Không nên bỏ án tử hình với một số tội về ma túy, tham nhũng

ANTĐ - Giảm án tử hình nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế. Điều này được thể hiện rõ trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi. Tuy vậy, đối với một số tội danh, việc không áp dụng hình phạt tử hình cần được xem xét kỹ lưỡng.

“Tôi không đồng tình việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Bởi lẽ, thời gian qua, khi khám phá nhiều vụ án ma túy lớn, các lực lượng chức năng đã phải chịu tổn thất không nhỏ về người do đối tượng vận chuyển có thủ đoạn tinh vi, cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí, nên khi bị phát hiện đã sẵn sàng chống trả quyết liệt, ngoan cố đến cùng.

Bên cạnh đó, để đến được tay người tiêu thụ, ma túy phải qua một quá trình, từ sản xuất, vận chuyển, đến phân phối và tiêu thụ. Nếu không có công đoạn vận chuyển thì không thể có hàng trăm, hàng nghìn kilôgam ma túy từ nơi sản xuất đến đối tượng tiêu thụ được. Có thể nói, vận chuyển ma túy là một khâu rất quan trọng trong hành trình tội ác, giữ vai trò quyết định để ma túy có thể xâm nhập vào khắp các hang cùng ngõ hẻm.

Việc không áp dụng hình phạt tử hình với tội danh này đồng nghĩa với khuyến khích, dung túng cho kẻ ác, mở đường cho ma túy từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, thay vì bỏ hình phạt tử hình với tội danh này, BLHS cần quy định lượng ma túy được vận chuyển ở mức nào thì áp dụng khung hình phạt cao nhất. Trong đó, trách nhiệm hình sự của người chủ mưu trong vận chuyển, gắn với mua bán chất ma túy sẽ khác với việc người nghèo vận chuyển thuê.

Bằng cách này, chúng ta có thể giảm án tử hình. Liên quan đến một số tội phạm về tham nhũng (tội nhận hối lộ, tội tham ô), tôi cho rằng, việc bỏ tử hình đối với những tội này sẽ bất lợi cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây là các tội gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, là quốc nạn, gây lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng không chỉ làm thất thoát tiền của nhà nước, của nhân dân mà còn làm đảo lộn mọi giá trị xã hội và phá vỡ trật tự trong các cơ quan nhà nước. 

Thời gian qua, chúng ta đã kiên quyết phòng, chống tham nhũng nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Không ít người cho rằng, nếu tử hình tội phạm tham nhũng thì không có cơ hội, cơ chế nào cho họ khôi phục lại những thiệt hại mà hành vi phạm tội của họ gây ra. Song theo cá nhân tôi, chúng ta không thể vì thế mà đánh đổi lòng tin của nhân dân. Việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, dễ dẫn đến hiểu nhầm là pháp luật nương tay với quan tham. Để ngăn chặn nạn tham nhũng, tôi đề nghị phải có hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những tội danh này”.