Thực hiện Nghị quyết 388 của ủy ban Thường vụ Quốc hội: Còn nhiều vướng mắc
Kỳ cuối: Cần có Luật bồi thường Nhà nước
(ANTĐ) - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 388, nhiều người đã được minh oan, khôi phục danh dự để họ thanh thản, quên đi quá khứ và bước sang trang mới của cuộc đời. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 388 cũng đã bộc lộ những vướng mắc cần được tháo gỡ và rút kinh nghiệm. Từ thực tế đó, một yêu cầu cấp bách đặt ra, chúng ta cần sớm ban hành Luật Bồi thường Nhà nước (Luật BTNN) để nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức Nhà nước và công dân có nhiều điều kiện, cơ hội bảo vệ mình.
>>>Những bài học về thực hiện Nghị quyết 388 của Hà Nội
Đa số những người bị oan theo Nghị quyết 388 đều phải trải qua một thời gian dài sống với những bi kịch. Chúng tôi có dịp gặp gỡ, nghe một số người kể về quãng đời đau buồn ấy. Với họ, cái họ cần nhất là khôi phục danh dự, còn vật chất, thật khó có thể rạch ròi chi tiết các khoản cần bồi thường. Bà Nguyễn Thị Tình từng bị bắt tạm giam mấy tháng, cuộc sống gia đình bà rơi vào khốn khó. Những bất hạnh liên tiếp ập đến khiến chồng con bà phải bán ngôi nhà rộng rãi đang ở để đổi ngôi nhà khác lấy số tiền dư ra trả nợ. Hay anh Hoàng Hữu Hương ở Bắc Giang, khi bị bắt rồi tòa xử tuyên không phạm tội, người vợ trẻ ở nhà rơi vào cảnh túng quẫn, phải rất vất vả để nuôi hai cháu nhỏ. Bà mẹ anh vì chuyện đó mà sinh bệnh, ốm đau liên miên. Lúc anh được trả tự do, đoàn tụ cùng gia đình thì cụ qua đời.
Nói về những điều đó để thấy những oan sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra đã để lại những hậu quả nặng nề. Để Nghị quyết 388 thật sự có ý nghĩa, trong thời gian tới, các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát cần thực hiện tốt một số nội dung như: Xem xét các khoản bồi thường thu nhập thực tế của người bị oan một cách thỏa đáng; Bồi thường trong trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ sau khi được tại ngoại hoặc chấp hành xong hình phạt mà bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng; Cách giải quyết việc bồi thường khi cả hai bên đều thất lạc những tài liệu cần thiết... Đây là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn giải quyết yêu cầu của đương sự theo Nghị quyết 388 và cần thực hiện khẩn trương trong thời gian tới để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, trong tương lai, Luật BTNN sẽ ra đời và Cục BTNN trực thuộc Bộ Tư pháp sẽ được thành lập, trực tiếp giải quyết những việc này.
Những quy định về BTNN của nước ta đã có từ lâu, tuy nhiên các quy định này lại phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính hệ thống và hiệu lực thấp. Các loại thiệt hại được Nhà nước bồi thường được quy định còn chung chung, chưa cụ thể nên khó áp dụng. Đa số các quy định này chỉ quy định về bồi thường vật chất, tinh thần, nhưng còn những thiệt hại khác như phục hồi vị trí công tác, chế độ hưu trí với cá nhân lại chưa rõ ràng.
Trong trường hợp bên bị oan là doanh nghiệp cũng chưa tính hết những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu khi chủ doanh nghiệp bị bắt, tạm giam, tạm giữ hay chấp hành hình phạt tù đã gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tục giải quyết bồi thường chưa thống nhất nên dẫn đến những hạn chế cho bên bị thiệt hại. Về phía công chức nếu gây thiệt hại khi thi hành công vụ cũng chưa quy định rõ ràng và chưa có tác dụng giáo dục trực tiếp. Thực tế là chưa có công chức nào gây thiệt hại phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả mà chủ yếu là xử lý nội bộ.
Với những lý do đó, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp đang soạn thảo lần 3 Luật BTNN và theo dự kiến, khoảng cuối năm 2009, Quốc hội sẽ thông qua luật này. Theo tinh thần của bản dự thảo, Luật BTNN sẽ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại do công chức gây ra trong khi thi hành công vụ; trách nhiệm đền bù của Nhà nước đối với thiệt hại của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; thủ tục khôi phục uy tín, danh dự; kinh phí bồi thường, đền bù và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại.
Luật BTNN gồm 6 chương, 46 điều là một bước ngoặt quan trọng trong việc dân chủ hóa đời sống xã hội. Những quy định của Luật BTNN đã đặt địa vị pháp lý của người dân ngang bằng với Nhà nước. Cụ thể, nếu người dân yêu cầu bồi thường có căn cứ pháp lý, Nhà nước phải bồi thường khi các công chức, viên chức của mình có lỗi. Nó có một ý nghĩa to lớn trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính của đất nước, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội và để người dân thực sự làm chủ mọi mặt của đời sống.
Nguyễn Tuấn