Khép lại vụ án 800 tỉ đồng: Thay đổi tội danh đối với đồng phạm của bị cáo Đinh La Thăng

ANTD.VN - Sau 8 ngày xét xử và nghị án, chiều 26-6, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết về vụ án gây thất thoát 800 tỉ đồng đối với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm.

Bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù

Theo đó, xét thấy kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960) – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là không có sơ sở chấp nhận nên HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, hồi tháng 3-2018.

Cụ thể, nguyên Chủ tịch PVN bị xử phạt 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt với bản án 13 năm tù cũng về tội “Cố ý làm trái…”, ở vụ án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trước đó, bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành mức án chung là 30 năm tù. Về dân sự, HĐXX buộc bị cáo Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỉ đồng.

Giữ vai trò phạm tội thứ 2, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (SN 1958) - nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán và Kiểm toán PVN cũng bị bác kháng cáo, đồng thời bị giữ nguyên 7 năm tù cũng về tội danh như bị cáo Đinh La Thăng và 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 23 năm tù.

HĐXX phúc thẩm xét xử vụ án gây thất thoát 800 tỉ đồng của PVN

Tiếp đến, bị cáo bị bác kháng cáo và y án sơ thẩm là Nguyễn Xuân Thắng (SN 1955) - nguyên Thành viên HĐTV PVN bị tuyên phạt 22 tháng tù.; Vũ Khánh Trường (SN 1954) -  nguyên thành viên HĐTV PVN bị áp dụng 5 năm tù; Nguyễn Thanh Liêm (SN 1955) - nguyên thành viên HĐTV PVN bị tuyên phạt 20 tháng cải tạo không giam giữ.

Riêng bị cáo Phan Đình Đức (SN 1960) - thành viên HĐTV PVN được thay đổi tội danh từ “Cố ý làm trái…” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và được thay đổi hình phạt từ 15 tháng cải tạo không giam giữ sang hình phạt cảnh cáo.

Cùng với các hình phạt nêu trên, 5 bị cáo giữ vai trò đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng còn bị tuyên buộc phải bồi thường về dân sự cho PVN. Số tiền tương ứng với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo là từ  15 tỉ đồng đến 100 tỉ đồng.

Đối với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – nguyên Phó TGĐ PVN, do bị cáo này rút toàn bộ kháng cáo ngay khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra nên HĐXX không xem xét. Điều này đồng nghĩa bị cáo Sơn phải chấp hành 30 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổng hợp hình phạt với mức án tử hình ở vụ án Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank) về tội “Tham ô tài sản” trước đó, nguyên Phó TGĐ PVN phải chấp hành mức án chung là tử hình. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng phải liên đới bồi thường thiệt hại cho PVN theo kỷ phần.

Cố ý làm trái… là không oan

Nhận định về vụ án khi đưa ra các phán quyết nêu trên, HĐXX phúc thẩm cho rằng PVN là tập đoàn nhà nước, hoạt động theo luật doanh nghiệp Nhà nước và những Nghị định liên quan. Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu PVN báo cáo thường xuyên về hoạt động tài chính.

Nghĩa vụ của PVN được quy định tại các điều trong Luật doanh nghiệp Nhà nước, chịu sự giám sát của Chính phủ, báo cáo tài chính, cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá hoạt động của PVN… HĐTV của PVN có quyền nhân danh PVN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Chính phủ về các hoạt động của PVN.

Bị cáo Đinh La Thăng  (nguyên Chủ tịch PVN) cùng các bị cáo liên quan.

Về việc góp vốn, HĐXX nhìn nhận, PVN sử dụng 800 tỉ đồng góp vốn vào Oceanbank là hoạt động đầu tư trực tiếp. Thủ tướng mới là người quyết định chủ trương để PVN góp vốn vào ngân hàng. HĐQT/HĐTV của PVN không có quyền quyết định chủ trương này. Nói cách khác, HĐQT/HĐTV PVN phải báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư góp vốn vào Oceanbank.

