“Tra tấn” dã man trẻ em tại quận Thủ Đức - TP.HCM

Không chỉ khởi tố “bảo mẫu” mà phải xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương

ANTĐ - Ngày 13-12, một clip về sự đày đọa tàn ác của những cô giáo trong Trường Mầm non tư thục Phương Anh (số 18, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã được Báo Tuổi Trẻ TP.HCM đăng tải, nhanh chóng nhận được nhiều sự chú ý và gây phẫn nộ trong dư luận. 
Không chỉ khởi tố “bảo mẫu” mà phải xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương ảnh 1


Nội dung vụ án

Clip thể hiện: Khoảng 10h40’ ngày 10-12, tại khu cho trẻ ăn, một bé gái 10 tháng tuổi gày gò, xanh xao gào khóc thất thanh vì bị bà Lê Thị Đông Phương dùng chân kẹp người, kê đầu lên mặt bàn rồi dùng tay đè đầu, bịt mũi cho uống sữa. Bé gái càng giãy giụa, bà Phương lại càng đè đùi lên người đổ sữa vào miệng. Lúc sau, bé gái khóc càng dữ dội, miệng trào sữa liên tục, bà Phương luôn miệng chửi rủa, rồi dùng khăn bịt kín miệng, mũi rồi nắm đầu bé gái lắc mạnh hàng chục lần. Ngày 11-12, bà Phương tiếp tục cho 3 trẻ ăn. Bà Phương ngồi tại ghế và bắt bé trai đứng để đút cháo. Nhiều lần bé trai muốn nôn thì ngay tức khắc bà Phương dùng roi nhựa đánh vào chân, và dùng tay dúi mạnh vào trán làm bé trai ngã ngửa ra sau. Sau khi cho bé trai này ăn xong, bà Phương tiếp tục xách bé gái 10 tháng tuổi ghì nằm ngửa xuống bàn đổ cháo vào miệng. Cũng giống như những lần trước, lần này bà Phương cũng dùng chân kẹp, đè lên người bé gái rồi bẻ ngửa mặt ra phía sau bịt mũi đổ cháo. Thậm chí có lúc cháu bé nôn cháo ra chén, bà Phương đổ ngược thức ăn vừa nôn cho cháu bé ăn lại. Trong sáng  11-12, khi vừa dứt tay hành hạ bé gái 10 tháng tuổi, bà Phương lao vào kéo bé trai gương mặt kháu khỉnh tát bôm bốp vào mặt, sau đó dùng hai tay bóp cổ cháu bé. Bé trai bị bà Phương xô văng ra khoảng 1m. Không dừng lại ở đó, bà Phương kéo, xô đẩy và khóa chặt hai tay bé trai này đánh đấm túi bụi. Chỉ trong vòng khoảng 1 phút, bà Phương đã nắm tay, giật cổ áo tát 28 cái vào mặt và lưng đứa bé, miệng không ngớt tiếng chửi rủa.

Người thứ hai, là  Nguyễn Lê Thiên Lý, SN 1994. Cô Lý có hành vi rõ nét nhất trong đoạn clip gây phẫn nộ, khai thường xuyên làm nhiệm vụ bảo mẫu, cụ thể là trông trẻ và cho các bé ăn vào mỗi buổi trưa. Những hình ảnh trong  clip cho thấy, cô Lý túm cổ các trẻ nhỏ, đặt lên ghế rồi đút liêp tiếp các muỗng thức ăn vào miệng bé. Khi một bé trai vừa ăn được vài thìa và có dấu hiệu nôn ói, lập tức cô này trợn mắt, tay trái bóp mạnh vào đỉnh đầu, ghì toàn thân em xuống sát đất, tay phải cô ta đập mạnh khoảng chục cái vào sống lưng, đầu và hông bé. Mặc kệ bé trai giãy giụa, khóc thét, bàn tay bé xíu níu chặt áo mình, bảo mẫu này vẫn tiếp tục xuống tay. Chưa dừng lại ở đó, một lúc sau, cô ta tiếp tục bặm môi, vạch hai bàn tay của bé trai này đánh 6 cái. Mỗi lần bị đánh, thức ăn từ miệng bé lại phun xuống nền đất. Những hình ảnh khác cho thấy cô này xúc cơm dồn dập khiến miệng một bé gái căng phồng rồi phun thức ăn ra ngoài. Lập tức, bảo mẫu vứt bát cơm sang một bên, dùng hai tay xốc ngược bé gái lên cao rồi nắm tóc cho chúi đầu vào trong thùng đựng nước cao khoảng 1,5m bên cạnh mặc cho bé la hét, hai tay bấu víu vào cô ta. 

Tài liệu điều tra cho thấy: Trường Mầm non tư thục Phương Anh do bà Lê Thị Đông Phương quản lý hiện nhận chăm sóc 22 cháu bé từ 10 tháng đến 4 tuổi, hoạt động khoảng 1 năm nay nhưng chưa có giấy phép hoạt động do cơ quan chức năng cấp. Chiều 17-12, Công an quận Thủ Đức đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 2 người gồm: Lê Thị Đông Phương (SN 1982, trú tại đường Nguyễn Duy,  P.9, Q.8, là trưởng nhóm hay còn gọi là chủ Trường Mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (SN 1994, trú tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, là nhân viên cấp dưỡng, dạng thử việc của Trường Mầm non Phương Anh). Hiện cơ quan công an đang xem xét, củng cố hồ sơ. Được biết, Công an quận Thủ Đức đã tổ chức đưa các cháu bé có mặt trong đoạn clip đi khám sức khỏe.

