Mạo danh quấy rối doanh nghiệp: Ngày càng trắng trợn

ANTĐ - Có thể nói tình trạng mạo danh các tổ chức để quấy rối hoạt động doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi hoặc chiếm đoạt tài sản mỗi ngày một phức tạp hơn. Nhưng để ngăn chặn tệ nạn này lại không dễ. 
Mạo danh quấy rối doanh nghiệp: Ngày càng trắng trợn ảnh 1

Không thể nói khác được, các doanh nghiệp trong nước nhờ có nhiều sự hỗ trợ của chính sách đã có phát triển, tuy nhiên vẫn còn gặp vô vàn khó khăn. Ngoài những khó khăn về vốn, về lao động, về thị trường, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua là sự quấy nhiễu của các cá nhân, tổ chức mạo danh các cơ quan quản lý Nhà nước, mạo danh các hội nghề nghiệp, các tổ chức công, thậm chí mạo danh doanh nghiệp để quấy rối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chí ít cũng gây phiền nhiễu cho hoạt động của các doanh nghiệp. Hành vi tổ chức Hội thảo lừa tại khách sạn Intercontinental (TP Hồ Chí Minh) là vụ việc nóng hổi.

Ngày càng trắng trợn

 Những ngày đầu tháng 9-2015, rất nhiều các doanh nghiệp từ Đà Nẵng trở vào phía Nam nhận được qua đường bưu điện hoặc gửi vào Web site của doanh nghiệp bộ tài liệu thông qua hình thức “Hội thảo kinh tế - bất động sản mang tầm quốc gia” với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa”. Trong các bảng “kế hoạch” này có ghi đơn vị tổ chức hội thảo trên là HoREA, với địa điểm tổ chức tại “Khách sạn Intercontinental -TP.HCM” vào ngày 16-9.

Với các doanh nghiệp lớn, bộ tài liệu còn gửi kèm “kế hoạch truyền thông tại Hội thảo của doanh nghiệp, ví dụ kế hoạch truyền thông cho Novaland (Tập đoàn Novaland), kế hoạch truyền thông cho BCCI (Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Chánh). Đáng chú ý là tài liệu ghi rõ: đơn vị tổ chức hội thảo trên là Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA). Bộ tài liệu yêu cầu đăng ký dự hội thảo, phê duyệt kế hoạch truyền thông.

Dĩ nhiên là kèm theo đó là kinh phí dự hội thảo, kinh phí truyền thông và đề nghị tài trợ. Trong tài liệu, các “tác giả” còn sáng tác danh sách có nhiều quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước tới dự hội thảo. 

Rất may mắn, nhiều doanh nghiệp đã báo cho HoREA. Lãnh đạo hiệp hội ngơ ngác. Chưa bao giờ có ý định và chưa bao giờ lập kế hoạch hội thảo này và càng chưa bao giờ gửi tài liệu cho các doanh nghiệp hội viên cũng như DN kinh doanh bất động sản về hội thảo này. Ngày 9-9, ngay sau khi nhận được tin, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn gửi nhiều tổ chức, doanh nghiệp cảnh báo vụ việc có dấu hiệu lừa đảo này. Công văn của HoREA nêu rõ hiệp hội này không tổ chức sự kiện trên.

HoREA cảnh báo các thành viên của hiệp hội cũng như các khách hàng của những công ty bất động sản cần cảnh giác trước  những thông tin mập mờ về các hội thảo, sự kiện trong ngành để tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo đã thất bại. Hội thảo không diễn ra. 

Mới đây nhất, ngày 10-9, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng một số tổ chức, cá nhân mạo danh cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thực hiện giao dịch, trao đổi thông tin. Công văn đăng trên Website của cục này nêu rõ: Thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân mạo danh Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương hoặc các hiệp hội, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để gọi điện, gửi email... gây khó khăn cho một số tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo cục này, gần đây có vụ việc một công ty trong lĩnh vực điện thoại di động phản ảnh họ đã nhận được email từ một địa chỉ tự xưng là người của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, nhằm đạt mục đích cá nhân.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết địa chỉ đó không phải địa chỉ email của cục hoặc của bất kỳ một tổ chức xã hội nào tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng thận trọng trước những thông tin mạo danh nêu trên.

Đó mới là tình trạng mạo danh trong nước. Tháng 5-2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời đăng trên Web của VCCI. Nội dung văn bản nhấn mạnh: Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của nhiều doanh nghiệp về việc VCCI có thư mời số 0396/ PTM-CN ngày 3-4-2015 tham dự chương trình “Diễn đàn thu hút đầu tư và phát triển tại Mỹ và Cuba” dự kiến tổ chức vào ngày 1 đến 12-6-2015.

Qua tìm hiểu, việc tổ chức đoàn này không do các đơn vị chuyên môn của VCCI tổ chức và thư mời đó chỉ là mạo danh, văn bản trên không do VCCI phát hành. VCCI cũng sẽ thông báo tới các cơ quan hữu quan của Việt Nam, Hoa Kỳ và Cuba để lưu ý khi xử lý thông tin, tránh các vấn đề phát sinh không hay cho doanh nghiệp từ việc giả mạo này.

