Lừa khuyến mại “khủng”, “các ông cháu của chú Viettel” phạm tội gì?

ANTĐ - Ngày 3-2, CATP Hà Nội đã làm rõ hành vi phạm tội của 5 đối tượng tung tin khuyến mại giả để chiếm đoạt tài sản của các thuê bao điện thoại di động. Dư luận mạng thường gọi nhóm này là “cháu của ông chú Viettel”. 

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp Bùi Phát Hiến (SN 1994), ở EA Tân, Krông Năng, Đắk Lắk; Hà Mạnh Thành (SN 1994), ở Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Ngô Xuân Long (SN 1997); Phạm Quang Hiếu (SN 1997) cùng ở Tràng Minh, Kiến An, Hải Phòng và Nguyễn Văn Quyết (SN 1997, ở Từ Sơn, Bắc Ninh). Bước đầu, cơ quan công an xác định, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã sử dụng nhiều trang web để chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng. 

Với các nghi can  Bùi Văn Hiến và Hà Mạnh Thành, Phạm Quang Hiếu, Ngô Xuân Long, cơ quan công an xác định các đối tượng này đã giả mạo nhân viên tổng đài gửi tin nhắn trên Facebook với nội dung thông báo có chương trình khuyến mãi gấp 10 lần giá trị thẻ nạp nếu người dùng làm theo hướng dẫn. Khi chủ thuê bao gửi mã số thẻ cào theo câu lệnh các đối tượng cung cấp, tiền sẽ chuyển vào tài khoản điện thoại của các đối tượng. 

Quá trình xác minh, cơ quan công an còn phát hiện Nguyễn Văn Quyết đã chiếm đoạt hơn 1.000 tài khoản Facebook. Tại cơ quan công an, Quyết khai nhận đã lên mạng tìm kiếm hướng dẫn cách tạo website giả mạo Facebook, đồng thời đăng ký website: ungdung-capnhat28h.890m.com. Sau đó, Quyết sử dụng trang fanpage do anh ta quản trị để đăng tải thông tin “Đổi tên Facebook khi chưa hết hạn 60 ngày”, kèm hướng dẫn đến website giả mạo. Khi người dùng truy cập và đăng nhập bằng tài khoản Facebook của họ trên website: ungdung-capnhat28h.890m.com thì tên đăng nhập và mật khẩu của người dùng sẽ bị đối tượng chiếm đoạt. Sau đó, Quyết bán tài khoản Facebook chiếm đoạt được cho nhiều đối tượng khác. 

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can này phạm tội theo tội danh nào? 

Nghi can Nguyễn Văn Quyết phạm tội truy cập bất hợp pháp

Thủ đoạn là lấy cắp thông tin tài khoản mạng của người khác, sau đó, bán hoặc sử dụng là hành vi chiếm đoạt tài sản, vì tài khoản mạng là tài sản riêng của các cá nhân. Hành vi chiếm đoạt tài sản này đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho nạn nhân. Có ý kiến cho rằng, hành vi phạm pháp đó xâm phạm đến sở hữu là loại tội chiếm đoạt tài sản nên phạm vào tội quy định trong Chương các tội xâm phạm sở hữu; nếu thực hiện lén lút thì xử phạt về tội trộm cắp tài sản; nếu giao dịch gian dối trước khi chiếm đoạt tài sản thì xử phạt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi sử dụng kỹ thuật thông tin để chiếm đoạt tài sản là các tài khoản mạng có dấu hiệu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt quyền quản trị của người khác được hiểu là người phạm tội đã sử dụng bất hợp pháp quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số để thực hiện hành vi phạm tội. Nghi can Quyết đã vi phạm Điều 226a Bộ Luật Hình sự, tội danh: Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác

Trần Thị Huyền Nga (Bỉm Sơn, Thanh Hóa)

Đây rõ ràng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác thì phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, các nghi can đã tung thông tin giả nhằm kích thích lòng tham của các nạn nhân, sau đó hướng dẫn nạn nhân nộp tiền vào một tài khoản để chúng chiếm đoạt. Sự gian dối nằm ở chỗ thông tin khuyến mại giả và tài khoản nộp tiền giả. Các nghi can này có sự chuẩn bị, có tổ chức, có sự dấu kín nhân thân khi dùng tên giả trên Facebook để khi nạn nhân biết bị lừa không tìm được thủ phạm.Tất cả đều mạo danh nhà mạng. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu khách quan và chủ quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lưu ý, việc sử dụng phương tiện mạng xã hội và chiếm đoạt tiền qua thẻ cào điện thoại chỉ chứng minh mạng xã hội và mạng viễn thông chỉ là công cụ để phạm tội. Bản chất của hành vi phạm tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần truy tố các nghi can theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự, không nên truy tố theo tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b Bộ Luật Hình sự) với mức xử phạt nhẹ hơn.