Vấn đề cần được xem xét là các cô bảo mẫu dã man này sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật và còn những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này?

Ý kiến bạn đọc 

Hàng vạn phụ huynh căm phẫn trước sự tàn bạo của các “bảo mẫu”

Không phải là con tôi nhưng nhìn vào những hành động mà các bảo mẫu tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh làm đối với các bé, tôi không thể kìm được sự tức giận, rùng mình trước sự tàn nhẫn, vô cảm của họ. Nhìn các cháu bấu víu, van xin những vẫn bị hành hạ trong bữa ăn mà xót thương, ứa nước mắt”. Chúng ta đang sống trong một Nhà nước có pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị nghiêm trị. Thời gian gần đây các vụ “bảo mẫu” hành hạ, đánh chết trẻ em diễn ra liên tục, đã có nhiều vụ bị xử lý, song hành vi phạm tội đối với trẻ em vẫn chưa dừng lại. Tôi cho rằng cần phải truy tố tội hình sự đối với những bảo mẫu này về tội cố ý gây thương tích và phải xét xử lưu động công khai để nhiều người dân được biết. Các cháu nhỏ ở nhà trẻ này không chỉ bị thương tích về thể xác mà còn bị thương tích cả về mặt tinh thần. Hành vi này là rất nghiêm trọng không thể tha thứ! 

Chị Lê Thanh Phương (P. Nghĩa Đô, Hà Nội)

Cần phải xử lý hình sự về tội hành hạ trẻ em

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều có điều luật trừng trị những kẻ hành hạ trẻ em. Pháp luật Hình sự Việt Nam đã có điều luật tương ứng (Điều 110, BLHS) quy định về Tội hành hạ người khác. Theo đó, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình, như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi bạo lực. Về hình phạt dành cho loại tội phạm này, nhẹ thì phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Hành vi đánh, tát, đe dọa rất dã man và độc ác của các bảo mẫu Trường Mầm non tư thục Phương Anh đối với các bé đã có dấu hiệu hành hạ người khác. Tội hành hạ người khác quy định rõ người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Trường hợp này, các em bé là người phụ thuộc và các bảo mẫu là người đối xử tàn ác với bằng chứng là đánh, tát, ép ăn, nhúng nước… Ngoài ra, các bảo mẫu này còn “dính” tình tiết tăng nặng ở khoản 2, điểm a, b là phạm tội với trẻ em, phạm tội nhiều lần. Khung hình phạt tối đa lên đến 3 năm tù giam. 

          Ông Hoàng Ngọc Tuyển (Q.1, TP.HCM)

Bình luận của luật sư


Công an quậnThủ Đức xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can là có cơ sở. Các cô “bảo mẫu” này đã có những hành vi hết sức tàn nhẫn, gây đau đớn, tổn thương cho những đứa trẻ được chính các cô nuôi dạy tại trường. Hành vi trên không chỉ vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức mà còn có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Những đứa trẻ không có tội tình gì, hoàn toàn không có khả năng tự vệ, phụ thuộc vào cô nuôi dạy trẻ vì cha mẹ các bé đã giao trẻ cho cô nhưng lại bị chính các cô “tra tấn” khi cho ăn, quấy khóc. Những hình ảnh đau lòng của đoạn phim cho thấy những đứa trẻ đã bị cô nuôi dạy trẻ xâm phạm về thể xác và chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần. Hành vi của các cô nuôi dạy trẻ tại cơ sở mầm non trên đã có dấu hiệu của Tội hành hạ người khác. 

Thêm nữa, Trường Mầm non tư thục Phương Anh hoạt động khi chưa có giấy phép kinh doanh là hành vi vi phạm về việc Tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (vi phạm điểm a, khoản 4, điều 8, Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 8/6/2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục). Hành vi này đã gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy có thể xem xét khởi tố bà Phương thêm theo Điều 159 (BLHS) Tội kinh doanh trái phép: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra vụ việc hành hạ trẻ em trên địa bàn của mình. Theo Chỉ thị số 1408/CT-TTG ngày 1/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: 

12. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm quyền trẻ em… phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng… Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em, vi phạm quyền trẻ em tại địa phương.

Trong trường hợp cụ thể này, các cơ quan chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước đã để xảy ra một vụ việc kinh doanh không phép trong một ngành kinh doanh có điều kiện trong hơn một năm, đã xử phạt hành chính nhưng không theo dõi, kiểm tra, dẫn đến một vụ hành hạ dã man trẻ em gây bức xúc dư luận cả nước. Rõ ràng các cơ quan chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sai sót này và nếu phát hiện có hành vi bao che, bảo kê, các cá nhân vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.