm tội không? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Có thể thấy, trong vụ việc này, việc Trần Đình K mượn điện thoại của Nguyễn Quang H để nhắn tin, vào Facebook nhưng rồi không sử dụng đúng mục đích và đã tự ý mang điện thoại đi cầm cố lấy 2 triệu đồng để sử dụng. Nếu như sau đó Nguyễn Quang H không báo công an và cơ quan công an không tổ chức xác minh và thu giữ tại cửa hàng điện thoại chiếc điện thoại thì tôi tin rằng Trần Đình K sẽ bỏ trốn với số tiền cầm cố từ chiếc điện thoại đó. Vì vậy, tôi cho rằng hành vi của Trần Đình K đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Văn Định (Sơn Trà - Đà Nẵng)

Không phạm tội

Theo tôi, trong vụ việc này chưa đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội của Trần Đình K. Bởi lẽ, mặc dù sau khi mượn được điện thoại của Nguyễn Quang H, K đã mang đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên theo như nội dung vụ việc thì chúng ta chưa thể xác định được việc K có cố ý chiếm đoạt chiếc điện thoại của H hay không. Có thể ngay lúc đó, do bí tiền tiêu xài, K mang đi cầm cố để đi chơi rồi sau đó, có điều kiện K sẽ chuộc về để trả cho H. Hơn nữa sau khi cầm cố, K không có hành vi bỏ trốn mà thậm chí hôm sau còn đến để chuộc lại điện thoại. Vì vậy, tôi cho rằng hành vi của K trong vụ việc này chưa cấu thành tội phạm.

Vũ Thị Vinh (Đông Anh  - Hà Nội) 

Phạm tội lừa đảo

Căn cứ vào nội dung vụ việc như trên, tôi cho rằng Trần Đình K đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015. Do tin tưởng vào lời hứa của Trần Đình K sẽ dẫn mình đến nhà bạn gái, Nguyễn Quang H đã cho K mượn chiếc điện thoại của mình để nhắn tin và vào Facebook. Tuy nhiên, khi đã đến nhà bạn gái của H, K không những không trả lại điện thoại cho H mà còn mang đi bán và sau đó là cầm cố chiếc điện thoại này để lấy tiền tiêu xài. Tôi cho rằng hành vi của Trần Đình K trong vụ việc này đã thể hiện sự gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản là chiếc điện thoại của anh H. Hành vi đó theo tôi chính là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Quốc Tuân (TP Cẩm Phả - Quảng Ninh)

Bình luận của luật sư

Về ý kiến cho rằng Trần Đình K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điểm a, Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định về hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”. Tuy nhiên, với tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” thì cho đến nay vẫn chưa được giải thích, hướng dẫn một cách cụ thể trong một văn bản pháp lý nào nên việc nhận thức còn chưa thống nhất dẫn đến việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn. 

Trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Từ đó đã phát sinh nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng, chỉ cần xác định được tình tiết một người nào đó sau khi nhận được tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn; không trả tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đủ cơ sở kết luận người đó phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào lý do bỏ trốn của họ là nhằm mục đích gì. Trong khi đó, không phải tất cả mọi trường hợp bỏ trốn đều có ý thức chiếm đoạt tài sản mà có nhiều lý do khác như: sợ chủ nợ truy sát, hiểu lầm sợ rằng mình không trả được nợ là phạm tội nên buộc phải trốn đi… 

Quay lại với tình huống của vụ việc này thì có thể thấy chưa thể xác định được việc K sau khi lấy điện thoại của H đã có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Thứ hai, trong vụ việc này không có cơ sở xác định chính xác ý định của K khi đi cầm cố (thậm chí có thể là bán) điện thoại của H vì nếu K cầm cố vì cần tiền ngay để đi chơi, điều đó cũng không chứng minh được mục đích chiếm đoạt vì sau đó K hoàn toàn có thể chuộc lại tài sản đó và trả lại cho H và thực tế là sáng hôm sau, K đã đến để chuộc điện thoại nhưng do chiếc điện thoại đã bị Công an tạm giữ nên không chuộc được. 

Về quan điểm hành vi của Trần Đình K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, căn cứ Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại."

Theo quy định của pháp luật, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ý thức chiếm đoạt tài sản phải có trước khi tiếp nhận được tài sản. Nói cách khác, trong vụ việc này cần phải chứng minh được việc K chỉ bịa ra cớ mượn nhắn tin và vào Facebook là hòng tiếp cận chiếm đoạt chiếc điện thoại của H. Tuy nhiên, có thể thấy không có bằng chứng chứng minh ý định của K đưa H đến nhà bạn gái là để khi H mất cảnh giác sẽ lấy điện thoại đi cầm cố. Vì vậy theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, ta không thể quy kết K có ý định đó nên việc chứng minh K có thủ đoạn gian dối là chưa có cơ sở.

Quay trở lại nội dung vụ việc, có thể thấy cần tiếp cận quan hệ cho mượn điện thoại giữa K và H dưới góc độ pháp luật dân sự. Cụ thể, ta cần coi việc K mượn và H đồng ý cho K mượn điện thoại là giao dịch dân sự hợp pháp - hợp đồng mượn tài sản hình thức bằng miệng. Về mặt lý luận thì hợp đồng miệng này không xác định thời hạn phải trả chiếc điện thoại.

Lẽ ra K phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được, tuy nhiên việc K mượn điện thoại của H để nhắn tin và vào Facebook là một quá trình chưa xác định thời điểm kết thúc mục đích của K. Và khi K sử dụng tài sản không đúng mục đích có nghĩa là mang tài sản đi cầm cố thì H có quyền đòi lại và có quyền yêu cầu K bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do vi phạm thỏa thuận của hợp đồng mượn tài sản đã “giao kết” ban đầu. Vậy có thể thấy nếu tư duy theo hướng này thì từ khi K mượn điện thoại của H đến khi mang đi cầm cố hoàn toàn vẫn là trong phạm vi của hợp đồng dân sự cho mượn tài sản.

Ngoài ra cần nói thêm theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu... Ta cần nhận thức rằng hành vi “chiếm đoạt” là việc một người thực hiện hành vi phải chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản và nó được thể hiện ở 2 khía cạnh đó là hành vi khách quan là đưa tài sản ra khỏi phạm vi quản lý của chủ sở hữu và mục đích chủ quan của người thực hiện hành vi là phải nhằm mục đích lấy tài sản đó. Trong trường hợp này, H là chủ sở hữu và chỉ giao cho K mượn điện thoại có nghĩa là giao cho quyền chiếm hữu và sử dụng. Và khi K thực hiện hành vi cầm cố chiếc điện thoại thì người nhận cầm cố cũng chỉ có quyền chiếm hữu đối với chiếc điện thoại để đảm bảo việc trả lại số tiền cầm cố và khoản lãi tương ứng, còn quyền định đoạt về mặt pháp lý vẫn là của H, do vậy quyền sở hữu chiếc điện thoại vẫn là của H, và K hoàn toàn có thể chuộc lại chiếc điện thoại trả lại cho H.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)