Kẽ hở pháp lý về mô hình cho vay trực tuyến

ANTD.VN - Cho vay ngang hàng hay còn gọi là vay trực tuyến (Peer-to peer Lending – viết tắt là P2P Lending) là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính…

Sự xuất hiện của loại hình P2P Lending mở ra một kênh tiếp cận vốn mới, linh hoạt giúp cho người cần có cơ hội vay vốn và người cho vay có cơ hội kiếm lời

Sự xuất hiện của loại hình P2P Lending mở ra một kênh tiếp cận vốn mới, linh hoạt, thuận tiện, giúp thêm nhiều người có cơ hội vay vốn và người có điều kiện có cơ hội đầu tư vốn kiếm lời. Tuy nhiên, đối với những người cho vay và người vay thông qua loại hình này, cần cân nhắc những rủi ro sau khi tiến hành thực hiện.

Cần quản lý chặt mô hình cho vay trực tuyến

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 18 công ty và website hoạt động theo mô hình cho vay P2P Lending. Các quan hệ cho vay thông thường giữa các cá nhân và tổ chức với nhau, được tiến hành trên nền tảng cho vay P2P Lending không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD).

Vì vậy, chưa có công ty cho vay P2P Lending nào được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động, nên đều đăng ký dưới dạng công ty tư vấn đầu tư. Thực tế đến nay chưa có hành lang pháp lý cụ thể nào đối với mô hình trên, do vậy dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn, gây bất ổn xã hội, dễ này sinh dấu hiệu vi phạm pháp luật... Thực hiện Kế hoạch số 428/KH-BCA của Bộ Cộng an, CATP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay P2P Lending.

Có thể thấy, mô hình cho vay P2P Lending là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ ở các thị trường trên thế giới. Hình thức cho vay P2P Lending đã xuất hiện từ trước khi ngân hàng ra đời, tuy nhiên, do trong quá khứ yếu tố thông tin còn hạn chế, nên không phải lúc nào người đi vay và người cho vay cũng có thể kết nối trực tiếp với nhau.

Với hình thức cho vay P2P Lending, những người có nhu cầu vay được cung cấp một dịch vụ cho vay trực tuyến với phí dịch vụ thấp hơn so với những hình thức cho vay truyền thống. Chi phí dịch vụ thấp sẽ dẫn đến kết quả nhà đầu tư thu về mức lợi nhuận cao hơn khi đem so sánh với việc gửi tiết kiệm, hay đầu tư vào bất kỳ sản phẩm nào của ngân hàng; đồng thời, người có nhu cầu vay sẽ chịu mức lãi suất thấp hơn.

Theo các cơ quan quản lý, bản chất của cho vay P2P Lending là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư), mà không thông qua trung gian tài chính. Hiện nay, mô hình cho vay P2P Lending bao gồm cả hai hình thức: Vay không đảm bảo và vay đảm bảo.

Các hình thức cho vay phổ biến hiện nay của mô hình cho vay P2P Lending như: sinh viên vay vốn, vay mua điện thoại, máy tính, các khoản vay tiền, vay tiêu dùng khác... cho vay P2P Lending cũng có thể cho vay tài sản có giá trị lớn như vay mua ôtô, bất động sản... với hình thức có tài sản thế chấp, hoặc đảm bảo giống như ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về loại hình kinh doanh dịch vụ cho vay P2P Lending. Do vậy, một số công ty lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để khoác bóng mô hình cho vay P2P Lending, nhưng thực tế là cho vay nặng lãi trá hình, điển hình nhất là huy động vốn của các nhà đầu tư với hứa hẹn lãi suất cao, lấy tiền người sau trả cho người trước (mô hình Ponzi). Kiểu trá hình thông dụng tiếp theo là công ty hoạt động như một tổ chức tài chính cho vay nặng lãi, các công ty cho vay P2P Lending tự đứng ra cho vay với lãi suất rất cao…

Hệ lụy khó lường

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, hiện pháp luật Việt Nam chưa có chế tài đối với các công ty nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, để hoạt động kinh doanh theo mô hình cho vay P2P Lending. Ngày 8-7-2019, NHNN ban hành Công văn số 5228/NHNN-CSTT gửi  các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và mới chỉ đề cập lưu ý về hoạt động cho vay P2P Lending, với các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro phát sinh khác từ cho vay P2P Lending, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh.

