Gian lận thuế vẫn tiếp diễn:
Kỳ I: Gian lận được là cứ gian lận?
(ANTĐ) - Nếu nhìn vào hợp đồng nhập khẩu của một số doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia kinh tế phải giật mình vì khả năng “thương lượng, đàm phán” bởi rất nhiều hàng hóa được mua ở mức quá rẻ: Ôtô chỉ đắt hơn chút ít so với xe máy, rượu thì tương đương nước khoáng...
“Rẻ” đến kinh ngạc!
Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng, lô hàng ôtô nhập khẩu đã qua sử dụng đầu tiên cũng đã về đến Việt Nam, sau hơn một tháng Nghị định 12 về việc cho phép nhập khẩu ôtô cũ chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, những chiếc xe này đã được doanh nghiệp khai báo mức giá rẻ đến kinh ngạc. Chẳng hạn như lô hàng 4 chiếc ôtô đã qua sử dụng được nhập khẩu qua cảng Sài Gòn, bao gồm: Loại BMW 525i (5 chỗ ngồi) đời 2004 được doanh nghiệp khai mua với giá chỉ có 9.000USD; Xe BMW X5 đời 2005 có giá 9.500USD; Xe Lexus LX570 (7 chỗ ngồi) đời 2005, giá 13.000USD và chiếc Lexus GS300 (5 chỗ ngồi) đời 2005, giá 9.800USD.
Với mức giá này, không cần phải đến “người trong nghề” ai cũng nhận thấy nó quá “hời”. Đơn cử như với chiếc BMW 525i, với mức giá khai báo là 9.000USD, cộng với tất cả các khoản thuế phải nộp (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ...) thì cũng chỉ có giá dưới 40.000USD. Trong khi đó, chiếc xe này được bán trên thị trường với mức giá 75.000USD.
Tương tự, tại cảng Hải Phòng, 2 xe cũ được nhập khẩu là Mercedes E240 đời 2003 và Mercedes S500 đời 2002 được khai báo với mức giá lần lượt là 8.100USD và 14.200USD.
Trong khi, xe Mercedes loại E240 đã được bán trước đó với giá đến 115.000USD/chiếc. Còn xe Mercedes S500 được nhập khẩu để phục vụ Hội nghị á-âu, sau đó được bán lại với giá hơn 300.000USD/chiếc.
Dù đã “lường trước”, việc xác định giá đối với ôtô đã qua sử dụng là rất khó, nên Bộ Tài chính đã quyết định áp dụng mức thuế nhập khẩu tuyệt đối (theo dung tích xi-lanh) với mặt hàng này. Tuy nhiên, bên cạnh thuế nhập khẩu (là mức thuế tuyệt đối) thì ôtô cũ còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ...
Do vậy, nếu được chấp nhận giá khai báo ở mức thấp, doanh nghiệp vẫn có thể “bớt” được một khoản thuế không nhỏ. Do vậy, khi doanh nghiệp khai giá quá thấp đến phi lý thì cơ quan hải quan không thể thông quan được.
Và theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, cơ quan này đã có trong tay những thông tin để khẳng định, các loại xe, đời xe tương tự tại nước nhập khẩu có mức giá cao hơn rất nhiều.
Mặc dù doanh nghiệp thì nhất mực khẳng định, đã “khai đúng, khai đủ”, và rằng “giá cùng loại, cùng đời nhưng vẫn có thể khác nhau vì liên quan đến tỷ lệ cũ, mới; đến thiết bị, nội thất...”, nhưng sau một số cuộc làm việc, cuối cùng doanh nghiệp đã phải chấp nhận mức giá cao gấp 2-3 lần so với khai báo ban đầu. Và tất nhiên, mức thuế tổng cộng doanh nghiệp phải nộp cho mỗi xe cũng cao gấp nhiều lần.
Hải quan kiểm tra hóa đơn xuất nhập khẩu |
Đủ thủ đoạn “làm giá”
Bất cứ mặt hàng nào có thể gian lận được là... gian lận! Một cán bộ chống buôn lậu có “thâm niên” đã nhận định như vậy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường “nhắm” đến loại hàng có giá trị lớn và mức thuế suất cao, như ôtô, xe máy, rượu ngoại, thuốc lá... |
Đây chỉ là một trong rất nhiều “câu chuyện” về giá tính thuế (thuế nhập khẩu được tính trên cơ sở giá trị hợp đồng) vốn nổi cộm thời gian qua. Theo ông Nguyễn Viết Thanh - Trưởng phòng Tham mưu Tổng hợp, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tình trạng gian lận thương mại trong tính thuế theo Hiệp định trị giá GATT vẫn rất “nóng bỏng”. Thủ đoạn gian lận phổ biến là thông đồng với các đối tác lập chứng từ hạ thấp giá trị hợp đồng.
Một ví dụ điển hình là giám đốc một công ty TNHH cơ điện lạnh ở Hà Nội đã giao nhân viên thảo một bức thư gửi cho đối tác Hàn Quốc đồng ý mua hàng với giá đã thỏa thuận nhưng bên bán lập hợp đồng ghi giá chỉ bằng 1/3 giá thỏa thuận.
Chuyện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thế giới Vàng và Quốc tế Vang (TP Hồ Chí Minh) đã khai báo giá rượu nhập khẩu (nhiều loại rượu cao cấp như X.O, Henessy...) trung bình chỉ vào chưa đầy 20.000đ/lít (chỉ nhỉnh hơn giá... nước khoáng) là một dẫn chứng điển hình.
Hay trường hợp hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bị Hải quan phát hiện khai báo giá trị hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị thực (có trường hợp giá “rẻ” chỉ bằng non nửa). Hiện, toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc này đã được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bên cạnh đó, tình trạng gian lận phổ biến khác đó là khai sai mã hàng hóa, khai sai, giả mạo xuất xứ, nhập nhiều khai ít... Xe Vespa của Italia, nhưng có doanh nghiệp nhập khẩu lại khai là xe được sản xuất tại Đài Loan - TQ (giả mạo xuất xứ).
Nhưng chỉ sau khi thông quan, cũng loại xe này đã được bán tại thị trường trong nước với giá xe nhập khẩu chính hiệu. Hay Công ty TNHH Nam Nguyên (TP Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu lậu gỗ trắc, gỗ cẩm lai nhưng toàn bộ những container gỗ lậu này được khai báo hải quan là xơ dừa - mặt hàng khuyến khích xuất khẩu và không có thuế.
Sau khi lật tẩy trò gian lận này, cơ quan Công an phối hợp với cơ quan Hải quan còn làm rõ, Nam Nguyên đã xuất lậu hơn 100 container gỗ lậu sang Trung Quốc “dưới vỏ” xơ dừa ...
Bảo Nguyên
Kỳ II: Hải quan biết gian lận có khi cũng chịu?