"Hot girl" mạo nhận giám đốc để lừa đảo xuất khẩu lao động

ANTD.VN - Xinh đẹp, giao tiếp cực kỳ khéo léo, mỗi lần xuất hiện bên cạnh những chiếc xe đắt tiền, ở nơi sang trọng. Tất cả những hình ảnh trên đã khiến cho Vũ Huyền Vi (SN 1990, HKTT tại Dương Minh Châu, Tây Ninh) trở nên long lanh, đắt giá trong mắt những người lao động nghèo khổ. Họ không hề biết rằng, sự huyền ảo bên ngoài của Vi chỉ là chiếc áo choàng phủ thuốc mê để đối tượng dễ dàng đánh lừa chiếm đoạt tài sản.

Tổng số tiền 12 bị hại tố cáo Vũ Huyền Vi lên tới hơn 100.000 USD và hơn 500 triệu đồng. Con số này đến nay chưa dừng lại, bởi danh sách bị hại chắc chắn không dừng lại ở đây khi nhiều người vẫn chưa đến cơ quan CSĐT tố cáo hành vi của đối tượng.

Tuổi trẻ cao tay... lừa

Ngồi trước chúng tôi là anh Nguyễn Thanh Lương quê ở Hà Tĩnh. Dù mới gần 30 tuổi nhưng cuộc sống nghèo khó nơi quê nhà đã khiến cho hình dáng bên ngoài của anh già trước cái tuổi đó rất nhiều. Không học hành đến nơi đến chốn, tìm việc ở quê nhà thì quá khó với đồng lương chẳng đủ chi tiêu, anh Lương bàn với gia đình xin đi xuất khẩu lao động.

Trước ý định đúng đắn của người con trai, bố mẹ anh Lương gật đầu đồng ý. Bao nhiêu tài sản còm cõi mà cả đời hai người nông dân nghèo khổ này chắt chiu lại cũng chẳng đủ số tiền hàng trăm triệu đồng lệ phí. Để có tiền lo cho anh Lương xuất khẩu lao động, họ đã phải đi vay mượn khắp nơi.

Tháng 8-2015, cầm 270 triệu đồng trên tay, anh Lương mừng vui ra Hà Nội vì đó là số tiền mà Vũ Huyền Vi khẳng định sẽ lo được cho anh xuất khẩu lao động khi nhận đủ khoản tiền này. Đưa tiền cho Vi và nhận lại tờ biên nhận cùng lời hứa nửa ít ngày nữa sẽ hoàn tất các thủ tục, kết quả anh Lương nhận được là những tháng ngày chờ đợi mòn mỏi, hụt hẫng.

Vi bị CAQ Hoàng Mai bắt giữ khi đang lẩn trốn ở TP Hồ Chí Minh

Chẳng còn nước mắt để mà khóc khi nhắc đến vụ việc con trai của mình bị lừa hàng trăm triệu đồng xuất khẩu lao động, bố mẹ anh Nguyễn Quang Thuận, quê ở Quốc Oai, Hà Nội bức xúc khi PV nhắc tới siêu lừa Vũ Huyền Vi. Cũng giống như anh Lương, anh Thuận mong muốn những tháng ngày xuất khẩu lao động ở nước ngoài trở về sẽ có chút vốn làm ăn.

Ngoài 2.500 USD, anh Thuận còn đưa cho Vi khoảng gần 240 triệu đồng để đối tượng làm thủ tục cho mình xuất ngoại. Nhưng nhanh chóng mơ ước này của anh Thuận cũng tan biến thành mây khói khi hết thời gian chờ đợi anh cố gắng liên lạc bằng mọi cách với Vi cũng không được.

Trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi không thể liệt kê hết được chi tiết những mảnh đời, những số phận bị Vũ Huyền Vi lừa đảo bằng chiêu bài xuất khẩu lao động. Nhưng có một điểm chung rằng, tất cả những bị hại của siêu lừa này đều là những người nông dân, công nhân có cuộc sống vô cùng khó khăn. Số tiền mà họ đưa cho Vi ít thì vài trăm triệu, nhiều có khi lên tới cả gần tỷ bạc.

Tất cả đều là mồ hôi nước mắt mà gia đình, họ hàng đã phải ky cóp cả đời, vay mượn khắp nơi nhưng bỗng chốc tan biến. Kết cục chung cho ước mơ xuất khẩu lao động đặt nhầm chỗ của những bị hại này là số nợ, số tiền lãi vay ngày càng chồng chất lên đôi vai gầy, trên mái rạ của những miền quê nghèo.

