Lật tẩy một “tập đoàn” lừa đảo “chạy” dự án liên tỉnh

(ANTĐ) - Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hai Bà Trưng vừa sơ kết giai đoạn một chuyên án khám phá “tập đoàn” lừa đảo bằng thủ đoạn nhận “chạy” dự  án, vay vốn ưu đãi của các tổ chức phi chính phủ và nguồn vốn trong nước. Bước đầu, CQĐT xác định có khoảng 60 dự án của các doanh nghiệp xin vay vốn thông qua “tập đoàn” này, với tổng số tiền là 10.141 tỷ đồng và 1,163 tỷ USD.

Lật tẩy một “tập đoàn” lừa đảo “chạy” dự án liên tỉnh

(ANTĐ) - Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hai Bà Trưng vừa sơ kết giai đoạn một chuyên án khám phá “tập đoàn” lừa đảo bằng thủ đoạn nhận “chạy” dự  án, vay vốn ưu đãi của các tổ chức phi chính phủ và nguồn vốn trong nước. Bước đầu, CQĐT xác định có khoảng 60 dự án của các doanh nghiệp xin vay vốn thông qua “tập đoàn” này, với tổng số tiền là 10.141 tỷ đồng và 1,163 tỷ USD.

Từ một nạn nhân

Hồ sơ nhờ "chạy" vay vốn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng
Hồ sơ nhờ "chạy" vay vốn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng 

Địa chỉ giao dịch của “tập đoàn lừa đảo” này là Văn phòng số 01 Bắc Ninh, trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư XNK và cộng đồng FIC, trụ sở tại phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đầu năm 2007, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thanh Quang (Công ty Thanh Quang), trụ sở tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có nhu cầu huy động nguồn tiền lớn để xây dựng nhà máy. Chị Đặng Hoàng Lan Hương - Kế toán của công ty đã tiếp xúc với một nhân vật tên là Trần Thành, đang công tác tại một công ty cổ phần ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Thành tự giới thiệu có mối quan hệ với các “sếp” ở Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, chuyên phụ trách mảng hồ sơ cho vay nguồn vốn ưu đãi, và số tiền để hoàn tất các thủ tục vay là 200 triệu đồng. Một thời gian sau đó, Thành thông báo cho chị Hương các “sếp lớn” sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh và sẽ xuống Công ty Thanh Quang nghe báo cáo hồ sơ. Hôm đó là chiều 27 Tết. Để các “sếp” khỏi phật ý, Công ty Thanh Quang đã phải chi phí 16 triệu đồng, trong đó 15 triệu đồng là tiền bảo vệ dự án, số còn lại để bồi dưỡng người đưa dự án. Ngoài khoản tiền trên, doanh nghiệp này lo cả chi phí vé máy báy và liên hoan đón đoàn. Đến Công ty Thanh Quang hôm đó có 5 người trong đó có Trần Thành, một người tên là Đoàn Bá Phước. Trần Thành đã giới thiệu ông Nguyễn Xuân Long, Trưởng đoàn Thẩm tra dự án, Ngô Quang Cường, Trưởng ban Dự án và một nhân vật nữ tên Hà. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, Công ty Thanh Quang đã làm 6 cái “phong bì” với tổng số tiền 30 triệu đồng “bồi dưỡng” cho đoàn.

Ngày 27-2-2007, chị Hương nhận được thông báo của Văn phòng số 01 Bắc Ninh mời đến làm việc. Chừng một tháng sau đó, Nguyễn Xuân Long và Ngô Quang Cường lại tới Công ty Thanh Quang để “thẩm định”. 1 tuần sau, Công ty Thanh Quang nhận được giấy mời cử người ra Văn phòng số 01 Bắc Ninh ký hợp đồng tín dụng cho vay 250 tỷ đồng, lãi xuất 1,6 %/năm, thời hạn 60 tháng và lần giải ngân đầu tiên vào ngày 20-4-2007. Giấy mời do ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc văn phòng ký. Thế nhưng đợi dài cổ trong nhiều tháng, Công ty Thanh Quang vẫn không nhận được một đồng tiền vay, trong khi số tiền chi phí làm thủ tục vay lên đến hơn 100 triệu đồng...

