Mạnh tay chặn đứng "ma men" cầm lái đâm chết người

ANTD.VN - Chỉ chưa đầy một tháng, liên tiếp nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn thành phố. Gần như tất cả, những vụ TNGT này đều có những điểm chung, đó là xảy ra vào ban đêm, lái xe uống rượu bia, điều khiển phương tiện với tốc độ rất cao trước khi gây tai nạn và bỏ trốn.

Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội vừa được CATP Hà Nội sơ kết, trong đó nhấn mạnh vào nhiều kết quả đã đạt được trên lĩnh vực đảm bảo TTĐT, TTATGT. Tiếp nối những thành tích đó, việc Phòng CSGT CATP Hà Nội xây dựng Kế hoạch số 69 tập trung xử lý nghiêm 4 lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT, trong đó đặc biệt chú ý đến lỗi lái xe sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện.

Những đêm “tử thần” ngồi trên xe

Dù sự việc xảy ra đã hơn nửa tháng nhưng hàng triệu tấm lòng, trái tim lương tri khi nhắc đến vẫn không khỏi nhói đau trước cái chết tức tưởi của chị Lê Thị Thu Hà, nữ công nhân môi trường đô thị. Với đặc thù công việc, chị Hà thường xuyên phải làm đêm những mong sau ca trực, buổi sáng hôm sau người dân Thủ đô bừng dậy trong khung cảnh gọn gàng, sạch đẹp của phố phường. Vậy nhưng, đêm 22-4, lại là đêm định mệnh đối với chị, khi đối tượng Đỗ Xuân Tuyên trong cơn say điên cuồng điều khiển xe gây tai nạn liên hoàn, trong quá trình bỏ chạy đã gây ra cái chết thương tâm cho chị Hà. Nhắc đến gia cảnh của người nữ công nhân môi trường, trong đám tang của chị, những dòng người đến viếng không khỏi xót thương. Chỉ trong phút chốc, chỉ vì “ma men” cầm lái đã khiến người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, con thơ mất mẹ…

Vụ tai nạn khiến nữ công nhân môi trường tử vong tại chỗ do lái xe ô tô uống rượu, bia đã gây phẫn nộ rất lớn cho người dân, các cơ quan chức năng 

Trong khi những bức xúc, phẫn nộ của người dân và cơ quan chức năng chưa kịp lắng xuống thì lại thêm một lần nữa bùng lên dữ dội. Vụ tai nạn kinh hoàng trong hầm Kim Liên đêm 1-5 đã khiến chị Đinh Thị Hải Yến và chị Trần Thị Quỳnh khi đó đang điều khiển xe máy bị tử vong tại chỗ. Lái xe gây tai nạn nghiêm trọng là Lê Trung Hiếu. Thời điểm gây tai nạn, lái xe này đã điều khiển xe với tốc độ rất cao, khi đâm trực diện vào chiếc xe máy, khiến hai nạn nhân tử vong tại chỗ, đối tượng Hiếu còn tăng ga bỏ chạy.

Có quá nhiều những điểm chung từ hai vụ tai nạn nghiêm trọng trên. Đối tượng gây tai nạn đều là nam giới điều khiển xe ô tô trong tình trạnh đã uống khá nhiều bia, rượu từ trước đó. Nạn nhân trong những vụ tai nạn này đều là phụ nữ, là những người mẹ và đặc biệt, gia cảnh của họ vô cùng khó khăn, éo le. Cả hai lái xe Đỗ Xuân Tuyên và Lê Trung Hiếu đều khai nhận có thời gian cầm vô lăng tương đối dài. Tuy nhiên, họ đã bị rượu, bia làm cho gục ngã trước khi ngồi trên vô lăng đâm ngã gục nhiều người khác khiến họ tử vong.

Lái xe gây tai nạn khai nhận có uống nhiều rượu, bia và gây tai nạn liên hoàn trước khi gây tai nạn chết người cho nữ công nhân môi trường

Tiếp xúc với các cán bộ làm công tác khám nghiệm hiện trường ở cả hai vụ tai nạn giao thông trên, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu và thở dài đầy ngao ngán, phẫn nộ. Đối với những cán bộ làm công tác khám nghiệm điều tra xử lý TNGT, thì những vụ TNGT liên hoàn đặc biệt là do lái xe uống rượu, bia luôn để lại nỗi ám ảnh rất lớn. Ô tô luôn được xem như là nguồn nguy hiểm cao độ. Khi lái xe không đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện thì chiếc ô tô đó sẽ biến thành một “quả bom” đúng nghĩa có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào, và thiệt hại gây ra là không thể lường trước được. Hiện trường của cả hai vụ tai nạn trên đều có những đặc điểm giống nhau, đó là không biết cơ man nào là mảnh vỡ, là máu, là sự lộn xộn, là nỗi ám ảnh cho tất cả những ai chứng kiến, có mặt khi đó, bởi hậu quả quá khủng khiếp do “ma men” gây ra.