Danh sách bị hại chưa dừng lại

Hàng chục lá đơn trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vũ Huyền Vi đã được các bị hại chuyển đến CAQ Hoàng Mai, Hà Nội, khiến cho Ban chỉ huy đơn vị không khỏi băn khoăn, bức xúc. Thượng tá Phạm Ngọc Anh, Phó trưởng CAQ Hoàng Mai cho biết: "Đọc những lá đơn tố cáo của những hộ gia đình, người bị hại mới thấy hết được nỗi cơ cực của họ, khi niềm tin bị đặt nhầm chỗ cho ước mơ xuất khẩu lao động mà Vũ Huyền Vi đã phá tan. Yêu cầu duy nhất và cấp thiết nhất của Ban chỉ huy CAQ Hoàng Mai đối với cơ quan CSĐT của đơn vị là khẩn cấp điều tra, xác minh truy tìm, bắt giữ đối tượng gây án, truy thu lại số tiền lừa đảo trả lại cho bị hại".

Trong thời gian ngắn tập trung xác minh, CAQ Hoàng Mai xác định Vũ Huyền Vi dù có hộ khẩu thường trú ở Tây Ninh nhưng không sinh sống ở quê. Đối tượng liên tục di chuyển chỗ ở, khi thì Hà Nội, lúc ở Hải Phòng, Quảng Ninh, và bất chợt lại bay vào TP Hồ Chí Minh.

Với túi tiền rủng rỉnh, việc di chuyển qua nhiều tỉnh thành trên cả nước đều được Vi đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên, sự tinh quái của đối tượng cuối cùng cũng phải thúc thủ trước các trinh sát của CAQ Hoàng Mai. Ngay sau khi bắt giữ được Vi vào ngày 17-5 tại TP Hồ Chí Minh, đối tượng đã bị đưa về trụ sở CAQ Hoàng Mai để phục vụ quá trình điều tra vụ án.

Tập trung đấu tranh, CAQ Hoàng Mai đã làm rõ hành vi lừa đảo của Vi. Theo đó, trong khoảng thời gian tháng 5-2015, thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo, Vũ Huyền Vi tự giới thiệu là giám đốc chi nhanh của Công ty ICA Group trụ sở ở TP Hồ Chí Minh, đồng thời là Giám đốc Công ty đào tạo ngoại ngữ và cung ứng nhân lực Sakura-Tokyo có trụ sở ở phố Bùi Huy Bích, Hoàng Mai, Hà Nội. Vi “nổ” công ty của mình được giao tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tin tưởng Vi, các bị hại đã liên lạc và dồn tiền đưa cho Vi để đăng ký đi xuất khẩu lao động. Để tạo tin tưởng cho các bị hại, mỗi lần xuất hiện Vi đều ăn mặc sành điệu, đi những chiếc xe đắt tiền và có phiếu thu đầy đủ kèm theo lời hứa chắc như đinh đóng cột “yên tâm, vài ngày là bay thôi”. Tuy nhiên, đến ngày hẹn nhưng không bay được, nhiều bị hại đã đến CAQ Hoàng Mai trình báo. Thống kê của CAQ Hoàng Mai cho thấy, tổng số tiền bị hại nộp cho Vi căn cứ theo 12 đơn tố giác là 107.500 USD cùng hơn 500 triệu đồng.

Đấu tranh mở rộng, Vi khai nhận khoảng cuối năm 2014, Vi vào làm giáo viên dạy tiếng Nhật cho Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Minh Ngọc ở Hoàng Mai, Hà Nội. Lợi dụng chức năng được phép đưa người xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc của công ty, từ cuối tháng 4-2015 Vi bắt đầu nhận tiền để đưa người đi xuất khẩu lao động.

Để tạo niềm tin cho các bị hại, Vi mạo nhận mình là giám đốc của khá nhiều công ty xuất khẩu lao động khác nhau. Cho đến thời điểm hiện tại, Vi cũng không thể nhớ nổi đã có bao nhiều bị hại “gục” dưới tay mình.

Vụ án vẫn đang được CAQ Hoàng Mai điều tra mở rộng. Ai là bị hại của Vũ Huyền Vi, đề nghị đến CAQ Hoàng Mai trình báo.