Kỳ 1: Những món nợ khó trả

(ANTĐ) - Xuất phát từ nhu cầu thực tế của rất nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), một số tổ chức, cá nhân… làm ăn bất chính đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động (LĐ). Thời gian gần đây, nhiều vụ án đã được triệt phá, kẻ lừa đảo phải vào tù nhưng còn người LĐ thì phải gồng mình với món nợ khó trả.

Lừa đảo xuất khẩu lao động:

Kỳ 1: Những món nợ khó trả

(ANTĐ) - Xuất phát từ nhu cầu thực tế của rất nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), một số tổ chức, cá nhân… làm ăn bất chính đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động (LĐ). Thời gian gần đây, nhiều vụ án đã được triệt phá, kẻ lừa đảo phải vào tù nhưng còn người LĐ thì phải gồng mình với món nợ khó trả.

Một đối tượng lừa đảo việc làm bị công an bắt giữ cuối năm 2010
Một đối tượng lừa đảo việc làm bị công an bắt giữ cuối năm 2010

Những “con mồi” béo bở

Hơn hai năm trời, anh Nguyễn Tuấn Hoàng (trú tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) phải phiêu bạt đến tỉnh Bắc Ninh để trốn nợ. Hoàn cảnh éo le đưa đẩy anh đến những ngày tăm tối như thế bắt nguồn từ giấc mộng “đổi đời”. Năm 2006, anh Hoàng bàn với vợ vay tiền để đi LĐ ở Hàn Quốc. Do không tìm hiểu kỹ về thông tin của nhà tuyển dụng nên anh đã mắc phải vố lừa đau đớn.

Khoản tiền hơn 3.000 USD anh Hoàng nộp cho Dương Lê Thắng (SN 1960, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần T.B.V.H  có trụ sở tại lô 12 B14A, khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành món nợ không biết bao giờ mới đòi lại được. Điều đáng nói, toàn bộ số tiền trên do vợ chồng anh tích góp được từ việc bán những tài sản có giá trị trong gia đình và vay của người bạn thân, quen.

Cùng cảnh với anh Hoàng, anh Trần Ngọc Tú (trú tại xã Danh Thắng, thị trấn Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) vay tiền của nhiều người thân và đem toàn bộ giấy tờ mảnh đất tổ tiên để lại cùng căn nhà cấp bốn đang ở để thế chấp ngân hàng. “Hơn 4.000 USD là toàn bộ vốn liếng để anh đổi vận. Đến công ty của Dương Lê Thắng nộp hồ sơ và tiền đầy đủ nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh gì. Chỉ khi cơ quan CSĐT mời anh lên làm việc với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì mới vỡ lẽ mình đã bị mắc lừa. Sự việc đến tai người thân, không đòi được tiền, hết hạn vay ngân hàng phát mãi mảnh đất và căn nhà thế chấp theo quy định.

Cũng từ đó, vợ con anh đành phải nương nhờ nhà người thân còn anh thì trốn nợ và đến một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh làm công nhân với những đồng lương ít ỏi. Mới đây, Dương Văn Thắng bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc Thắng phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt của gần 40 bị hại theo quy định của pháp luật. Tòa tuyên là vậy nhưng biết bao giờ mới được lấy lại tiền?” - anh Tú ngậm ngùi kể lại.

Người tìm việc cần thận trọng trước thông tin tuyển dụng. Ảnh minh họa.
Người tìm việc cần thận trọng trước thông tin tuyển dụng. Ảnh minh họa.

Nước mắt phu hồ

Có thể thấy, sau hàng loạt vụ án lừa đảo XKLĐ bị triệt phá thì nguyên nhân chính được xem bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người LĐ khi không tìm hiểu kỹ thông tin về nhà tuyển dụng và thị trường XKLĐ có đúng như lời hứa của nhà tuyển dụng hay không? Điển hình như vụ án lừa đảo hàng chục người lao động ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà Dương Lê Thắng đã “qua mặt” dễ dàng. Thực tế, Công ty cổ phần T.B.V.H mặc dù không có chức năng đưa người đi XKLĐ nhưng Dương Lê Thắng vẫn “vẽ” ra những viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng ở nơi xứ người để người LĐ mắc bẫy và ôm cả món nợ “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, năm 2010, tám nông dân đều thuộc xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từng cầm đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí nhờ lên tiếng giúp đỡ. Năm 2008, họ đi XKLĐ sang Nga nhưng chỉ sau 8 tháng đã phải về nước trước thời hạn do không được nhà sử dụng LĐ trả lương.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Vũ Văn Nhi (bố của anh Vũ Văn Thức, SN 1984) bộc bạch: “Con trai tôi cùng 7 anh em khác sang Nga từ tháng 11-2008. Tất cả đều làm nghề thợ xây, phu hồ cho một ông chủ là người Việt. Làm việc quần quật từ sáng tới chiều, thậm chí có hôm phải làm cả đêm, ăn rau, ăn cháo. Nhưng suốt 8 tháng liền, tất cả đều không được trả một đồng lương nào”.

Còn anh Đậu Văn Nghĩa (SN 1967) cho hay: “Do chủ sử dụng không đủ khả năng chi trả lương nên sau 8 tháng làm việc không công, chúng tôi đòi về và họ đồng ý. Thật là chua xót vì khi ra đi, cả làng ai cũng mừng thầm, rằng anh em được đi XKLĐ là được “đổi đời”. Giờ trở về với đôi bàn tay trắng. Trước khi đi, mỗi anh em phải nộp cho công ty mức tiền là 2.500 USD”.

Theo anh Nghĩa, đó là mức tiền rất lớn với người nông dân. Hầu như tất cả đều phải vay mượn ngân hàng, vay lãi nóng của bà con. Chẳng hạn như cha con ông Nhi, để được “xuất ngoại” đã phải vay của Ngân hàng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu 20 triệu đồng và 15 chỉ vàng vay của người làng, sau lại vay thêm 5 triệu đồng nữa để cho con mua quần áo. Còn anh Nghĩa cũng phải vay ngân hàng với lãi suất là 1,7% mỗi tháng và vay nóng ở bên ngoài cứ mỗi triệu đồng là 2.000 đồng/ngày. Tổng cộng là 45 triệu đồng. Trở về tay trắng, tiền lãi cứ dần lớn lên, giờ tổng nợ của anh đã lên tới 60 triệu đồng.

Bất bình với kiểu tổ chức XKLĐ “đem con bỏ chợ”, công ty môi giới không có trách nhiệm với phía đối tác bên kia, thời gian qua, cả nhóm LĐ này liên tục từ Nghệ An ra Hà Nội để gặp giám đốc công ty đòi nợ. Trong khi công ty đã nhiều lần hẹn làm việc nhưng rồi giữa hai bên lại không thể giải quyết được. Mà một khi tiền nợ không đòi lại được thì lãi lời cứ nhân lên. Mới đây, khi không còn khả năng để trả nợ nữa, anh Nghĩa đã buộc phải bán cả mảnh đất mình đang ở, nhưng vẫn chưa đủ xóa nợ.                      

(Còn nữa)

Thanh Quang

(Một số bị hại trong bài đã được đổi tên)