Vì chưa có hành lang pháp lý quản lý về mô hình P2P Lending, nên phát sinh rất nhiều rủi ro, hệ quả khó lường giữa người cho vay và người vay

Mới đây, tại một hội thảo liên quan về hoạt động “tín dụng đen”, đại diện Bộ Công an cũng đã đưa ra nhận định về dạng cho vay P2P Lending, thông qua các app (các ứng dụng chạy trên điện thoại, máy tính, web…) cho vay tiền online. Qua xác minh, một số vụ tố giác vay, nợ qua app đã phát hiện những địa chỉ công ty quảng cáo cho vay qua app là những địa chỉ "ma". Đây là dấu hiệu của tội phạm hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.

Phương thức chung của hoạt động cho vay thông qua app là giao dịch ngầm, sự thỏa thuận giữa người vay nợ và chủ nợ không được chứng thực. Đa số các app có một “ông chủ” đứng đằng sau điều hành. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các “ông chủ” cho đòi nợ thông qua “lực lượng đòi nợ thuê”, từ đó phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật...

Ông Trần Mạnh Hùng, chuyên gia tài chính cho biết, thực tế app chỉ là phương tiện cho người có tiền và người cần tiền giao dịch và chưa có quy định cấm giao dịch giữa cá nhân với cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định, tổ chức hoạt động tín dụng phải có một số điều kiện như: được sự đồng ý của NHNN, số vốn tối thiểu, cách thức cho vay... Hình thức cho vay qua app chính là hoạt động cho vay P2P Lending - là khoản cho vay trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay, thông qua nền tảng công nghệ số kết nối trực tuyến (Platform) mà không qua trung gian tài chính. Hình thức cho vay này đang chứa đựng nhiều rủi ro, do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý. Vì vậy, cơ quan quản lý cần đặt ra tất cả các vấn đề để nghiên cứu thí điểm hình thức cho vay qua công ty công nghệ này, nhằm hạn chế, ngăn chặn tiêu cực, phát huy mặt tích cực của nó.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An ninh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, hình thức cho vay P2P Lending đang tồn tại và có xu hướng phát triển mạnh.  Sự xuất hiện của loại hình P2P Lending mở ra một kênh tiếp cận vốn mới, linh hoạt, thuận tiện giúp thêm nhiều người có cơ hội vay vốn và người có điều kiện có cơ hội đầu tư vốn kiếm lời. Tuy nhiên, đối với những người cho vay và người vay thông qua loại hình này, cần cân nhắc những rủi ro sau khi tiến hành thực hiện.

Luật sư Chung phân tích, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào về loại hình này. Như vậy, việc chưa có hành lang pháp lý để quản lý thì việc kiểm soát hoạt động của loại hình này là không khả thi, từ đó cho vay theo loại hình này không đảm bảo, thậm chí bị biến tướng trở thành vay nặng lãi, “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện trên nền tảng số nhằm mục đích liên kết người cho vay và người vay, hoạt động vay hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của hai bên. Do đó đây có thể coi thuần túy là một giao dịch dân sự bình thường, nếu xảy ra sự cố rất khó truy cứu trách nhiệm của bên cung cấp nền tảng số. Đặc biệt, vì tất cả thông tin đều được lưu trữ và thực hiện trên không gian mạng, nên có khả năng bị các đối tượng xấu lợi dụng thay đổi, tiết lộ các số liệu hiển thị, các thông tin của các bên liên quan hoặc thực hiện các biện pháp công nghệ để làm gián đoạn các hoạt động đang xảy ra hòng chiếm đoạt tài sản.

“Việc phát triển một loại hình cho vay theo nhu cầu của thị trường và xu hướng nền tảng số là điều không thể ngăn cản. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động và quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay theo loại hình này, cần phải nhanh chóng có một hành lang pháp lý cụ thể để Nhà nước kiểm soát và có cơ chế giải quyết các rủi ro, tranh chấp phát sinh. Trường hợp chưa có cơ chế kiểm soát quản lý, các ban ngành liên quan cần khuyến cáo để hạn chế sự tham gia của người dân vào loại hình này”, Luật sư Đặng Thành Chung nhận định.