Mua súng thật, nhận súng giả - kẻ bán, người mua vướng vòng lao lý

ANTD.VN - Nguyễn Chí C (SN 1983) nhờ Trịnh Xuân H (SN 1978) mua cho mình khẩu súng ngắn K59. H đã liên lạc với Nguyễn Quốc T (SN 1990) mua súng nhựa với giá 1 triệu đồng cho C nhằm kiếm tiền chia nhau. Sau đó H đưa cho C khẩu súng nhựa đựng trong hộp và nhận số tiền 10 triệu đồng. Sau khi về nhà phát hiện là súng giả, C gọi điện đòi H trả lại tiền. H đã gọi cho T để giải quyết nhưng không được. Sau đó, C gọi điện thoại trực tiếp cho T hẹn gặp tại quán cà phê của Vũ Việt A (SN 1983). Tại đây C đã yêu cầu T phải trả lại mình số tiền đã mua súng giả. Vũ Việt A sau khi biết Nguyễn Quốc T bán súng giả nên đã tát và dùng điếu cày đánh vào đầu T chảy máu. A còn dùng dao dí vào cổ yêu cầu T phải trả C số tiền đã mua súng. Thấy T chảy máu nên C và A bảo T vào nhà tắm để rửa và mua bông băng về băng bó vết thương. Sau đó C và A yêu cầu T gọi cho H đem tiền đến trả mới cho về và yêu cầu T vào trong nhà bếp chờ. Khi H đến quán cà phê thì bị A mắng chửi, đánh và bắt vào ngồi trong bếp cùng với T. Sau đó các đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ.Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này các đối tượng phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Mua súng thật, nhận súng giả - kẻ bán, người mua vướng vòng lao lý ảnh 1(Ảnh minh họa)

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật

Theo tôi, hành vi của Trịnh Xuân H và Nguyễn Quốc T trong vụ việc này đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Mặc dù được Nguyễn Chí C đặt vấn đề mua một khẩu súng K59, nhưng việc H và T có hành vi mua súng nhựa có giá tiền thấp hơn để lừa bán cho C đã thể hiện ý đồ gian dối của 2 đối tượng này nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của C. Hành động lừa đảo này của H và T đã thể hiện rõ ý chí chủ quan của các đối tượng. Còn đối với C và Vũ Việt A, với hành vi nhốt T vào bếp rồi yêu cầu H mang tiền đến trả thì mới thả đã có dấu hiệu phạm tội Bắt giữ người trái pháp luật.

Đinh Văn Toản (Sơn Tây - Hà Nội)

Tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng

Trong vụ án này Nguyễn Chí C đã nhờ Trịnh Xuân H mua súng K59. Đây được xác định là loại vũ khí quân dụng theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó vũ khí quân dụng gồm: a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự. C, H và Nguyễn Quốc T có sự thống nhất hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng nên tôi cho rằng đã cấu thành tội mua bán trái phép vũ khí theo Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. Theo tôi, vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác đó là thật hay giả, còn tác dụng hay đã mất tác dụng. Do đó các đối tượng C, H và T đã phạm tội mua bán trái phép vũ khí

Vũ Thị Thuý Hằng (Khoái Châu - Hưng Yên)

Tội Cướp tài sản

Tôi cho rằng, trong vụ việc này cần phải xử phạt Trịnh Xuân H và Nguyễn Quốc T về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi các đối tượng này đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của Nguyễn Chí C. Còn đối với Nguyễn Chí C và Vũ Việt A, các đối tượng này đã có hành vi cướp tài sản vì C và A đã dùng điếu cày đánh (dùng vũ lực) và dùng dao dí vào cổ T (đe dọa dùng vũ lực) và sau đó bắt giữ H và T nhằm chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng. Do đó cần phải xử lý các đối tượng này về tội Cướp tài sản.

Hoàng Xuân Tâm (Hoàng Mai - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm”. Theo quy định của pháp luật thì tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng có cấu thành vật chất. Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm có dấu hiệu của mặt khách quan không chỉ là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà còn đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó. Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, hành vi bị xem là tội phạm khi nó thực tế gây ra một hậu quả cụ thể thỏa mãn yêu cầu của điều luật quy định về tội phạm đó, giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả. Nếu có hành vi nhưng hậu quả chưa xảy ra, hoặc hậu quả không có mối quan hệ nhân quả với hành vi thì tội phạm coi như chưa hoàn thành. 

Như vậy, căn cứ vào quy định này có thể thấy Nguyễn Chí C, Trịnh Xuân H và Nguyễn Quốc T không phạm tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng vì súng nhựa không thể được sử dụng như vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, trong vụ việc này Trịnh Xuân H và Nguyễn Quốc  T đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của Nguyễn Chí C, do đó hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, hành vi phạm tội của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 2 hành vi khác nhau, đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Ở đây, khi được C nhờ mua khẩu súng K59, H đã liên lạc với T mua súng nhựa với mục đích rõ ràng là để lừa tiền của C rồi chia nhau. Về mặt chủ quan của tội phạm, lỗi của H và T thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp với mong muốn có thể chiếm đoạt được tiền của C. Như vậy, H và T đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo nội dung vụ việc có thể thấy, xuất phát từ việc 2 bên không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán trái phép vũ khí quân dụng (súng K59) giữa C với H và T nên C đã cùng Vũ Việt A uy hiếp, khống chế, đánh T để yêu cầu trả lại số tiền đã mua súng khiến T bị thương tích. Sau đó C và A đã giữ T ở trong quán cà phê của A và yêu cầu T gọi điện cho H mang tiền đến trả thì mới thả. Để xác định hành vi nêu trên của C và A có cấu thành tội phạm hay không, cần căn cứ theo cấu thành cơ bản của tội Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 và cấu thành cơ bản của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo chúng tôi, hành vi nêu trên của C và A không phạm tội Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật. Bởi lẽ, sau khi đánh T chảy máu C và A đã bắt T gọi điện thoại cho H đem tiền đến trả mới cho về. C và A chỉ yêu cầu T vào trong nhà bếp chờ, không có hành vi bắt, ép, trói, buộc… Về hành vi của A dùng điếu cày đánh vào đầu T chảy máu, dùng dao dí vào cổ yêu cầu phải trả số tiền mà C đã mua súng. Theo chúng tôi, đây là hành vi có tính chất côn đồ nên theo khoản i, Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội Cố ý gây thương tích.

Chúng tôi cho rằng, trong vụ việc này C và A không phạm tội Cướp tài sản, vì cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản. Dấu hiệu đặc trưng của tội Cướp tài sản là “người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự, bị tê liệt ý chí phản kháng, tê liệt sự chống cự...”. Ở đây, C và A có hành vi dùng vũ lực nhưng không phải ngay tức khắc làm cho bị hại tê liệt ý chí không thể phản kháng để chiếm đoạt tài sản. Thể hiện ở việc sau khi T bị chảy máu thì C và A đã mua bông băng để băng vết thương. Điều đó chứng tỏ T không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự.

Luật sư Phạm Thái Sơn, Văn phòng luật sư Sơn và cộng sự