Lật tẩy chiêu trò của tội phạm lừa đảo qua hình thức "ship- ứng"

ANTD.VN - Cùng với sự phát triển của hình thức mua hàng trực tuyến (online), hiện nay việc thuê vận chuyển đã trở nên thông dụng. Không chỉ vậy, để  tiết kiệm thời gian, công sức và thuận tiện cho cả người vận chuyển và người bán, người mua, hình thức "ship - ứng" ra đời. Tuy nhiên, có kẻ xấu đã lợi dụng sơ hở của hình thức này để thực hiện hành vi phạm tội.

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng Công an đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua hình thức vận chuyển hàng hóa này.

Thủ đoạn không mới vẫn có người "sập bẫy"

"Shipper" là những người vận chuyển hàng hóa, nhận đơn hàng từ chủ cửa hàng sau đó đi giao cho khách. Loại hình dịch vụ thông dụng này đang bị kẻ xấu phát hiện nhiều sơ hở, khiến "shipper" có thể gặp rủi ro, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực tế những vụ việc xảy ra cho thấy, các đối tượng phạm tội thường giả làm chủ cửa hàng, rồi lợi dụng thỏa thuận "ship ứng" (tức ứng tiền bằng giá trị của hàng hóa) cho cửa hàng trước khi đi giao hàng rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong các vụ án, người vận chuyển sau khi nhận đơn, ứng tiền, di chuyển đến địa điểm giao hàng thì mới phát hiện là địa chỉ giả, số điện thoại của khách không liên lạc được. Gọi lại cho chủ cửa hàng cũng trong tình trạng tương tự.

Mới đây, Công an Hà Nội bắt giữ hàng loạt đối tượng giả là chủ cửa hàng thuê "shipper" để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.  Với thủ đoạn thuê người vận chuyển theo hình thức "ship ứng", các đối tượng đã mua hàng hóa rồi yêu cầu các shipper ứng tiền với giá cao gấp 4-5 lần giá trị đơn hàng, sau đó tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn cử như vụ việc được Công an quận Đống Đa, Hà Nội làm rõ vào tháng 11 vừa qua.

Hai đối tượng Nguyễn Gia Anh Thọ và Nguyễn Việt Anh

Cụ thể, khoảng 14h chiều 6-11, đối tượng Nguyễn Gia Anh Thọ và Nguyễn Việt Anh (cùng SN 1996, trú tại quận phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đã mua 2 đôi giày mang nhãn Adidas với giá 700.000 đồng tại khu vực phố Trần Bình, Hà Nội rồi sử dụng ứng dụng để tạo 2 đơn hàng chuyển từ phố Xã Đàn đi một số địa điểm trên địa bàn thành phố với số tiền ứng 3 triệu đồng/ mỗi đơn.

Sau đó, đã có 2 nạn nhân “sập bẫy” của bộ đôi này. Đế các nạn nhân tin tưởng, Thọ cung cấp 2 số điện thoại của người nhận hàng cho 2 "shipper". Khi người giao hàng gọi điện cho người nhận để xác nhận đơn, Việt Anh nghe máy và nói đồng ý nhận hàng. Sau khi lấy được tiền của 2 nạn nhân, Thọ và Việt Anh đã tắt điện thoại.

Về hai người vận chuyển, sau khi di chuyển đến địa điểm giao hàng, gọi điện cho người nhận nhưng không liên lạc được, phát hiện đã bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Khi bị bắt, tại cơ quan Công an, Việt Anh và Thọ khai nhận ngoài vụ việc trên, bằng thủ đoạn tương tự đã lừa đảo chiếm đoạt được hơn 5 triệu đồng của một nam thanh niên tại địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trước đó, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đã bắt giữ Trịnh Minh Ngọc và Nguyễn Thanh Sang (cùng SN 1995, trú phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngọc từng là người vận chuyển hàng hóa qua các ứng dụng vận chuyển online. Do am hiểu về quy trình ứng tiền – nhận đơn – giao hàng – thu tiền nên Ngọc đã rủ Nguyễn Thanh Sang lên kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt 2 triệu đồng của các “shipper”.

Hai đối tượng Ngọc và Sang

Khoảng 18h ngày 16-6 vừa qua, Ngọc sử dụng điện thoại di động để truy cập vào ứng dụng “Snail Ship”, lập tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Thắng và tạo một đơn hàng đi từ phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) đến địa bàn quận Hai Bà Trưng để nhận lại tiền và phí vận chuyển.

Tại cơ quan công an, hai đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo đó, Ngọc chịu trách nhiệm tạo các đơn hàng giả, còn Sang phụ trách việc hướng dẫn chuyển tiền cho các “shipper”. Bằng thủ đoạn tinh vi trên, hai đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của gần 10 bị hại.

Cảnh giác khi giao dịch qua mạng

Thiếu tá Lê Trọng Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa, Hà Nội khuyến cáo, người dân, đặc biệt là những người làm nghề vận chuyển hàng hóa cần có sự cảnh giác với hình thức “ship ứng” nói riêng. Đối với những đơn hàng có giá trị cao cần có xác thực người nhận và người giao bằng chứng minh thư hoặc những giấy tờ quan trọng để tránh bị lừa  đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi nhận "ship", người vận chuyển nên đến tận nhà hoặc cửa hàng của người bán, tuyệt đối không nhận hàng ở những địa chỉ công cộng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ số điện thoại người nhận, và liên lạc trước khi đến giao hàng. Cẩn thận hơn, có thể tìm cách kiểm tra số điện thoại người bán, người nhận...

Nếu phải "ship" cùng lúc nhiều đơn hàng, nên liên lạc thử cho một đơn hàng bất kỳ xem khách đó là "ảo" hay khách thực. Đối với các đơn hàng có giá trị quá lớn, hãy thỏa thuận chỉ đặt cọc một phần tiền hàng và để lại cho người bán giấy tờ tùy thân, khi giao xong sẽ đến lấy lại và trả nốt số tiền còn thiếu. "Khi phát hiện người nào có hành vi gian dối, lợi dụng tín nhiệm  hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần đến cơ quan công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ, xử lý”, đại diện Công an quận Đống Đa nhấn mạnh.