Không biết rõ hành vi phạm tội sẽ không bị xem xét xử lý hình sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi:  Như thế nào thì bị xử lý về tội “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”, thưa luật sư? Cách đây 3 tháng, có người bạn đột ngột đến nhà tôi xin ngủ nhờ một đêm. Sau đó, bạn tôi cho biết, ngay trước khi đến ngủ nhờ anh ta vừa tham gia một vụ đánh nhau nhưng không biết nạn nhân chết hay không. Khi đó, tôi khuyên bạn ra cơ quan Công an đầu thú, anh ấy chỉ nói “để xem thế nào”… Mới đây, bạn tôi bị bắt giữ và tôi cũng bị cơ quan Công an mời lên làm việc vì người bị bạn tôi đánh đã tử vong. Hiện tôi rất lo lắng... Nguyễn Quang Trung (Q. Thanh Xuân, Hà Nội)
 

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh Đ/c: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư trả lời: 

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, “Che giấu tội phạm” là hành vi của một người không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.

Vì sao lại “không hứa hẹn trước” thì mới là hành vi che giấu tội phạm? Bởi lẽ, nếu hứa hẹn trước thì trở thành đồng phạm với đối tượng. Tức là đối tượng phạm tội gì thì người hứa hẹn phạm tội đó. Còn “Không tố giác tội phạm” là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

Việc che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm phải đi kèm với điều kiện là người che giấu, người không tố giác biết rõ có hành vi phạm tội xảy ra (tức là có đủ căn cứ để biết rằng thực sự có việc phạm tội xảy ra) nhưng vẫn che giấu hoặc không tố giác. Nếu không biết rõ có hành vi phạm tội xảy ra thì không phạm tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.

Ví dụ: A kể với B rằng vừa cướp tài sản là một chiếc đồng hồ. A chỉ kể như vậy và không nói thêm điều gì nữa. Như vậy không thể coi B đã biết rõ hành vi phạm tội của A. Giả sử nếu đúng là A cướp tài sản và sau đó cơ quan chức năng xử lý hình sự A thì cũng không thể xử lý B về tội không tố giác tội phạm vì B không biết được A nói thật hay nói dối.

Đối với trường hợp bạn nêu, nếu bạn chỉ nghe anh ta nói rằng vừa đánh nhau xong, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh bản thân đã đánh nhau thì bạn không phải là "biết rõ" anh ta phạm tội. Do vậy bạn không có nghĩa vụ phải trình báo với cơ quan chức năng về việc anh ta đánh nhau.

Thậm chí nếu trình báo khi chưa có căn cứ xác đáng thì đôi khi bạn lại còn có thể bị xử lý về hành vi vu khống. Hơn nữa theo quy định tại Điều 390, 389 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, không có tội không tố giác hành vi cố ý gây thương tích, tức là giả sử thực sự có việc anh ta đánh nhau và bạn có đủ thông tin để biết điều đó đã xảy ra, bạn cũng không bị pháp luật buộc phải tố giác hành vi đánh nhau của anh ta. Do đó bạn không phạm tội không tố giác tội phạm.

Điều đáng biểu dương ở bạn là khi anh ta kể rằng đã đánh nhau, dù không biết rõ điều anh ta kể có chính xác hay không, dù không có nghĩa vụ phải tố giác với cơ quan chức năng nhưng bạn vẫn động viên anh ta trình báo với cơ quan pháp luật. Việc này cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật cao của bạn. Chắc chắc cơ quan chức năng sẽ ghi nhận thái độ tích cực này của bạn trong quá trình giải quyết vụ án.