Khi chủ nợ trở thành bị hại

(ANTĐ) - Trước khi phạm tội, bị cáo đã từng là công chức làm việc tại Cục Kiểm soát an toàn bức xạ - Bộ Khoa học và công nghệ. Được ăn học đàng hoàng, chỉ tiếc bị cáo không dùng học vấn của mình phục vụ cho công việc, cho xã hội mà lại dùng tri thức vào chuyện lừa đảo. Bị cáo là Nguyễn Thế Khang (SN 1980), thường trú TT nghiên cứu mỏ Cống Thiên, Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội) bị TAND thành phố Hà Nội xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi chủ nợ trở thành bị hại

(ANTĐ) - Trước khi phạm tội, bị cáo đã từng là công chức làm việc tại Cục Kiểm soát an toàn bức xạ - Bộ Khoa học và công nghệ. Được ăn học đàng hoàng, chỉ tiếc bị cáo không dùng học vấn của mình phục vụ cho công việc, cho xã hội mà lại dùng tri thức vào chuyện lừa đảo. Bị cáo là Nguyễn Thế Khang (SN 1980), thường trú TT nghiên cứu mỏ Cống Thiên, Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội) bị TAND thành phố Hà Nội xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thế Khang
Bị cáo Nguyễn Thế Khang

Phiên tòa có khá đông người tham dự, hầu hết họ là chủ nợ, kiêm người bị hại của bị cáo. Theo cáo trạng, do cần tiền ăn tiêu và cờ bạc, Khang đã dùng mọi thủ đoạn từ nói ngọt, nói khéo đến hứa hẹn trả tiền với lãi suất cao... để vay tiền của chị Trịnh Thị Hải trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Do quá tin tưởng Khang nên tính đến

25-9-2006, chị Hải đã huy động tiền của người nhà, người thân, người quen... hơn 3 tỷ đồng để cho Khang vay. Tại phiên tòa, khi gặp những người vừa là ân nhân, vừa là chủ nợ, vừa là người bị hại, Khang gần như chối tội.

Theo chị Hải: “Tại cuộc gặp mặt ở Trại tạm giam Hà Nội hồi đầu năm 2008, để đối chất về các khoản vay, Khang thừa nhận đã vay số tiền như nêu trên của tôi, nhưng tại đây Khang lại chối tội”. 

Gặp lại chị Hải trong giờ nghỉ giải lao, chị thiểu não: “Hồi mới quen, tôi thấy Khang chân tình, chất phác, tôi tin tưởng nên đã nhận lời làm chị em kết nghĩa với chú ấy. Chuyện gì chị em cũng kể với nhau. Chú ấy tâm sự cần 1 khoản tiền lớn để lo công việc cho bản thân.

Chú ấy hứa nếu xong việc, chú ấy không những trả đủ cả gốc lẫn lãi mà còn lo cho con tôi 1 suất đi du học ở nước ngoài. Còn trong trường hợp không được việc, chú ấy sẽ bán nhà trả cho tôi. Chú ấy nói chú ấy có 8 cái nhà, tôi việc gì phải lo.

Vậy mà không ngờ...”. Bỏ ngoài tai mọi lời cảnh tỉnh, khuyên can của gia đình, người thân, chị Hải như bị “ma làm” cứ thun thút đưa tiền cho Khang mà không có giấy biên nhận.

Cũng trong giờ giải lao nghị án, người tham dự phiên tòa đã được chứng kiến sự phẫn nộ của các bị hại khác. Bà Chi ở Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội) bức xúc: “Chỉ 1 tháng nữa là vợ chồng tôi phải ra ngoài đường, ông ấy thì liệt, tôi thì “què”.

Những tưởng cho vay có lãi, thêm thắt tiền chăm sóc sức khỏe cho ông ấy, tôi đã đặt cả nhà cho ngân hàng. Bây giờ thì thế này đây! “Nhà tan, cửa nát” hết rồi, 2 thân già này biết đi đâu, về đâu?”.

Rồi bà khóc. Chị Thịnh ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Một mình Khang có thể giả giọng Bắc, Trung, Nam. Có lần nó khoe bố đẻ nó tên là Nguyễn Thế Khoa hiện đang là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp.

Và có lúc nó giả giọng bố nó “khuyên” tôi, nên tiếp tục cho nó vay tiền. Thậm chí, có lúc, nó còn giả giọng cả sếp của nó thuyết phục tôi cho nó vay tiền. Với cách làm như vậy, bảo sao chúng tôi không bị lừa”.

Anh Hùng ở Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội) bực tức: “Tôi không hiểu nó nghĩ gì? Nó có nghĩ đến luật nhân quả không? Vì nó mà vợ chồng tôi cãi nhau, bản thân tôi bị họ hàng mất niềm tin? Tôi không dám nhìn mặt họ hàng, nhìn mặt người thân nữa ”...

Do còn một số tình tiết chưa được làm rõ, nên phiên tòa tạm hoãn. Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra thêm. Phiên tòa kết thúc mà những bị hại vẫn còn tần ngần, chưa ra về.

Chị Hải trăn trở: “Nợ cả đống tiền, nhưng lại không có khả năng khắc phục hậu quả. Vậy ai sẽ là người chịu ngoài chính chúng tôi?”.

Trăn trở này cũng là bài học, kinh nghiệm cho mọi người. Có nhiều vụ lừa đảo đã bị đưa ra xét xử, nhưng dường như số nạn nhân của các vụ lừa đảo vẫn không giảm.

Khánh Linh