Lừa dối khách hàng bị pháp luật xử lý thế nào?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản (SN 1950), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes, để điều tra về tội “Lừa dối khách hàng” theo Khoản 2, Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi.

Vậy hình phạt được quy định đối với tội “Lừa dối khách hàng” ra sao, những gia đình đã mua nhà thuộc các dự án do Bemes xây dựng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà liệu có bị ảnh hưởng?

Người mua nhà không bị ảnh hưởng quyền lợi

Về những vấn đề pháp lý liên quan, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội  cho biết, Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Như vậy, theo quy định trên, đối tượng phạm tội này có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Tuy nhiên, để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các chứng cứ để chứng minh bị can đã có hành vi gian dối đối với những người mua căn hộ về chất lượng, tình trạng pháp lý... để chiếm đoạt tiền, đồng thời làm rõ những khách hàng nào đã bị lừa dối, số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu... 

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong vụ ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội “Lừa dối khách hàng”, có thể khẳng định, những người mua nhà tại các dự án do doanh nghiệp của ông Thản đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với những căn hộ mà họ đã mua. Bởi việc cấp Giấy chứng nhận chỉ phụ thuộc vào hồ sơ pháp lý của dự án.

Việc cơ quan CSĐT CATP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới là bước đầu của giai đoạn điều tra. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có căn cứ, cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm các đồng phạm khác, tội danh khác hoặc thay đổi các tội danh đã khởi tố nhằm đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.

Hành vi “lừa dối khách hàng” rất phổ biến nhưng ít bị xử lý

Mặc dù tội “Lừa dối khách hàng” đã được quy định tại điều 170 BLHS 1985, điều 162 BLHS 1999 và nay là điều 198 BLHS 2015 song trên thực tế, rất ít trường hợp lừa dối khách hàng bị xử lý hình sự - Luật sư Tiến Hòa nhận định.

Tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong BLHS, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chủ thể của tội phạm này là những người tham gia vào quá trình mua bán (thường là người bán). Về hành vi phạm tội, để thực hiện thủ đoạn gian dối, người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc có những hành vi khác lừa dối khách hàng.

Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý, nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, những vẫn thực hiện. Mặc dù động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc, song người phạm tội lừa dối khách hàng luôn có động cơ tư lợi.

Hậu quả trực tiếp của hành vi lừa dối khách hàng  là gây thiệt hại vật chất cho khách hàng, làm cho khách hàng mất đi một phần số lượng hàng hoá hoặc hàng hoá không bảo đảm chất lượng.

 “Lừa dối khách hàng” là tội ít nghiêm trọng, ít bị xử lý dù diễn ra khá phổ biến. Trong thời gian tới, tội danh này cần được áp dụng triệt để, nghiêm túc và quyết liệt hơn để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho khách hàng - Luật sư Tiến Hòa nêu quan điểm.