Liên tiếp các lò mỡ bẩn bị phát hiện - trách nhiệm thuộc về ai?

ANTĐ - Trong khoảng 1 tuần qua,  ít nhất 3 địa điểm tập kết, kinh doanh mỡ, nội tạng và da trâu, bò, lợn bẩn đã bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý. Cả chục tấn mỡ bẩn đã bị tịch thu và sẽ bị tiêu hủy, song, biện pháp gì để ngăn chặn những vụ việc này tái diễn lại dường như chưa được cơ quan chức năng tính đến.
Liên tiếp các lò mỡ bẩn bị phát hiện - trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

Hàng loạt vụ sản xuất, chế biến mỡ bẩn bị lực lượng chức năng phát hiện thời gian qua

Sau xử phạt, không thấy ai nói gì nên lại làm

“Tôi chỉ biết bán cho các cơ sở thu mua, còn họ mua làm gì tôi không biết”, đó là câu trả lời của bà Nguyễn Thị Lý, cụm 11, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội, tại thời điểm bị lực lượng liên ngành kiểm tra, phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm - môi trường, hôm 23-12 vừa rồi. Nhiều năm nay, Tân Hội được biết đến là “thủ phủ” của nghề chế biến mỡ động vật và hộ sản xuất của gia đình bà Lý có quy mô nhất nhì cụm 11.

Khoảng 1 năm trước đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính 16 triệu đồng đối với cơ sở này, do vi phạm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Quyết định đình chỉ đã được đưa ra, song hiệu lực lại không được lâu, bởi theo “quan điểm” của bà Lý: “Trong quyết định chỉ thấy đề cập dừng 3 tháng, sau đó không thấy ai nói gì nên tôi lại làm”.

Bà Lý đã làm thật và cụ thể là tại buổi kiểm tra hôm 23-12 của Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội cùng Chi cục QLTT và Chi cục Thú y, đoàn liên ngành phát hiện tại cơ sở của bà Lý có khoảng 300kg bì mỡ lợn chưa qua sơ chế có dấu hiệu ôi thiu để la liệt dưới nền nhà xưởng cùng tóp mỡ được đóng vào các bao tải cũ, chất cao quá đầu người. Toàn bộ quy trình sản xuất mỡ lợn tại cơ sở này được thực hiện trong nhà xưởng xập xệ. Nền, tường nhà và vật dụng của cơ sở nhớp nháp, cáu bẩn. Mùi hôi thối nồng nặc xộc lên khó chịu. 

Hai ngày trước đó, tại địa bàn huyện Phú Xuyên, lực lượng CSKT CAH cũng bắt quả tang một cơ sở chuyên chế biến, sản xuất mỡ bẩn, do Nguyễn Văn Hưởng, 39 tuổi, trú tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ công tác CAH đã lập biên bản tịch thu 1 tấn mỡ chưa qua sơ chế và hơn 8 tấn mỡ đã được sơ chế. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận thu gom mỡ động vật từ các cơ sở giết mổ trên địa bàn, rồi về sơ chế thành mỡ nước và bán ra thị trường với giá 4.000 đồng/lít. 

Liên tiếp các lò mỡ bẩn bị phát hiện - trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 2

Xử lý phần “ngọn” - không hiệu quả

Những vụ việc bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua khiến dư luận thực sự lo ngại và không khỏi đặt ra câu hỏi mà khó có lời giải đáp. Đó là các sản phẩm này ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cộng đồng như thế nào và tại sao những “làng nghề” chế biến mỡ, nội tạng động vật bẩn, đặc biệt tập trung ở các vùng ngoại thành, vẫn tồn tại? Rất ít các vụ việc bị lực lượng chức năng cơ sở phát hiện và càng không thấy được rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Vụ việc tại xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, một cán huyện thừa nhận, “sơ chế mỡ, nội tạng là “cần câu” cơm của dân. Cán bộ thôn, xã sống trong dân, thậm chí có cả họ hàng, người thân làm nghề này, nên rất khó khuyên họ bỏ nghề”. Trước thực trạng “nghề” truyền thống ở Tri Thủy gây ô nhiễm môi trường, đã có kiến nghị xây khu sơ chế, giết mổ tập trung. Kiến nghị được cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương, nhưng đi vào thực hiện thì nhiều năm qua vẫn chưa được, vì… chưa có kinh phí. 

Một dẫn chứng khác về sự thờ ơ, buông lỏng của chính quyền cơ sở, liên quan đến vụ việc hôm 16-12, đoàn liên ngành phát hiện tại cơ sở kinh doanh da “Hoàng Phú” ở thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, có hàng tấn da trâu, da bò, cùng mỡ động vật đang được cơ sở chế biến. Những người liên quan giải trình rằng số mỡ này là phụ phẩm từ da trâu, bò được lấy ra làm thức ăn cho cá. Nhưng do ao cá mới thu hoạch hết nên… không biết làm gì và họ đã rán thu lấy mỡ rồi tích trữ làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan chức năng, số mỡ này rất có thể sẽ được chia nhỏ vào những chai 5 lít để bán cho các cơ sở làm quẩy rán hay các cửa hàng ăn. 

Không khó để xác định những làng nghề sơ chế, kinh doanh nội tạng, mỡ, da động vật “bẩn”. Vấn đề là nhận diện được những nguy cơ đó rồi, giải pháp sẽ ra sao? Những cuộc kiểm tra liên ngành, cuối cùng chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, hay tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở.

Giám sát việc thực hiện những chế tài ấy, cũng như từng bước giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không lực lượng nào có thể làm hiệu quả hơn chính quyền cơ sở, từ việc tuyên truyền ý thức người dân, đến kiến nghị biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế cho thấy, cùng với sự kém ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh, thì mối lo không kém là nhận thức về trách nhiệm của cán bộ cơ sở. Hàng ngày chứng kiến vi phạm, vậy mà cán bộ vẫn… kệ!