"Mạnh tay" xử lý nhiều cơ sở kinh doanh "bóng cười"

ANTD.VN - Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của thành phố, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức rà soát địa bàn, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở kinh doanh "bóng cười".

Đã có 23 cơ sở ở quận Đống Đa bị phạt với tổng số tiền lên đến gần 100 triệu đồng, tuy nhiên hầu hết các cơ sở đều tái vi phạm.

Rà kỹ địa bàn, phát hiện xử lý vi phạm

Trên địa bàn quận Đống Đa, các quán cà phê, bar, karaoke bán “bóng cười” tập trung nhiều tại các tuyến phố như Xã Đàn, Đê La Thành... Qua công tác điều tra cơ bản, CAQ Đống Đa xác định có 25 cơ sở kinh doanh có biểu hiện lén lút hoạt động bán “bóng cười”.

Các bình bóng cười được xếp tại một kho trong quán cà phê ở phố Xã Đàn

Thực hiện các kế hoạch của thành phố về “Tập trung tổng kiểm tra, rà soát, điều tra cơ bản, phòng ngừa phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến “bóng cười”, “shiha”, “cỏ mỹ”, “tem giấy”, CAQ Đống Đa đã chủ động nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng, cơ sở kinh doanh, tập trung tuyên truyền, kiểm tra xử lý.

Đến tháng 5-2019, CAQ Đống Đa đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với công an phường tổ chức ký cam kết đến 100% cơ sở kinh doanh có điều kiện, phát sinh hoạt động kinh doanh khí N20 dưới dạng “bóng cười”.

Cùng với đó, CAQ Đống Đa đã phối hợp với chính quyền cơ sở, các khu dân cư tổ chức tuyên truyền cho người dân và thanh thiếu niên biết về tác hại của “bóng cười”. Đặc biệt, tại các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn 21 phường, CAQ Đống Đa đã lồng ghép các nội dung về nhận biết tác hại của “bóng cười”, góp phần để các em học sinh tránh không sử dụng thứ “đồ chơi” độc hại này.

Song song với đó, hàng ngày, vào khoảng 21h tối, Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Đống Đa phối hợp với Đội QLTT số 2, Cục QLTT Hà Nội và Công an các phường tiến hành kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh nước giải khát, cà phê, quán bar trên địa bàn.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra tại 25 cơ sở có dấu hiệu kinh doanh “bóng cười”. Qua kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính đối với 23 cơ sở kinh doanh về các lỗi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có giấy phép kinh doanh hàng hóa hạn chế, với tổng số tiền phạt hơn 97 triệu đồng, thu giữ 93 bình khí N20.

Xử lý nghiêm vi phạm

Trong số các cơ sở kinh doanh “bóng cười” bị xử lý, có những quán bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái vi phạm như quán cà phê ở 274 phố Xã Đàn. Mới đây, ngày 4-6-2019, cơ quan chức năng đã phát hiện tại cơ sở này 3 bình khí N2O nặng 24 kg, lập biên bản xử phạt 10,5 triệu đồng về 2 lỗi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và không có giấy phép kinh doanh hàng hóa hạn chế.

Trước đó, cơ sở kinh doanh này cũng đã bị CAP Phương Liên lập biên bản xử phạt hành chính 6 triệu đồng cũng về 2 lỗi trên.... Hay tại địa chỉ quán cà phê “Halo” ở phường Nam Đồng; quán “The Ball” ở phường Láng Thượng, cũng là những nơi thường xuyên tái vi phạm.

Theo Đại úy Ngô Vũ Tùng, Đội phó Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Đống Đa: “Trong số 23 cơ sở kinh doanh “bóng cười” bị xử phạt hành chính, có cơ sở tái phạm bị xử lý đến 2-3 lần. Có thể lý giải nguyên nhân các cơ sở kinh doanh tiếp tục vi phạm là do lợi nhuận “khủng” của loại hàng hóa này. Trong quá trình lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xử lý “bóng cười”, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Các chủ cơ sở và nhân viên có nhiều biện pháp tinh vi để che giấu việc bán bóng cười, đối phó với cơ quan chức năng. Thậm chí, có trường hợp vừa bị lập biên bản xử lý hôm nay, hôm sau lại tiếp tục bán bóng cười... Các chủ cơ sở chấp nhận bị phạt nếu “không may” bị cơ quan chức năng ”sờ gáy””.

Trước việc kiên quyết xử lý với mức phạt cao, nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn tái vi phạm, CAQ Đống Đa đã chỉ đạo các đơn vị công an phường chủ động tổ chức kiểm tra, bám địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, hàng tháng có báo cáo cập nhật tình hình các cơ sở kinh doanh “bóng cười” trên địa bàn, để CAQ phối hợp xử lý.

Cùng với đó, CAQ Đống Đa đã có văn bản gửi các trường học trên địa bàn, kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền giám sát đối với học sinh, sinh viên có dấu hiệu buôn bán, sử dụng “bóng cười”. Nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên đối với tác hại của việc sử dụng “bóng cười”. Khi phát hiện các hành vi bán “bóng cười” trong nhà trường, đề nghị báo ngay cho Đội Cảnh sát kinh tế để phối hợp giải quyết.