Công an Hà Nội phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả tội phạm gây án nghiêm trọng (2)

Kiểm tra, rà soát đối tượng, không để tội phạm có điều kiện hoạt động

ANTD.VN - Vừa tập trung điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát Hình sự (CSHS), CATP còn tập trung xây dựng các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này. 

Trong nhiều tháng của năm 2018, trên địa bàn thành phố không xảy ra các vụ án manh động liên quan đến các trọng hộ. Kết quả này có được bởi sự chủ động, nhạy cảm và tinh thần quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm của lực lượng CSHS - CATP Hà Nội.

Kiểm tra, rà soát đối tượng, không để tội phạm có điều kiện hoạt động ảnh 1Đối tượng gây án nghiêm trọng (X) đang thực nghiệm lại hiện trường vụ trọng án

Chủ động khoanh vùng đối tượng

Những kết quả về công tác điều tra khám phá án của Phòng CSHS cũng như Công an các quận, huyện và thị xã của CATP Hà Nội từ đầu năm đến nay góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả điều tra khám phá án, đó chính là khi xảy ra những vụ trọng án giết người, các vụ chết chưa rõ nguyên nhân, các đơn vị đã thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, chủ động trong công tác phối hợp. Thái độ quyết liệt, tập trung của các đơn vị đã giúp cho công tác điều tra khám phá nhanh, bắt giữ được các đối tượng gây án, đảm bảo an toàn cho lực lượng đánh án cũng như đối tượng bị bắt giữ.

Không chỉ đạt tỷ lệ điều tra phá án cao, CATP Hà Nội còn tập trung tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm. Xác định, tội phạm có thể gây án ở bất cứ đâu, nhắm vào bất cứ ai, nên kế hoạch phòng ngừa chung được xây dựng cụ thể. Trong những kế hoạch này, các trường hợp, vị trí, dễ là điểm ngắm của tội phạm như những người hành nghề “xe ôm”, taxi... được Phòng CSHS đặc biệt quan tâm. 

Thông tin với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, chỉ huy Phòng CSHS cho biết, trong thời gian từ tháng 11-2017 đến giữa tháng 5-2018, trên địa bàn thành phố không xảy ra bất cứ một vụ án giết người, cướp tài sản nào liên quan đến nạn nhân là những người hành nghề “xe ôm”, taxi; các vụ trọng án liên quan đến đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”; trọng hộ, hộ độc thân; các vụ án đầu trộm đuôi cướp, các vụ án giết nhiều người có tính chất phức tạp. Kết quả này đã phản ánh được sự cố gắng, nỗ lực không chỉ của lực lượng CSHS mà còn của tất cả các lực lượng trong CATP Hà Nội.

Và một trong những yếu tố để kéo giảm, phòng ngừa tội phạm nhằm vào các đối tượng này, là sự chú trọng tuyên truyền. “Công tác tuyên truyền được CSHS và Công an cơ sở thực hiện thường xuyên, giúp cho họ hiểu, biết được phương thức thủ đoạn gây án của các đối tượng phạm tội, qua đó chủ động hơn trong việc phòng ngừa, giảm thiểu tối đa những nguy cơ gây mất an ninh trật tự”, chỉ huy Phòng CSHS chia sẻ. 

Kiểm tra, rà soát đối tượng, không để tội phạm có điều kiện hoạt động ảnh 2Lực lượng Công an Hà Nội đang khám nghiệm hiện trường vụ trọng án

Phòng ngừa những nguy cơ hiện hữu

Công tác phòng ngừa tội phạm gây án nghiêm trọng đã và đang được lực lượng CSHS triển khai mạnh mẽ, hiệu quả đến những người lao động, làm ăn ở tỉnh ngoài đến Hà Nội hoặc di chuyển qua địa bàn. Thống kê của CATP Hà Nội cho thấy, hoạt động của đối tượng hình sự là người tỉnh ngoài, các đối tượng hình sự ở ngoại thành vào nội thành gây án trong năm 2018 đã giảm sâu so với năm 2017. Đa số những vụ án xảy ra ở các huyện ngoại thành có liên quan đến trộm cắp tài sản, mâu thuẫn bộc phát...

Trong khi công tác phòng ngừa các đối tượng hình sự, phạm pháp được triển khai hiệu quả thì tình trạng người tâm thần gây án lại đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, trong đó có một số vụ án đối tượng tâm thần ở một nơi nhưng đến địa bàn khác gây án. Để phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án, CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS cũng như Công an các đơn vị tập trung rà soát, lập danh sách những người thần kinh có biểu hiện, xu hướng bạo lực, hay số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” để theo dõi, quản lý bằng nghiệp vụ công an. 

Biện pháp mà chỉ huy Phòng CSHS đưa ra, đó là đối với các đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, cần nắm chắc tình hình, diễn biến bệnh của đối tượng, đặc biệt biệt chú ý nếu bệnh nặng thì vận động gia đình đưa đi cơ sở chữa bệnh, quản lý. Công an các đơn vị quận, huyện và thị xã cũng chủ động hơn trong công tác nắm tình hình, tăng cường tuần tra kiểm soát ban đêm, không để tội phạm có điều kiện hoạt động phạm tội. Đặc biệt, chú trọng công tác rà soát tình hình số công dân thuê trọ, nhất là những người tỉnh ngoài về Hà Nội thuê trọ, sinh viên, học sinh, số đối tượng có biểu hiện bất minh về kinh tế, thời gian giờ giấc sinh hoạt...

“Chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội về việc nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm gây án nghiêm trọng và trọng án; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá, phòng ngừa đối với các hệ loại đối tượng nhằm không để tội phạm có điều kiện hoạt động, chặn đứng ngay từ trong trứng nước những hành vi gây án...” - chỉ huy Phòng CSHS cho biết.

GS.TS Trịnh Hòa Bình (Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam): Yếu tố tâm lý và xã hội là nguyên nhân dẫn đến các vụ án nghiêm trọng

“Nguyên nhân dẫn đến các vụ án nghiêm trọng là do sự tác động của cả hai yếu tố tâm lý và xã hội trong bản thân đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, yếu tố xã hội chỉ đóng vai trò điều kiện nảy sinh hành vi, yếu tố tâm lý quyết định đến việc hình thành động cơ, trực tiếp làm nảy sinh hành vi phạm tội.

Hầu hết các vụ trọng án đều xuất phát từ những mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong đời sống sinh hoạt, công việc, quan hệ tình cảm... Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày không được giải quyết chỉ cần một tác động nhỏ có thể bùng phát, dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm. Bởi các đối tượng này đã chất chứa bên trong trạng thái tâm lý tiêu cực đến đỉnh điểm, đó là lòng thù hận hay đố kỵ, họ sẵn sàng giải tỏa bằng cách gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện nay đối với mỗi cá nhân cũng khá lớn, chưa nói đến việc không ít người có lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm, coi bản thân là trên hết, không quan tâm đến những người xung quanh. 

Nhằm hạn chế những vụ trọng án có thể xảy ra tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là trang bị các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện tội phạm, kỹ năng xử lý khi đối mặt với tội phạm. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần phải quan tâm giáo dục giá trị sống cho các thế hệ, góp phần hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách cá nhân, trang bị kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, trong đó có các kỹ năng điều chỉnh, kiềm chế nhu cầu, hứng thú, cảm xúc tiêu cực. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mang tính man rợ, mất nhân tính để đảm bảo tính răn đe”.