Một vụ án đạt “kỷ lục” về xét xử

(ANTĐ) - Vụ kiện đòi chia thừa kế tài sản giữa những người thân trong một gia đình kéo dài 8 năm, với gần chục bản án các loại mà vẫn gây ra nhiều tranh cãi, bởi trong khi giải quyết vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng (VKSND và TAND) luôn có những quan điểm “ngược nhau” nên khó tìm được tiếng nói chung...

Một vụ án đạt “kỷ lục” về xét xử

(ANTĐ) - Vụ kiện đòi chia thừa kế tài sản giữa những người thân trong một gia đình kéo dài 8 năm, với gần chục bản án các loại mà vẫn gây ra nhiều tranh cãi, bởi trong khi giải quyết vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng (VKSND và TAND) luôn có những quan điểm “ngược nhau” nên khó tìm được tiếng nói chung...

Cụ Trương Gia Thành có 2 người vợ, bà cả là Kim Thị Hồng sinh được 1 người con là Trương Thị Hạnh, bà vợ hai là Nguyễn Thị Minh sinh được 2 con tên Trương Gia Hòa và Trương Thị Nhàn. Khi còn sống, cụ Thành mua nhà cho vợ cả ở Hà Đông, còn vợ lẽ sống ở khu Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Lần lượt, 3 cụ Thành, Minh và Hồng qua đời. Khi chết, 3 cụ không để lại di chúc cho các con.

Nghĩ rằng mình là con nên phải được hưởng thừa kế, bà Hạnh  đệ đơn khởi kiện ra TAND huyện Từ Liêm đòi chia thừa kế (ngôi nhà cổ 5 gian trên diện tích 55m2 cùng các công trình phụ nằm trên diện tích đất 423m2) tại xóm Sở, khu Mai Dịch mà ông Hòa đang quản lý, sử dụng. TAND huyện Từ Liêm đã thụ lý vụ án và đưa ra xét xử với quyết định: “Bác yêu cầu đòi chia đất của bà Hạnh. Sau khi thanh toán tài sản của 3 cụ để tính từng phần cho mỗi thừa kế, giao toàn bộ nhà đất cho ông Hòa sở hữu và sử dụng. Ông Hòa có trách nhiệm thanh toán cho bà Hạnh 14.816.000 đồng”.

Điều 637 - Bộ luật Dân sự quy định: di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết (tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người chết) quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế (phải là người sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật, Luật Đất đai).

Không đồng tình với phán quyết của tòa, bà Hạnh làm đơn kháng cáo lên tòa cấp phúc thẩm. TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên y án theo bản án sơ thẩm. Bà Hạnh lại làm đơn khiếu nại và TAND TP Hà Nội ra quyết định kháng nghị bản án Phúc thẩm 223/DSPT này. TAND Tối cao xét xử theo trình tự Giám đốc thẩm và tuyên: Hủy bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội, giao hồ sơ cho tòa này xử lại theo trình tự Phúc thẩm.

Tòa Dân sự Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm lại và ra Bản án số 197, xác định khối tài sản gồm toàn bộ nhà đất và ngôi nhà ngói cổ 5 gian trị giá hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ 25% công duy trì tài sản cho cụ Minh và ông Hòa. Về phần hiện vật, bà Hạnh được sử dụng 84m2, ông Hòa được sử dụng diện tích đất còn lại là 342m2 và chịu trách nhiệm về phần hiện vật ngôi nhà cổ 5 gian.

Vụ việc đến đây chưa dừng lại VKSND Tối cao lại kháng nghị, với lý do: Bà Hạnh đã sinh sống ổn định tại thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ, nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội) hơn 40 năm qua, không có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở. Việc chia tài sản cho bà Hạnh làm xáo trộn cuộc sống của ông Hòa và chỉ nên thanh toán giá trị kỷ phần bà Hạnh được hưởng thừa kế của bố mẹ. Quyết định Giám đốc thẩm số 303 của TAND Tối cao một lần nữa hủy Bản án phúc thẩm số 197 của Tòa Dân sự TAND TP Hà Nội.

Sau một thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ, TAND TP Hà Nội lại xét xử phúc thẩm vụ chia thừa kế này và ra Bản án số 105 xác định: diện tích đất và ngôi nhà ngói cổ 5 gian là của 3 cụ Thành, Minh, Hồng. Sau khi chia các kỷ phần, ông Hòa được sở hữu toàn bộ khu đất, ngôi nhà và phải thanh toán cho bà Hạnh 64.253.582 đồng. án có hiệu lực, ông Hòa đã thi hành án. Nào ngờ, TAND Tối cao lại tiếp tục kháng nghị Bản án phúc thẩm số 105 với lý do: Hiện vật phải được chia cả cho 2 bên, án phúc thẩm chia cho mình ông Hòa là không đảm bảo quyền lợi cho bà Hạnh! Rồi tòa lại xử, lại hủy án…

Là người tham gia bào chữa cho một trong những đương sự của vụ án, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng: “Đây là vụ án chia thừa kế, cho nên trước hết phải xác định di sản thừa kế và những người được thừa kế của cụ Thành, Hồng. Các tài liệu trong hồ sơ cho thấy, cụ Thành và cụ Hồng không có di sản để lại cho các thừa kế. Khi đi kiện, bà Hạnh không xuất trình được chứng cứ bằng văn bản nào chứng minh tài sản trên thuộc quyền sở hữu của cụ Thành, cụ Hồng.

Ngược lại, ông Hòa đã xuất trình nhiều chứng cứ, tài liệu chứng minh nhà và đất tại xóm Sở-Mai Dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ Minh (mẹ ông Hòa). Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, với chính sách nguyên canh, nguyên cư nên Đội cải cách ruộng đất đã giao toàn bộ nhà và đất tại xóm Sở-Mai Dịch cho cụ Minh sở hữu, sử dụng. Các giấy tờ địa chính về thửa đất đang tranh chấp đều đứng tên cụ Minh, không có tài liệu nào nói quyền sở hữu là cụ Thành, cụ Hồng.

Điều 637 - Bộ luật Dân sự quy định: di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết (tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người chết) quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế (phải là người sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật, Luật Đất đai). Với những chứng cứ ông Hòa đưa ra đã chứng minh nhà và đất (426m2) tại xóm Sở thuộc sở hữu riêng của cụ Minh, không phải là di sản thừa kế của cụ Thành, cụ Hồng. Vì vậy, không có cơ sở để chấp nhận đơn chia thừa kế của bà Hạnh!”.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thanh Quang

 (Ghi theo lời kể của LS Nguyễn Hồng Tuyến -  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP Hà Nội)