Khắc tinh của những tên tội phạm đang bị truy nã

ANTD.VN - Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, CAQ Ba Đình, Hà Nội luôn chủ động xây dựng những kế hoạch truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đạt kết quả cao…

CAQ Ba Đình ra các quyết định truy nã đối tượng gây án bỏ trốn

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên địa bàn, chỉ trong một thời gian ngắn CAQ Ba Đình đã bắt giữ hàng chục đối tượng truy nã, dẫn đầu CATP Hà Nội. Điều đáng nói, trong các đối tượng truy nã bị bắt giữ, có những đối tượng thuộc diện truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và bị truy nã trên phạm vi toàn quốc.

Trốn truy nã cũng không thoát

Điển hình trong số đối tượng bị CAQ Ba Đình truy nã có Hoàng Thanh Tùng (SN 1997, trú tại xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), là đối tượng truy nã nguy hiểm, bị truy nã trên phạm vi toàn quốc về tội “Cướp tài sản”.

Theo tài liệu của CAQ Ba Đình, Trần Quang Trung (SN 1990, trú tại ngõ 103 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) và anh Đinh Trọng T (SN 1987, quê Thái Bình) cùng làm việc tại một công ty.

Ngày 8/7/2018, anh T làm giấy vay tiền Trung, với tài sản thế chấp là chiếc xe máy Honda Wave RSX và một máy tính xách tay, được tổng số tiền vay là 18 triệu đồng.

Trước khi giao tiền cho anh T, Trung thỏa thuận anh T sẽ phải trả lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ 1 ngày. Trong thời hạn 10 ngày, anh T phải trả đủ cả tiền gốc và tiền lãi, nếu không Trung sẽ thanh lý những tài sản mà anh T cầm cố.

Quá hạn, không thấy anh T liên hệ thanh toán nên Trung gọi điện thoại đòi tiền. Do anh T chưa có tiền trả, Trung đã "thanh lý" chiếc xe máy của anh T với giá 8 triệu đồng. Nôn nóng sớm thu hồi được số tiền còn lại, Trung nhờ Đỗ Hoàng Sơn (SN 1997, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), Đỗ Hữu Huy (SN 1989, trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) và Hoàng Thanh Tùng tìm gặp, gây sức ép với anh T.

Ngày 9/11/2018, Tùng gọi điện cho anh T, vờ thuê vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội vào TP. HCM, và hẹn gặp nhau tại đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Tưởng thật, khoảng 20h cùng ngày, anh T điều khiển xe máy đến điểm hẹn. Gặp nhau, Tùng hướng dẫn anh T đến một quán cà phê trên phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch để nói chuyện. Tại đây, Tùng thông báo cho Trung biết đã "dụ" được anh T và nhắn địa chỉ đến đòi nợ.

Lập tức, Trung gọi điện thoại cho Sơn và Huy đi cùng. Vừa gặp anh T, nhóm Tùng, Sơn, Huy lao vào dùng tay chân đánh, bắt phải trả số tiền nợ (cả gốc lẫn lãi) 20 triệu đồng. Anh T xin khất nợ nhưng không được, buộc phải mang chiếc xe máy đi theo nhóm Trung đến hiệu cầm đồ trên phố Đặng Dung thế chấp, cầm cố lấy tiền trả cho Trung.

Sau khi viết giấy cầm cố, Tùng giữ toàn bộ giấy tờ, rồi cả nhóm đưa anh T về quán cà phê “nói chuyện” tiếp. Do số tiền cầm cố xe máy không đủ trả nợ, Trung bắt anh T phải thanh toán thêm 9 triệu đồng. Bị ép dọa, anh T phải gọi điện thoại nhờ vợ chuyển khoản 5 triệu đồng, rồi rút trả cho Trung. Sau khi nhận 5 triệu đồng, Trung tiếp tục ép anh T thanh toán nốt 4 triệu đồng thì mới trả hợp đồng cầm cố tài sản cùng máy tính xách tay. Trong ngày 9/11/2018, tổng số tiền nhóm Trung đe dọa, đánh đập, ép buộc bắt anh T phải trả là 16 triệu đồng.

Đến ngày 14/11/2018, anh T hẹn Trung đến quán cà phê trên phố Phó Đức Chính để trả nốt nợ thì bị lực lượng Công an kiểm tra, đưa về trụ sở xác minh. Căn cứ tài liệu và lời khai nhận của các đối tượng, đến ngày 12/2/2019, Cơ quan CSĐT - CAQ Ba Đình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quang Trung và Đỗ Hoàng Sơn về tội “Cướp tài sản”; đồng thời tiếp tục truy bắt các đối tượng Đỗ Hữu Huy và Hoàng Thanh Tùng. Sau một thời gian bỏ trốn, Hoàng Thanh Tùng đã bị CAP Thành Công, quận Ba Đình bắt giữ.