Mạo danh để lừa đảo

Ngày 3-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Công văn số 1711 - CV/BTGTU về việc tình trạng mạo danh cơ quan, tổ chức để bán sách, tài liệu. Công văn nêu rõ, thời gian qua, có tình trạng một số đối tượng giả danh là cán bộ, công chức của các cơ quan Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, giả danh cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh và các địa phương để yêu cầu (kể cả thông qua điện thoại), thậm chí có hành vi dọa dẫm để chèo kéo phải mua các loại sách, tài liệu. Trước tình trạng trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông báo: Hành vi trên là lừa đảo, giả mạo, lợi dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để trục lợi. 

Ngày 6-8, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố trên các báo chí, đài truyền hình văn bản cảnh báo. Văn bản ghi rõ: Tại khu vực phía Nam gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ để lừa đảo tiền. Các đối tượng mạo danh trực tiếp liên hệ, gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cho các doanh nghiệp thông báo nội dung: “Nhãn hiệu của doanh nghiệp hiện đang có cá nhân, tổ chức khác nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu quý doanh nghiệp không tiến hành thủ tục đăng ký, Cục sẽ cấp giấy chứng nhận cho cá nhân, tổ chức kia”.

Từ đó, các đối tượng hù dọa để ép doanh nghiệp phải ký hợp đồng dịch vụ đăng ký nhãn hiệu với chi phí rất cao. Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Đơn vị này không có chủ trương, cũng như không cử cán bộ trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp về đăng ký sở hữu công nghiệp. 

Có thể nói tình trạng mạo danh các tổ chức để quấy rối hoạt động doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi hoặc chiếm đoạt tài sản mỗi ngày một phức tạp hơn. Nhưng để ngăn chặn tệ nạn này lại không dễ. 

“Chờ được vạ thì má sưng”

Theo nhiều chuyên gia, việc mạo danh các tổ chức gây rối hoạt động của các doanh nghiệp có những nguyên nhân nằm ngay trong thể chế của nền kinh tế. Chúng ta chưa có một nền kinh tế thị trường thật sự. Vai trò của các tổ chức quản lý Nhà nước và các tổ chức công khác đối với doanh nghiệp nhiều khi quá lớn. Chúng ta lại chưa có một hành lang pháp luật công minh để các doanh nghiệp chỉ cần hoạt động theo đúng luật là đủ. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức công nhiều khi quyết định thành bại trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể ví dụ, chỉ cần một ý kiến của một cơ quan quản lý Nhà nước, thậm chí chỉ là một gợi ý, một doanh nghiệp có thể trúng thầu hoặc không trúng thầu trong một cuộc đấu thầu. Các Hiệp hội tuy là tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng các cơ quan Nhà nước lại giao cho họ nhiệm vụ điều phối thị trường và với quyền lực đó, họ có thể cho vào cũng có thể đưa ra khỏi địa hạt một doanh nghiệp nào đó không vừa mắt với họ. Kiện cáo thì lâu và nếu có được vạ… thì má đã sưng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ mới nghe thấy tên tổ chức đã run bắn lên và không còn hồn vía đâu đi xác minh. Đây chính là điều kiện để tệ nạn mạo danh phát triển. 

Xem xét kỹ, chúng ta dễ dàng nhận thấy các hành vi mạo danh tổ chức, như các ví dụ trên, chính là của các doanh nghiệp truyền thông. Hiện nay, tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, các doanh nghiệp truyền thông mọc lên ngày càng nhiều. Bên cạnh mặt tích cực đã để lại những hệ lụy khiến dư luận xã hội rất quan tâm. Một số công ty truyền thông mặc dù năng lực yếu kém, vẫn duy trì hoạt động với cách làm ăn gian dối, khiến không ít doanh nghiệp bị mắc lừa.

Không những mạo danh các đơn vị có uy tín, tên tuổi, có trường hợp còn giả mạo cả con dấu đi hù dọa doanh nghiệp để thu lợi. Đặc biệt, trong thời gian qua không ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền thông đã trắng trợn “ăn theo” nhiều chương trình, sự kiện của các tổ chức truyền thông lớn để khai thác và đánh lừa các doanh nghiệp nhằm kiếm tiền bất chính, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín  của các tổ chức công cũng như các doanh nghiệp. 

Chính vì vậy, giải pháp để ngăn chặn tình trạng mạo danh tổ chức quấy rối doanh nghiệp là cần xây dựng một hệ thống các quy định pháp luật công minh và có khả năng điều chỉnh chi tiết cụ thể. Đi cùng nó cần phải có thái độ cũng như hành vi ứng xử của mọi tổ chức quản lý Nhà nước và các tổ chức công theo đúng luật. Mặt khác, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần nghiêm khắc với các tội phạm mạo danh, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động doanh nghiệp.