Với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, HĐQT PVN phải tham mưu cho Thủ  tướng về hoạt động này. Do vậy, những quan điểm cho rằng HĐQT được quyền đề ra chủ trương góp vốn và không nhất thiết phải xin ý kiến của Thủ tướng là không thể chấp nhận.

Mặt khác, theo quy định, mức vốn đầu tư không được quá 20% vốn điều lệ của PVN. Từ ngày 10-7-2008, Thủ tướng không đồng ý chủ trương ủy quyền cho HĐQT quyết định PVN góp vốn vào Oceanbank, sau khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ. Vì thế, quan điểm cho rằng thỏa thuận 6934 là bản ghi nhớ là không có căn cứ và bản thân bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận đó là không đúng thẩm quyền, vượt quá chức năng khi chưa được Thủ tướng đồng ý về chủ trương.

Hệ quả PVN sau đó đã góp vốn vào Oceanbank liên theo thỏa thuận 6934 và bản thân bị cáo Đinh La Thăng phải có trách nhiệm… Như vậy, các thành viên HĐTV PVN đã thống nhất chủ trương trong các đợt tăng vốn và bị cáo Đinh La Thăng đã ký ban hành Nghị quyết khi chưa tổ chức cuộc họp, vi phạm trình tự ban hành Nghị quyết của HĐQT/HĐTV PVN.

Hành vi khách quan của các bị cáo Đinh La Thăng khi ký vào thỏa thuận góp vốn là trái với thẩm quyền, vi phạm thẩm quyền. Các bị cáo giữ vai trò đồng phạm thì ký vào các nghị quyết góp vốn, tăng vốn. Xét về mặt chủ quan, các bị cáo buộc phải biết những hành vi này là sai phạm, bởi các thành viên HĐQT/HĐTV phải  hiểu biết về pháp luật. Do đó, các bị cáo dù không mong muốn nhưng đã bàng quan trước những sai phạm của mình.

Kết luận về hành vi vi phạm của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, HĐXX khẳng định: “Các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái” là không oan”. Tuy nhiên, cần có sự cá thể hóa trách nhiệm hình sự như trong bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên. Ở cấp phúc thẩm, PVN có văn bản xin giảm nhẹ cho các bị cáo nhưng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên HĐXX không xem xét.

Đối với bị cáo Phan Đình Đức, HĐXX phúc thẩm đánh giá, về thời gian tham gia ký vào nghị quyết tăng vốn, bị cáo khai không có mặt tại Hà Nội. HĐXX thấy chưa đủ cơ sở xác định bị cáo đã ký văn bản trước ngày ban hành. Bị cáo phản đối nhưng vẫn ký tên vào nghị quyết là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan tới số tiền 180 tỉ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn khai chi cho Ninh Văn Quỳnh nhưng không xuất trình được giấy tờ biên nhận nên không đủ cơ sở xác định lời khai này. Vì vậy, việc áp dụng tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo ở vụ án Hà Văn Thắm là có căn cứ.

Hồ sơ vụ án cho thấy, với cương vị đứng đầu PVN, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng không đưa ra bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến HĐQT/HĐTV khi quyết định đầu tư  và “rót tiền” vào tổ chức tín dụng này. Mặt khác, mặc dù chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới dùng tiền của PVN góp vốn vào Oceanbank.

Cụ thể, lần 1 (tháng 10-2008), PVN góp 400 tỉ đồng; lần 2 (tháng 5-2010) góp 300 tỉ đồng và lần 3 (tháng 5-2011) góp thêm 100 tỉ đồng. Quá trình kinh doanh, Oceanbank bị thua lỗ, rồi âm vốn chủ sở hữu. Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua bắt buộc đối với Oceanbank để gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ. Cũng chính vì thế mà 800 tỉ đồng PVN góp vào Oceanbank bị thất thoát.