Cũng thuộc trường hợp truy nã nguy hiểm, tuy nhiên được sự vận động kịp thời của CAQ Ba Đình, đối tượng Trần Thị Kim Liên (SN 1980, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận thức được hành vi phạm tội của mình, nên ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Chú trọng phòng ngừa

Trước đó, ngày 25/1/2018, Cơ quan CSĐT - CAQ Ba Đình đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Kim Liên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở Liên đã bỏ trốn chính quyền địa phương và gia đình. Quá trình điều tra vụ án và xử lý đối với Trần Thị Kim Liên, Cơ quan CSĐT - CAQ Ba Đình đã ra lệnh truy nã đối với bị can này.

Bị can Hoàng Thanh Tùng (áo kẻ hồng) cùng đồng bọn bị bắt giữ sau khi Tùng gây án bỏ trốn và bị cơ quan Công an ra lệnh truy nã toàn quốc

Hay đối với trường hợp bị can Hà Thị Nhượng (SN 1967, trú tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bị truy nã đặc biệt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi trốn khỏi địa phương, Nhượng đã đến nhà C9C, tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) tạm trú. Trong quá trình nắm địa bàn, được các chiến sỹ công an làm công tác tư tưởng, cảm hóa, vận động, Nhượng đã đến cơ quan Công an đầu thú sau ít ngày bỏ trốn về Hà Nội.

Thiếu tá Vũ Mạnh Dũng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (CAQ Ba Đình) thông tin, thời gian qua, thực hiện đợt cao điểm tấn công phòng chống tội phạm trên địa bàn quận, các đơn vị CAQ Ba Đình đã tổ chức điều tra, truy bắt và vận động đầu thú 42 đối tượng truy nã. Trong đó, chủ yếu các đối tượng bị truy nã do phạm pháp hình sự chiếm phần lớn.

Cũng theo Thiếu tá Vũ Mạnh Dũng, các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Một số loại tội phạm đang có chiều hướng ra tăng như dùng vũ khí gây án, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, một số loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang là mối quan tâm của xã hội; tình trạng đòi nợ thuê đã và đang xảy ra, hay tện nạn cờ bạc, lô - đề, cá độ bóng đá… dẫn đến tội phạm có nhiều tiềm ẩn, phát sinh đối tượng truy nã.

"Để hạn chế đối tượng truy nã phát sinh, lực lượng Công an đã xây dựng những kế hoạch, căn cứ tình hình địa bàn, số đối tượng truy nã hiện có để tập trung truy bắt, nhất là đối tượng truy nã lâu năm, hay đối tượng truy nã ở tỉnh ngoài trốn về Hà Nội", Thiếu tá Vũ Mạnh Dũng nói.

Chia sẻ công tác đấu tranh, truy bắt đối tượng truy nã, Thiếu tá Đỗ Cẩm Ly, Điều tra viên Đội Điều tra tổng hợp (CAQ Ba Đình) cho biết, nhìn từ thực trạng về công tác quản lý, theo dõi, truy bắt đối tượng truy nã cho thấy, đối tượng truy nã luôn tìm cách che giấu tung tích với nhiều thủ đoạn khác nhau, để đối phó sự phát hiện của lực lượng Công an. Đây là một trong những khó khăn đối với công tác truy nã. Bên cạnh đó, công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú liên quan đến nhiều lực lượng từ công an cấp phường, các đội nghiệp vụ, cơ quan Cảnh sát điều tra.

"Thực tế cho thấy, công tác truy nã chủ yếu được thực hiện ở lực lượng Công an và các đơn vị nghiệp vụ chuyên trách, chưa phát huy được ở các lực lượng khác, đặc biệt là lực lượng quần chúng. Thông tin đối tượng truy nã, truy tìm triển khai còn chậm, chưa phủ sóng được hết các địa bàn trong nước, nên vẫn còn những nơi là "địa chỉ an toàn" cho đối tượng truy nã ẩn nấp. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đặc biệt giữa công an đối với cơ sở và rất cần làm tốt công tác phòng ngừa, quản lý chặt địa bàn, mọi di biến động của đối tượng truy nã để chủ động trong mọi tình huống" - Thiếu tá Đỗ Cẩm Ly nhấn mạnh.