“Đoàn thẩm định” chụp ảnh lưu niệm tại Công ty Thanh Quang, tháng 2- 2007

“Đoàn thẩm định” chụp ảnh lưu niệm tại Công ty Thanh Quang, tháng 2- 2007  

Buôn… nước bọt

Hoạt động của “tập đoàn” lừa đảo này được trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hai Bà Trưng phát hiện từ công tác quản lý nghiệp vụ trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp khi tiếp xúc với điều tra viên phản ánh thông tin họ nộp hồ sơ nhờ Văn phòng số 01 Bắc Ninh môi giới vay vốn, nhưng thường không đạt kết quả, trong khi phí tổn giao dịch không nhỏ. Sau hơn 1 tháng tổ chức trinh sát, lực lượng CSKT CAQ Hai Bà Trưng xác định được kẻ điều hành “tập đoàn” này là Nguyễn Công Đoàn, SN 1957, nhà ở xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Văn phòng số 01 Bắc Ninh. Ngoài ra, Đoàn còn là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên FIC, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông thuộc Hội liên hiệp Khoa học xã hội Việt Nam. Trợ giúp đắc lực cho Đoàn là Nguyễn Xuân Long, SN 1944, Chánh văn phòng số 01. Căn cứ  vào  các tài liệu thu thập được, ngày 19-11-2007, CQĐT CAQ Hai Bà Trưng phối hợp với Phòng PA17 Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành bắt giữ 2 đối tượng này. Khám xét trụ sở văn phòng, lực lượng Công an thu giữ rất nhiều hồ sơ dự án xin vay vốn của các doanh nghiệp. Nguyễn Công Đoàn và Nguyễn Xuân Long đã phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Trò lừa đảo được tên Đoàn chủ xướng sau lần tham gia một lớp học đa cấp trong lĩnh vực tín dụng tại Công ty cổ phần đầu tư XNK và cộng đồng FIC. Với đầu óc toan tính, Đoàn đã nghĩ cách qua mặt công ty, móc nối làm ăn riêng. Sau đó, Đoàn cùng Long đã mở các lớp đào tạo người dưới hình thức đa cấp, cho các đối tượng này tìm đến các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện việc môi giới dù trên thực tế, Đoàn và Long không có khả năng thực hiện được điều đó.

2 đối tượng Đoàn, Long
2 đối tượng Đoàn, Long

Thủ đoạn lừa đảo được chúng tiến hành theo 4 bước. Ban đầu, Đoàn và Long thường mạo danh là cán bộ Văn phòng Chính phủ hoặc chuyên viên của Bộ Tài chính tiếp xúc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào muốn xin vay vốn đều phải mất những khoản lệ phí do chúng đặt ra, như phí hồ sơ vay vốn, phí bảo lãnh vay vốn từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, chúng đưa định mức, nếu số vốn vay là  100 tỷ đồng thì doanh nghiệp phải nộp cho chúng 9,5 triệu đồng; vay trên 100 tỷ đồng phải nộp 12 triệu đồng. Số vay trên 1.000 tỷ đồng sẽ theo thỏa thuận giữa hai bên. Bước thứ hai, Đoàn và các đối tượng yêu cầu các doanh nghiệp đóng tiền để dịch các tài liệu ra tiếng Anh nộp cơ quan thẩm định. Trong quá trình này, bọn chúng sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra, các doanh nghiệp ngoài việc đón tiếp, chi phí ăn uống còn phải “ lót tay” các cán bộ thẩm định dự án như trường hợp Công ty Thanh Quang. Bước ba, chúng thông tin dự án có tín hiệu tốt, doanh nghiệp sẽ được cho vay với lãi suất ưu đãi là 1,6%/năm, rồi lại tổ chức “đoàn thẩm định” đến với mục đích kiếm tiền lót tay. Bước cuối cùng, Văn phòng số 01 Bắc Ninh ra thông báo dự án khả thi đến các doanh nghiệp. Khi đó, nhiều doanh nghiệp đều nghĩ rằng có thể vay được vốn nên không nề hà việc phải nộp số tiền “hoa hồng” là 3,5% trên tổng số tiền của các dự án. Theo xác minh của CQĐT CAQ Hai Bà Trưng, trong số khoảng 60 hồ sơ dự án vay tiền đang nộp cho “tập đoàn lừa đảo” này, có một dự án xin xây dựng một trường đại học ở phía Nam với tổng số tiền là 450 triệu USD; hay lớn nhất là dự án xây dựng một bệnh viện với số tiền lên tới 4.800 tỷ đồng.

Vụ án đang được Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hai Bà Trưng tiếp tục điều tra. Đề nghị những doanh nghiệp là bị hại của các đối tượng này, đến CAQ Hai Bà Trưng, 94 Tô Hiến Thành để trình báo, hoặc liên hệ theo số điện thoại: 04. 9396628,  gặp đồng chí Quynh.

Hoàng Quân