Khó xác định vai trò của Viện KSND trong vụ án phi hình sự
(ANTĐ) - Từ thực tế xét xử cho thấy, trong các vụ án phi hình sự thì Viện Kiểm sát (VKS) chỉ giữ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong đó có hoạt động xét xử tức là tham dự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm nhưng giai đoạn sơ thẩm chỉ phát biểu về việc chấp hành pháp luật trong tố tụng.
Vai trò của VKS đến đâu?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) năm 2004, VKS là cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS. Các vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và vai trò của VKS chỉ được thể hiện đối với các vụ án, các vụ việc dân sự khi VKS kháng nghị bản án, quyết định của tòa án (theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm).
Trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật, VKS được thực hiện các quyền: Quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Tuy nhiên nếu như chỉ đến khâu phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm VKS mới tham gia thì nhiều nhà làm luật cho rằng, như thế thực sự chưa phát huy được hết vai trò của VKS. Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao VKS không tham gia ngay từ đầu? Tại sao Kiểm sát viên (KSV) chỉ tham gia và phát biểu ý kiến ở khâu xét xử sơ thẩm, không phát biểu về việc giải quyết vụ án nhưng từ phúc thẩm trở đi lại được phát biểu?
KSV giữ quyền công tố trong vụ án hình sự tại một phiên tòa |
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự: Thời gian qua, nhìn chung sự tham gia của VKS trong các vụ án phi hình sự còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được hết vai trò, chức năng của mình. Hiện nay, rất ít các vụ án dân sự có sự tham gia của VKS; còn trong các vụ án hành chính, VKS cũng chưa thật sự phát huy được vai trò tích cực và chủ động của mình. Thực trạng trên là do các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của VKS khi tham gia các vụ án phi hình sự còn nhiều thiếu sót, bất cập, không phù hợp với thực tiễn; một số KSV chưa nhận thức và thực hiện đúng và đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình.
Cần có những quy định rõ ràng
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, chúng ta vẫn nói VKS thì được thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, nhưng đến nay thế nào là thực hành quyền công tố lại chưa được làm rõ. Hầu như tất cả chúng ta đều nghĩ thực hành quyền công tố là dành riêng cho lĩnh vực hình sự, có nghĩa là VKS thay mặt Nhà nước đưa một người phạm tội ra tòa, nhưng hiện nay ngay bản thân Luật Tổ chức Viện kiểm sát cũng không hoàn toàn phân biệt thực hành quyền công tố và kiểm sát trong các vụ án hình sự, thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các vụ án dân sự. Do vậy, câu hỏi thế nào là thực hành quyền công tố cũng phải làm sáng tỏ.
Bàn về vai trò, chức năng của VKS trong các vụ án phi hình sự có rất nhiều ý kiến khác nhau, không thống nhất và chủ yếu tập trung vào hai vấn đề là nên mở rộng, tăng cường hay thu hẹp, hạn chế sự tham gia của VKS vào các vụ án phi hình sự? Có quan điểm thì cho rằng, sự tham gia của VKS vào các vụ án phi hình sự là điều hết sức cần thiết, bởi vì: Ở đâu có hoạt động xét xử, ở đó cần có sự giám sát, nhất là trong điều kiện trình độ chuyên môn của Thẩm phán, Hội thẩm và nhân dân còn nhiều hạn chế như hiện nay.
Mặt khác, với tư cách là cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước và xã hội, VKS cũng cần phải tham gia vào các vụ án phi hình sự, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Trên bình diện thế giới, VKS hay cơ quan công tố của phần lớn các quốc gia, ngoài việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, đều có những vai trò, nhiệm vụ nhất định trong các vụ án phi hình sự. Tuy nhiên cũng có quan điểm khác đưa ra, VKS chỉ nên thực hiện thuần tuý chức năng công tố của mình.
Thanh Quang