Phòng ngừa hiệu quả, xử nghiêm vi phạm

Qua 1 năm thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội, thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho thấy, không chỉ số điểm ùn tắc giao thông giảm, mà số vụ TNGT còn giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố đã giảm, đặc biệt trong giờ cao điểm sáng, chiều (giảm từ 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông xuống 33 điểm). Cùng với đó, xảy ra 410 vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên, làm 430 người chết, 137 người bị thương (so với cùng kỳ giảm 59 vụ, giảm 55 người chết, giảm 37 người bị thương). Những thành tích, kết quả trên đã minh chứng rõ ràng nhất về sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả, tổng lực của lực lượng CSGT cũng như Công an các quận, huyện và thị xã trong việc thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội.

Trong khi những nỗ lực của CATP Hà Nội không ngừng nghỉ nhằm chống ùn tắc và kéo giảm TNGT, thì những yếu tố khách quan khác có nguy cơ tiềm ẩn nảy sinh ùn tắc và TNGT vẫn không ngừng gia tăng, tác động đến công tác, nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô của lực lượng CSGT. Đó là hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện; và đặc biệt là ý thức của một bộ phận không nhỏ lái xe vẫn chưa được nâng cao, thậm chí trong nhiều trường hợp còn coi thường, chống đối pháp luật dưới nhiều hình thức, biểu hiện khác nhau.

Các vụ TNGT nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia đều để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản

Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố xảy ra 227 vụ TNGT nghiêm trọng trở lên, làm 242 người chết, 52 người bị thương (So với cùng kỳ tăng 3 vụ, tăng 8 người chết, giảm 32 người bị thương). Đặc biệt, xảy ra 13 vụ TNGT liên hoàn, làm 12 người chết, 22 người bị thương, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Qua phân tích, đánh giá cho thấy, thời gian xảy ra các vụ TNGT nêu trên tập trung vào khung giờ từ 12h đến 24h. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi như chạy quá tốc độ quy định, đi sai phần đường…, một số trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra trong hơi thở/máu có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi tham gia gia thông. Đặc biệt, đây lại là những vụ TNGT có hậu quả nặng nề, gây ra những bức xúc, lo lắng, hoang mang cho nhân dân.

Trong khi cơ quan chức năng có liên quan, người dân, đặc biệt là cư dân mạng đang hô hào kêu gọi các lái xe đã uống rượu, bia thì không được lái xe, thì Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 69 tập trung xử lý nghiêm đối với các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT gồm: Vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi điều khiển phương tiện; Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định;  Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; Đi không đúng phần đường, làn đường quy định. Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT, CATP Hà Nội khẳng định: Xử lý tổng thể, tập trung 4 lỗi trên, trong đó xoáy sâu vào lỗi vi phạm rươu, bia, ma túy.

Chỉ sau ít ngày nữ công nhân môi trường bị tử vong do tai nạn, 2 phụ nữ  khác cũng bị lái xe ô tô say rượu, bia đâm tử vong tại chỗ ở hầm Kim Liên 

Lâu nay, dù CSGT đã tăng cường xử lý nhưng mới chỉ đề cập ở góc độ khá hẹp trong việc kiểm tra các lỗi giao thông trên. Tuy nhiên, lần này, sự ra đời của Kế hoạch với sự kết hợp nhuần nhuyễn, trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ huy Phòng CSGT, Phòng CSĐTTP về ma túy, Phòng Kỹ thuật hình sự…với các tổ tuần tra chuyên đề được thành lập, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy sẽ là những tấm lá chắn đủ mạnh để ngăn ngừa không xảy ra các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.

Thông tin với PV, chỉ huy Phòng CSGT cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác kiểm tra, xử lý, Phòng CSGT đã đề xuất CATP giao các tổ Y141 quá trình làm nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến ma túy khi tham gia giao thông. Chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu, đề xuất trang cấp đủ que thử chất ma túy cho Phòng CSGT, các tổ 141 và Công an các quận, huyện, thị xã để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, cùng với lực lượng CSGT là chủ công, Công an các quận, huyện, thị xã cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác TTKS khép kín địa bàn, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm TTATGT theo chức năng, thẩm quyền trên các tuyến được phân cấp phụ trách, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông; Điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn, truy tố, xét xử nghiêm, công khai để tuyên truyền, cảnh báo trong nhân dân, phòng ngừa xã hội.