Mẹ con tôi có nguy cơ ra đường

ANTD.VN - Hỏi: Bố mẹ chồng tôi có 5 người con, có nhà đất và ở cùng vợ chồng tôi trên nhà đất này. Chồng tôi mất năm 1998, sau đó bố mẹ chồng tôi cũng lần lượt qua đời vào các năm 2003 và 2009. Trước khi mất, ông bà không lập di chúc nhưng những ngày còn sống bố mẹ chồng tôi luôn nói khi nào các cụ mất đi thì nhà đất sẽ thuộc quyền sử dụng của 3 mẹ con tôi. Mới đây, một số anh chị em bên chồng tôi đòi chia tài sản thừa kế. Vậy việc này có phù hợp quy định của pháp luật không?Trần Bích Ngọc (Đống Đa - Hà Nội)    

Luật sư Giang Hồng Thanh

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành là Bộ luật ban hành năm 2005, nếu người có tài sản chết mà không để lại di chúc thì tài sản đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy có thể khẳng định là mặc dù bố mẹ chồng của chị luôn nói rằng khi nào các cụ mất đi thì sẽ cho ba mẹ con chị nhà đất của các cụ mà chị đang ở nhưng đó chỉ là lời nói nên không có giá trị pháp lý. Ý chí đó của bố mẹ chồng chị sẽ chỉ được công nhận nếu nó được thực hiện theo quy định của pháp luật về việc lập di chúc.

Luật cũng quy định di chúc có thể được lập bằng miệng, nhưng di chúc bằng lời nói chỉ trở thành hợp pháp nếu người để lại tài sản thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Tiếp đến là trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người để lại tài sản dùng lời nói thể hiện ý chí cuối cùng của mình thì bản di chúc được những người làm chứng ghi chép lại phải được công chứng hoặc chứng thực tại văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã, phường hay thị trấn. Do đó, đối với trường hợp của chị, di sản mà bố mẹ chồng chị để lại phải chia thừa kế theo pháp luật.

Theo đó, Điều 676 - Bộ luật Dân sự 2005 quy định, những người thừa kế theo pháp luật là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại tài sản sau khi chết.

Trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không còn thì di sản của người chết được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai là: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại...

Về quyên tắc, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang bằng nhau. Và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản...

Từ quy định này của Bộ luật Dân sự nên một số anh chị em của chồng chị hoàn toàn có quyền yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia di sản của bố mẹ chồng chị, trong đó có nhà, đất mà hiện nay chị và các con đang ở. 

Khi thực hiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, tòa án sẽ xem xét tới quyền thừa kế của các con chị. Bởi mặc dù chồng chị đã mất nhưng theo quy định tại Điều 677 về thừa kế thế vị thì các con chị có quyền được hưởng kỷ phần di sản tương ứng mà chồng chị được hưởng nếu còn sống.

Bên cạnh đó, các con của chị cũng có quyền yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia di sản của bố mẹ chồng chị đối với những di sản mà anh chị em của chồng chị đang quản lý, sử dụng.