Mở rộng điều tra toàn diện những dấu hiệu sai phạm Đề án 112

(ANTĐ) - Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra toàn diện các dấu hiệu sai phạm của Đề án "thất bại và lãng phí" hàng tỷ đồng này.

Mở rộng điều tra toàn diện những dấu hiệu sai phạm Đề án 112

(ANTĐ) - Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra toàn diện các dấu hiệu sai phạm của Đề án "thất bại và lãng phí" hàng tỷ đồng này.

Bắt tạm giam 8 cán bộ

Ông Lương Cao Sơn - cán bộ Văn phòng Chính phủ, thư ký BCĐ điều hành Đề án 112
Ông Lương Cao Sơn - cán bộ Văn phòng Chính phủ, thư ký BCĐ điều hành Đề án 112

Tối 13-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố, khám xét và bắt tạm giam ông Vũ Đình Thuần - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, được ban hành tại Quyết định số 112/2001 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 112).

Ngoài ông Thuần, CQĐT còn thực hiện lệnh bắt tạm giam thêm 7 cán bộ liên quan gồm: Lương Cao Sơn - cán bộ Văn phòng Chính phủ, thư ký Ban chỉ đạo điều hành Đề án 112; Hoàng Đăng Bảo - chuyên viên Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Đức Giao - Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp - Bộ Tư pháp; Bùi Duy Hồng - Phó trưởng Phòng Kế hoạch Nhà xuất bản Tư pháp; Nguyễn Thị Phương Hoa và Nguyễn Thị Minh Thiệu, là hai Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát hành sách - Bộ Văn hóa Thông tin; và Ngô Thị Nhâm - Phó trưởng Phòng Kinh doanh Tổng Công ty Phát hành sách).

Ông Vũ Đình Thuần và 7 cán bộ trên bị khởi tố, bắt giam về các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp tục mở rộng điều tra toàn diện

Ông Vũ Đình Thuần - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban điều hành Đề án 112
Ông Vũ Đình Thuần - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban điều hành Đề án 112

Đề án 112 là Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước đầu tiên ở nước ta trong bối cảnh cải cách hành chính mới đang ở giai đoạn bắt đầu (năm 2001).

Mục tiêu của Đề án được đặt ra với nhiều kỳ vọng: Góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước; góp phần làm chuyển biến nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức về ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước nói riêng.

Tuy nhiên, nguyên nhân thất bại lớn nhất là không có sự phối hợp chặt chẽ  giữa chương trình  Cải cách hành chính Nhà nước và Đề án 112.

Đề án 112 là một đề án lớn và quan trọng lại được giao cho Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ do một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Trưởng ban Điều hành triển khai thực hiện; việc điều hành đề án thực chất là Ban Thư ký giúp việc.

Quốc hội đã chỉ rõ thất bại của Đề án 112

Từ cuối năm 2005 đến nay, theo quy định, Đề án 112 đã hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, công tác tổng kết, đánh giá đã không được thực hiện đúng tiến độ nên không những Đề án không được tiếp tục triển khai cho giai đoạn tiếp mà còn làm cho một số dự án CNTT quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng.

Tháng 3-2007, ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XI đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Đề án 112 gửi ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo chỉ rõ những tồn tại của các Bộ, ngành địa phương theo 5 mục tiêu cụ thể của Đề án 112 như sau: Về mục tiêu “Xây dựng các hệ thống tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, phục vụ trực tiếp các công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước”.

Đến thời điểm này, một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành theo đúng nghĩa thì chưa nơi nào có được. Đường truyền các mạng  nội  bộ tốc độ thấp. Theo báo cáo của một số địa phương, các mạng này chưa đáp ứng được công tác phục vụ điều hành của đơn vị cũng như chưa có sự tương thích giữa phần cứng và phần mềm của hệ thống.

Một tồn tại khác trong xây dựng giao diện là các trang thông tin điện tử chưa thiết kế theo một chuẩn nhất định về hình thức cũng như nội dung thông tin.

Theo quy định, Ban Điều hành Đề án 112 chỉ được quyền thẩm định  các vấn đề về kỹ  thuật, công nghệ phù hợp với những mục tiêu của Đề án để giúp các Bộ, ngành phê duyệt đề án của mình.

Điều đó có nghĩa Ban Điều hành Đề án 112 không có quyền thẩm định các dự án, càng không có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của các dự án. Nhưng thực tế, Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ đã tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn Ban Điều hành Đề án 112 các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, trái với quy định của Nhà nước.

Ban Điều hành Đề án 112 đã không có mối quan hệ hợp tác phù hợp với BCĐ Quốc gia về CNTT và Bộ Bưu chính - Viễn thông. Do vậy Đề án đã không được đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời. Tình trạng “Mạnh ai xin phê duyệt được thì làm, không những không liên kết thành một hệ thống mà còn không tận dụng được nguồn lực vốn đã rất mỏng trên lĩnh vực này”, đã gây ra thất thoát, lãng phí lớn. Đáng chú ý là tồn tại về kinh phí và phân cấp đầu tư cho Đề án.

Trong quá trình chỉ đạo, Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ không định được khung chuẩn của các hệ thống tin học hoá của các Bộ, ngành, địa phương. Việc này dẫn đến sự đầu tư tuỳ tiện, có nơi đầu tư lớn,  không chú trọng đúng mức tới hiệu qủa đầu tư, gây thiệt  hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Được biết, ông Vũ Đình Thuần  cùng 7 cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam vì có sai phạm tại các dự án in ấn tài liệu, giáo trình và mua bản quyền phần mềm, các chương trình tin học của Đề án 112. Thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra toàn diện các dấu hiệu sai phạm của Đề án “thất bại và lãng phí” này.

Nhóm PV Nội chính