Làm giả lệnh bắt khẩn cấp, chiêu tống tiền mới của tội phạm giả danh Công an

ANTD.VN - Không chỉ vu cho anh Minh nợ gần 9 triệu đồng tiền cước điện thoại, rồi liên quan đến đường dây ma túy, các đối tượng giả danh Công an còn gửi cả “Lệnh bắt khẩn cấp của Tòa án Hà Nội”.

Lệnh bắt khẩn cấp giả mạo được các đối tượng sử dụng để "uy hiếp" anh Minh

Sự việc xảy ra với anh Minh (40 tuổi, chủ cửa hàng bán đồ gia dụng tại phố Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), hôm trung tuần tháng 12-2017 vừa qua.

Hôm đó khoảng 10h, đang ở cửa hàng một mình thì có tiếng chuông điện thoại cố định reo. Nhấc máy, anh Minh được một người tự xưng là nhân viên công ty điện thoại, nói gia đình anh nợ tiền cước gọi gần 9 triệu đồng. Rồi, người này đọc vanh vách địa chỉ nhà, số chứng minh nhân dân của anh Minh. 

Đang bán tín bán nghi, anh Minh được nhân viên công ty điện thoại hướng dẫn nói chuyện tiếp với 1 điều tra viên cao cấp của Công an TP.HCM, đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến anh. Theo vị điều tra viên này, có thể anh Minh liên quan trực tiếp đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, hoặc cũng có thể anh bị kẻ xấu lợi dụng thông tin về địa chỉ nhà, chứng minh nhân dân. “Anh có tài khoản ngân hàng không và có tiền gửi ở tài khoản không?”, vị điều tra viên cao cấp đột ngột hỏi.

Điều đáng tiếc là cho đến cuộc chuyện trò với PV ANTĐ mới đây, dù rất hay truy cập mạng xã hội, hay đọc báo bằng điện thoại thông minh, vậy mà anh Minh chưa hề biết đến thủ đoạn giả danh Công an, giăng bẫy lừa nợ cước điện thoại, rồi liên quan đến đường dây ma túy…mà các phương tiện truyền thông đã cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua.

Trở lại cuộc nói chuyện kéo dài hơn 30 phút qua điện thoại, mà theo mô tả - hình dung - của anh Minh, thì “không khí ở căn phòng mà các điều tra viên gọi đến như một cơ quan Công an thực sự; có người ra người vào, tiếng chuông điện thoại reo, tiếng báo cáo, ra mệnh lệnh…”.

Sau khi yêu cầu anh Minh không được tắt điện thoại trong suốt quá trình liên lạc để…chứng minh sự vô tội, vị điều tra viên cao cấp tiếp tục hướng dẫn anh Minh phải gửi 300 triệu đồng vào một tài khoản cá nhân để CQĐT xác minh anh không liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. “Nếu anh không chấp hành, tài khoản ngân hàng của anh sẽ bị phong tỏa, toàn bộ số tiền sẽ bị mất hết”, vị điều tra viên cao cấp “đe” anh Minh!

Ban đầu, anh Minh tỏ ra “rắn”, khẳng định không liên quan đến vụ việc. Lập tức, vị điều tra viên dọa đã thu thập đủ chứng cứ khởi tố, rồi ngay sau đó gửi qua ứng dụng Zalo Lệnh bắt khẩn cấp do Tòa án nhân dân TP. Hà Nội phát ra.

Số điện thoại của "Cơ quan Công an" gọi đến máy di động của anh Minh

Trông thấy lệnh bắt, anh Minh như rụng rời chân tay, nhưng may mắn đã trấn tĩnh rất nhanh, lập tức dừng cuộc gọi và liên lạc với người nhà công tác ở CAQ Long Biên. Sự tỉnh táo “xuất thần” ấy đã giúp anh Minh may mắn thoát nguy cơ mất oan 300 triệu đồng. Sau khi vị cán bộ điều tra gọi lại, anh Minh dõng dạc tuyên bố: “Nhà tôi các anh có địa chỉ rồi, mời cứ mang lệnh bắt đến…”. Kể từ đó, các đối tượng mới chịu chấm dứt liên hệ.

Trao đổi về sự việc này, chỉ huy CAQ Long Biên đánh giá, tội phạm giả danh Công an tống tiến qua điện thoại vẫn không ngừng tìm cách mở rộng diện lừa đảo, với thủ đoạn táo tợn, mà lệnh bắt khẩn cấp giả mạo nêu trên là một minh chứng.

Cần lưu ý rằng, CQĐT hay cơ quan Công an không bao giờ có tài khoản mang tên cá nhân. Việc tự xưng là người đại diện của cơ quan pháp luật rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân là điều bất thường. Chưa kể, CQĐT tuyệt đối không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội, chưa kể yêu cầu đó lại được đưa ra qua điện thoại.

Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. 

Đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ; không cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác. Khi nhận được cuộc điện thoại nghi ngờ, cần tìm cách thông báo ngay đến cơ quan công an, không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy lừa đảo của tội phạm. Và một điều hết sức quan trọng, hãy trao đổi với những người xung quanh về thủ đoạn này của tội phạm!