Mì chính lậu: Hiểm họa lớn, “yếu” phòng ngừa

(ANTĐ) - Mì chính nhập lậu vào Việt Nam thường được sử dụng cho 2 ý đồ; tiêu thụ cho những người “ham” hàng rẻ (dưới dạng sản phẩm không rõ nguồn gốc), hoặc để... chế biến giả theo những thương hiệu mì chính đã có thương hiệu. Nguy cơ đối với người tiêu dùng khi sử dụng phải mì chính giả rất cao, nhưng công tác phòng ngừa, kiểm soát mặt hàng này lại còn nhiều điều phải bàn.

Mì chính lậu: Hiểm họa lớn, “yếu” phòng ngừa

(ANTĐ) - Mì chính nhập lậu vào Việt Nam thường được sử dụng cho 2 ý đồ; tiêu thụ cho những người “ham” hàng rẻ (dưới dạng sản phẩm không rõ nguồn gốc), hoặc để... chế biến giả theo những thương hiệu mì chính đã có thương hiệu. Nguy cơ đối với người tiêu dùng khi sử dụng phải mì chính giả rất cao, nhưng công tác phòng ngừa, kiểm soát mặt hàng này lại còn nhiều điều phải bàn.

Tang vật, đối tượng vụ sản xuất mì chính giả bị phát hiện
 Tang vật, đối tượng vụ sản xuất mì chính giả bị phát hiện

Những nẻo đường... mì chính lậu

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, đầu năm 2009, những chuyên án trinh sát lớn về hàng lậu, hàng giả mà lực lượng Cảnh sát kinh tế hay Quản lý thị trường khám phá đều liên quan đến các ổ nhóm, đường dây tiêu thụ mì chính. Trong số này phải kể đến vụ lực lượng Cảnh sát môi trường và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt quả tang 1 xe tải chở trên 400 bao mì chính ngày 10-6. Mỗi bao mì chính có trọng lượng 25kg và tổng trọng lượng của số hàng lên đến 11 tấn. Không giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vậy mà 11 tấn mì chính trên đã ung dung “lọt” từ Quảng Ninh về Hà Nội; và theo tài liệu trinh sát, nếu không bị ngăn chặn, từng ấy sản phẩm sẽ được đưa về các kho hàng để chuyển đến các chợ dân sinh, hiệu tạp hóa và đến... bếp ăn của người dân.

Hiện tượng mì chính nhập lậu đặc biệt gia tăng từ cuối năm 2008, đầu năm 2009. Và chính từ thời điểm này, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương đã có công văn “cảnh báo” gửi đến các Chi cục Quản lý thị trường địa phương. Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh... tuyến biên giới nào cũng “nóng” về tình trạng nhập “chui” mì chính. Một trinh sát đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội cho biết, nếu nhập theo đường chính ngạch, mì chính phải thực hiện đầy đủ thủ tục hải quan, có chứng nhận hàng hóa đảm bảo ATVSTP theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, một lượng rất lớn so với sản phẩm nhập chính ngạch đã và đang được tuồn vào Việt Nam theo dạng “xách tay”. Ngoài mì chính được đóng gói trong bao tải, lực lượng chức năng còn phát hiện, thu giữ cả những sản phẩm nhập lậu có nhãn mác, bao bì giống hệt sản phẩm đã có thương hiệu. Điều này cho thấy, đối tượng làm hàng giả đã tập trung vào mặt hàng mì chính và không loại trừ việc hình thành các đường dây sản xuất mì chính giả từ bên kia biên giới rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Đã và đang có những cách làm thiếu chặt chẽ, triệt để trong “cuộc chiến” với mì chính giả và mì chính lậu. Trung tá Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội Chống hàng giả, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV CATP Hà Nội cho biết: “Trong tất cả các vụ sản xuất bột canh, mì chính giả bị phát hiện đến nay tại Hà Nội, đối tượng bị phát hiện khai nhận thường sử dụng nguyên liệu chính là mì chính nhập lậu để sản xuất hàng giả”.

1 mẫu mì chính lậu bị thu giữ
1 mẫu mì chính lậu bị thu giữ

Số vụ việc liên quan đến mì chính giả bị lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ thời gian qua khá nhiều, nhưng đó mới chỉ là “phần ngọn”, và thực tế đã có  không ít vụ vận chuyển, buôn bán mì chính giả “qua mặt” được cơ quan chức năng. Một yêu cầu thiết yếu đặt ra trong mỗi chuyên án xử lý hành vi kinh doanh mì chính giả, là đầu vào - đầu ra của sản phẩm ấy, thường không đạt được. Mì chính không rõ nguồn gốc bị thu giữ, quy trình xử lý giống như mọi sản phẩm bị làm giả khác: tiêu hủy! Động thái này có phần vội vã; bởi rất cần được giám định chất lượng thành phần, độ độc hại, để từ đó công bố rộng rãi cho người dân.

Thiếu sâu sát, quyết liệt cũng là biểu hiện trong công tác quản lý ở nhiều chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng hiện nay. Đến những khu chợ tại Hà Nội, từ chợ Đồng Xuân đến các chợ “cóc”, không quá khó để tìm mua được mì chính dưới dạng cân, bao tải. Người bán không ngần ngại nói nguồn gốc mì chính ấy ở đâu ra, nhưng vẫn bán được, bởi nó quá rẻ so với sản phẩm cùng loại đã có thương hiệu trong nước. Chợ nào cũng có ban quản lý, có cán bộ ngành hàng, vậy mà vẫn có cả mì chính không nguồn gốc.

Đáng lo không kém là “nạn” sản xuất mì chính ở một số vùng ngoại thành. Đơn cử như xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. Trước khi đối tượng Đinh Thị Dân, SN 1969, nhà ở xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm bị bắt giữ về hành vi sản xuất mì chính giả; đã có không biết bao nhiêu cuộc họp, ký cam kết giữa xã với người dân về chủ đề “Nói không với hàng giả”. Nhưng xem ra, việc chấp hành của một bộ phận người dân vẫn chưa đạt được. Lỗi ý thức của người dân đáng phê phán, song cùng với đó là năng lực của cán bộ cơ sở. Không “nói” được người dân, xã cũng rất ít khi bắt quả tang hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, cho dù bộ máy chính quyền cơ sở đủ để cho phép họ thực hiện một cách hiệu quả điều đó.

Hoàng Quân