Luật sư nói gì về việc Quảng Ninh cách ly có thu phí người đến từ vùng dịch đến hết 3/5?

ANTD.VN -Ngày 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND về việc tiếp tục duy trì các giải pháp  phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo đó, tỉnh này thực hiện cách ly có thu phí đối với tất cả những người đến từ/đi qua vùng dịch đến tỉnh Quảng Ninh, người rời Quảng Ninh đến các vùng dịch trở về trong khoảng thời gian đến hết 3/5/2020.

Cách ly có thu phí người đến từ vùng dịch đến 3/5

Theo Công điện 07, mặc dù hiện Quảng Ninh được Chính phủ xác định là địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ thấp lây nhiễm dịch bệnh song lại là tỉnh có biên giới trên bộ, trên biển giáp Trung Quốc và hệ thống giao thông đến tỉnh này  bằng đường bộ, đường biển đường hàng không  nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch.

Do vậy, Quảng Ninh sẽ dừng hoạt động của các chốt kiểm soát giữa các huyện, thị xã, thành phố  trong tỉnh. Tỉnh này cũng tiếp tục dừng tất cả các hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh từ Quảng Ninh đi các địa phương và ngược lại; tạm dừng tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người; các hoạt động lễ hội, văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao tập trung đông người tại nơi công cộng; các khu di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, dịch vụ.

Hoạt động đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn cũng tiếp tục tạm dừng đến hết ngày 3/5.

Sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh thực hiện cách ly có thu phí đối với tất cả những người đến từ/đi qua vùng dịch đến tỉnh Quảng Ninh, người rời Quảng Ninh đến các vùng dịch trở về  trong khoảng thời gian đến hết 3/5/2020 (trừ các trường hợp được phép theo quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ…). Tại các địa phương có nguy cơ về dịch Covid-19, tiếp tục hạn chế người dân ra khỏi nhà, hạn chế phương tiện công cộng.

Xung quanh nội dung trên đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một vài cá nhân cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khó lường thì việc địa phương này vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế sự bùng phát dịch trở lại là cần thiết.

Tuy vậy, phần đông những người khác lại nhận định, với địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ thấp lây nhiễm dịch bệnh thì việc thực hiện cách ly có thu phí đối với tất cả những người đến từ/đi qua vùng dịch đến địa phương này, người rời địa phương này đến các vùng dịch trở về là khiên cưỡng, không phủ hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và các quy định liên quan.

Có quyết liệt quá mức cần thiết?

Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cách ly toàn xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh chứ không phải là ngăn cấm giao thông. Đến 0 giờ ngày 23/4 đã nới lỏng giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, ngoại trừ một số huyện.

Như vậy, từ thời điểm trên, việc một số địa phương vẫn áp dụng phương án cách ly hoặc dừng các hoạt động vận tải là máy móc, cứng nhắc. Mặc dù, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, người đứng đầu các địa phương có quyền áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nhưng phải đúng luật - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Trước đó, một số địa phương khác cũng thực hiện cách ly tập trung đối với tất cả người dân về từ vùng có người nhiễm dịch Covid-19 và yêu cầu phải tự chi trả chi phí cách ly. Điều này cho thấy các địa phương vẫn còn lúng túng, quyết liệt quá mức cần thiết khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Việc yêu cầu người dân từ những vùng có người mắc dịch đến địa phương phải cách ly và thu tiền phí là chưa đủ căn cứ pháp lý.

Hơn nữa, phải có quy định cụ thể, ở đâu là vùng dịch, điều kiện nào được xác định là vùng dịch. Sự tùy tiện trong phòng chống dịch bệnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của xã hội, gây thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh.

Việc phòng chống dịch đã có luật Phòng chống dịch bệnh, các Chỉ thị của Thủ tướng. Các địa phương chỉ cần thực hiện đúng những văn bản đó là đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời cần áp dụng biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để vừa ngăn chặn dịch bệnh vừa tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế và giao thương - Luật sư Hồng Vân bày tỏ quan điểm.