Trần Văn Ca (Cát Bi, Hải Phòng)

Các nghi can không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn gây loạn xã hội

Theo quan điểm của tôi, đúng là các nghi can Bùi Văn Hiến và Hà Mạnh Thành, Phạm Quang Hiếu, Ngô Xuân Long đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt tài sản này được thực hiện qua mạng internet và mạng viễn thông. Chính vì vậy, các nghi can không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn gây rối loạn xã hội, làm ảnh hưởng đến tất cả những người sử dụng internet và các mạng viễn thông. Vì vậy nếu chỉ truy tố theo tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật sẽ bỏ qua hành vi gây rối trên các mạng thông tin bởi nguyên tắc một hành vi không thể bị truy tố hai tội danh. Trong khi đó chúng ta đã có đủ công cụ pháp lý để xử lý các tội phạm này.

Ngày 19-6-2009, Quốc hội đã sửa đổi BLHS, thông qua ngày 21-12-1999 và có quy định hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số để thực hiện chiếm đoạt tài sản là tội phạm. Cụ thể, Điều 226b BLHS có quy định là người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm: Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các hành vi chiếm đoạt tiền nạp cước viễn thông đã thảo mãn điều kiện: Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân Cả 4 nghi can Bùi Văn Hiến và Hà Mạnh Thành, Phạm Quang Hiếu, Ngô Xuân Long phải bị truy tố theo Điều 226b BLHS với tội danh: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

 Nguyễn Vân Anh (Phố Phủ, Hải Dương)

 Bình luận của luật sư 

Theo đúng tinh thần của nội dung vụ án, ở đây chúng ta có hai nhóm nghi can có các hành vi phạm tội khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm 4 nghi can: Bùi Văn Hiến và Hà Mạnh Thành, Phạm Quang Hiếu, Ngô Xuân Long, thường gọi là “nhóm cháu các ông chú Viettel” vì các nghi can thường giới thiệu có một ông chú ở Viettel tiết lộ một chương trình khuyến mại “khủng”, thật ra là lừa các thuê bao nộp tiền vào một tài khoản giả của Viettel để chiếm đoạt. Nhóm thứ hai gồm Nguyễn Văn Quyết, dùng phần mềm để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để bán kiếm tiền. 

Ở nhóm thứ nhất, các nghi can đã sử dụng mạng internet, cụ thể sử dụng Facebook để tung tin giả nhằm lừa các thuê bao chuyển tiền cước qua thẻ cào cho các nghi can, chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Các hành vi của các nghi can đáp ứng các đòi hỏi của Điều 226b Bộ luật Hình sự, tội danh: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Tại khoản 3 điều 10 Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT hướng dẫn xử lý điều 226b Bộ luật Hình sự, có quy định về một hành vi phạm tội: dùng các mạng thông tin để chiếm đoạt tài sản như sau: Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng là sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó. Như vậy, xử lý các nghi can theo điều 226b HLHS phù hợp với hướng dẫn của các cơ quan ban hành Thông tư liên tịch 10/2012/ TTLT gồm các Bộ Quóc phòng, Công an, Tư pháp, Thông tin và truyền thông cùng Viện KSNDTC và TANDTC. 

Việc xử lý các nghi can theo điều 226b BLHS còn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật khi các hành vi phạm tội cả chiếm đoạt tài sản lẫn làm rối loạn mạng lưới thông tin mạng, gây mất an toàn mạng thông tin đều có chế tài xử lý đầy đủ. Trong vụ án này, 4 nghi can đã phạm tội với tình tiết tăng nặng là phạm tội chuyên nghiệp (phạm tội 5 lần trở lên) và gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại của các nạn nhân đến 500 triệu đồng. Các nghi can có thể bị phạt tù tới 5 năm và đền bù mọi thiệt hại, chịu phạt tiền tới hàng trăm triệu đồng.

Đối với nhóm thứ hai là nghi can Nguyễn Văn Quyết. Nghi can Quyết đã dùng phần mềm giả Facebook để chiếm đoạt hàng nghìn tài khoản Facebook của người khác đem bán kiếm lời. Hành vi này thực chất là người phạm tội đã sử dụng bất hợp pháp quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng của người khác. Theo quan niệm hiện nay, tài khoản mạng là tài sản cá nhân được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên tại nước ta chưa có quy định để có thể định giá tài khoản mạng, cho nên, tuy thừa nhận là tài sản nhưng khó truy tố nghi can Quyết theo nhóm tội chiếm đoạt tài sản. Nhưng với hành vi đem bán các tài khoản chiếm đoạt được để lấy tiền, nghi can Quyết đã có một hành vi vi phạm pháp luật: Thu lợi bất chính. Với tất cả những dấu hiệu được thể hiện trong các hành vi của nghi can, theo chúng tôi, truy tố nghi can Quyết theo Điều 226a BLHS tội danh Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác với nội dung: Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 12 năm. Trong trường hợp này, nghi can đã có thu lợi bất chính trên 20 triệu đồng được coi là thu lợi bất chính lớn nên có thể bị xử phạt theo khoản 2 điều 226a với mức hình phạt từ 3 đến 7 năm tù. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)