Truy tố tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Giết người”:
Mong manh ranh giới
(ANTĐ) - Thời gian gần đây, rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử trong đó bị cáo bị truy tố phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, khi tranh luận tại phiên tòa và căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì ranh giới để xác định tội “Cố ý gây thương tích” và “Giết người” lại rất mong manh.
Tòa phán “Giết người”, Viện bảo “Cố ý gây thương tích”
Mới đây, TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Ngô Thị Bính (SN 1963) và Hoàng Ngọc Tuyến (SN 1961), trú tại thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Trước đó ngày
3-2-2007, vợ chồng ông Ngô Văn Hưng (SN 1945) cùng vợ là Ngô Thị Vạn (SN 1947) và cháu là Ngô Văn Hải (SN 1991) đều ở xã Đức Thượng mâu thuẫn với vợ chồng Tuyến, Bính cùng con trai là Phong (tức Kiên, SN 1983). Trong lúc xô xát, Tuyến và Bính dùng dao chém liên tiếp vào đầu ông Hưng. Tại bản Kết luận giám định số 894/C21-P7 Viện KHHS - Bộ Công an kết luận: Ông Hưng thương tật 29,2%, bà Vạn thương tật 26,1% và anh Ngô Văn Hải thương tật 22,9% đều là các thương tích ở vùng đầu do vật sắc tác động… Hoàng Ngọc Tuyến và Ngô Thị Bính sau đó bị truy tố phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Khi vụ án được TAND Hoài Đức đưa ra xét xử, phía bị hại cho rằng, hành vi của Tuyến và Bính là hành vi côn đồ, dùng dao chém 3 người nhà ông Hưng vào vùng nguy hiểm (ở đỉnh đầu, thái dương) gây thương tích nặng. Do vậy, cần phải truy tố 2 bị cáo này phạm tội giết người.
Tương tự, ngày 27-4-2010, TAND huyện Gia Lâm mở phiên tòa xét xử Lê Văn Thắng (SN 1963), Trịnh Việt Cường (SN 1975) và Lê Quang Thịnh (SN 1983), cả 3 bị cáo nguyên là công nhân Công ty Lưới thép Hà Nội phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Theo cáo buộc của cơ quan công tố: Hồi 2008, anh Nguyễn Đình Bài (SN 1961, trú tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) đến nhà Lê Văn Thắng (ở số nhà 78, Dốc Lã, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) để đòi số tiền 120 triệu đồng Thắng nợ từ năm 2001. Do chưa có tiền trả nên anh Bài chửi Thắng và hai bên lao vào đánh nhau.
Thắng đã gọi điện nhờ một số đồng nghiệp đến hỗ trợ (trong đó có Thịnh và Cường). Hậu quả, anh Bài bị Thắng cùng đồng bọn dùng dùi cui và dao chém 11 vết vào người, trong đó, 2 vết chém đặc biệt nguy hiểm, 1 ở đỉnh đầu và 1 vào cổ. Tại Biên bản giám định pháp y số 102/GDPY, ngày 5-3-2008 của Tổ chức Giám định pháp y TP Hà Nội kết luận: Tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Nguyễn Đình Bài là 29%. Còn tại Biên bản giám định số 38/PY-GĐ ngày 25-2-2009, của Viện Pháp y Quân đội kết luận: Tỷ lệ thương tật của anh Nguyễn Đình Bài là 37% tạm thời (trong đó 16% vĩnh viễn).
Khi TAND huyện Gia Lâm đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu nhận định: “Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua việc xét hỏi tranh luận tại tòa, đối chiếu với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX thấy có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội “Giết người” nên kiến nghị với TAND cấp trên xem xét về tội danh đối với 3 bị cáo Thắng, Cường và Thịnh. Liên quan đến vụ án, HĐXX còn khẳng định: “Việc không truy tố Nguyễn Kiều Hưng là bỏ lọt người phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức”… Cuối cùng, vụ án đã bị Tòa phúc thẩm hủy án và điều tra lại từ đầu. Mới đây đưa ra xét xử thì cáo trạng vẫn truy tố các bị cáo này phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Cần phải khách quan
Theo Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng VPLS Tín Việt và Cộng sự (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội): Trong thực tiễn xét xử loại án hình sự liên quan đến việc định tội danh “Giết người” hay tội “Cố ý gây thương tích” còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc định tội danh đối với bị cáo phạm vào tội nào phải hết sức cẩn trọng, nếu không phân biệt được sẽ dẫn đến tình trạng oan sai. Xét về mặt khách quan thì giữa giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích rất giống nhau nhưng về mặt chủ quan thì giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn nạn nhân chết nhưng hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ. Còn cố ý gây thương tích là người phạm tội chỉ muốn gây thương tích cho người khác chứ không muốn làm chết người. Để xác định chính xác ý thức chủ quan này, cơ quan tố tụng phải đánh giá, đối chiếu, phân tích các tình tiết khách quan một cách toàn diện.
Tương tự, hành vi giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người cũng phải phân tích mặt chủ quan để xác định. Các tình tiết khách quan được coi là phương pháp để xác định lỗi chủ quan của người gây án. Chẳng hạn như dùng vật gì phạm tội, mức độ nguy hiểm của vật đó ra sao; cách thức thực hiện tội phạm... Như trong 2 vụ án này, các bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm là dao, chém vào vùng nguy hiểm một cách dã man và bị hại là người cao tuổi như vậy thì nên xem xét và truy tố vào tội giết người mới đúng.
Còn luật sư Trịnh Trực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng: Việc định tội danh cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện một cách khách quan để tránh oan sai. Đồng thời tránh lọt người, lọt tội. Thời gian qua, nhiều hội nghị của ngành Tòa án được tổ chức, thảo luận xoay quanh vấn đề làm sao phân biệt hai tội cố ý gây thương tích và giết người đã được cơ quan chức năng, nhà làm luật đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên đến nay, việc định hai tội này vẫn làm các cơ quan tố tụng không khỏi lúng túng.
Thanh Quang